Xây dựng và ban hành luật về nghề công tác xã hội là rất cần thiết
(LĐXH)- Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia thống nhất đưa ra tại Hội thảo “Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nghề công tác xã hội”, được tổ chức ngày 14/12 tại Bộ LĐTB&XH.
Ngày 14/12 tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH, Hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nghề công tác xã hội”. Chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng; bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, lĩnh vực công tác xã hội (CTXH) có vai trò quan trọng đối với bình đẳng, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững của mỗi quốc gia và nhân loại. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thời gian qua Đảng, Nhà nước rất coi trọng CTXH bởi một xã hội phát triển bền vững là một xã hội tạo được sự cân đối giữa phát triển kinh tế và vấn đề an sinh xã hội.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng nhấn mạnh, trước những mặt trái của xã hội hiện nay đặt ra trách nhiệm quản lý Nhà nước, quản lý xã hội đối với các cấp, ngành cũng như toàn bộ hệ thống chính trị xã hội. Nhiều vụ việc chậm phát hiện và xử lý, nhất là những trường hợp xâm hại trẻ em, nguyên nhân một phần do nhiều địa phương chú trọng tới kinh tế nhiều hơn, nhiều khi “giao khoán” cho một đồng chí phó chủ tịch mà không nhắc tới trách nhiệm của cấp ủy, mặt trận và đoàn thể, trong khi sự việc xảy ra tại cơ sở. Thứ trưởng mong muốn thông qua Hội thảo, các nhà lãnh đạo, khoa học, chuyên gia sẽ có hiến kế để từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nghề CTXH.
Đối tượng tiếp cận dịch vụ xã hội còn hạn chế
Bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam chia sẻ, thực chất nghề CTXH là cung cấp dịch vụ cho người dân, nhân viên xã hội là người phục vụ và kết nối với cơ quan Nhà nước, kể cả lĩnh vực tư pháp. Đối tượng được phục vụ, chăm sóc là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần được bảo vệ, che chở. Nghề CTXH góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe, đời sống của cộng đồng, từng cá nhân, nhóm yếu thế, gia đình và trẻ em.
Trong những năm qua, Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ bước đầu đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. Đã có 60 trường đào tạo nghề CTXH và hàng trăm lớp bồi dưỡng ngắn hạn được triển khai; số trung tâm trợ giúp và cung cấp dịch vụ xã hội cũng tăng theo tinh thần xã hội hóa, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống an sinh xã hội.
Bà Nguyễn Thị Hằng
Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, hiện cả nước có 9 triệu người nghèo; 7,5 triệu người cao tuổi; 5,4 triệu người khuyết tật; 4 triệu người nhiễm chất độc da cam; 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 180.000 người nhiễm HIV… Đây là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt cần được xã hội quan tâm chăm sóc, bảo vệ, che chở. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, hiện diện bao phủ CTXH mới chiếm khoảng 28%. Như vậy, số đối tượng xã hội, đặc biệt số người có hoàn cảnh khó khăn cần được tiếp cận và hưởng thụ dịch vụ xã hội còn rất hạn chế.
Trong khi đó, cũng theo bà Nguyễn Thị Hằng, lực lượng làm nghề CTXH rất mỏng và phần đông chưa được đào tạo chính quy, bài bản. Mục tiêu Đề án 32 là đến năm 2020 bảo đảm 60.000 cán bộ, nhân viên CTXH được đào tạo. Bộ LĐTB&XH cũng đã ký kết dự án với Tổ chức Gia đình và Cộng đồng quốc tế trong 3 năm (2017 – 2020) đào tạo cho 700 cán bộ quản lý cấp cao và 300 thạc sỹ CTXH.
“Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về nghề CTXH và thực hành nghề CTXH chưa hoàn chỉnh và chưa đồng bộ. Trước những vấn đề phức tạp của xã hội, đòi hỏi phải có nhận thức và tiếp cận mới. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về nghề CTXH là việc quan trọng và đã đến lúc cần có luật về nghề CTXH” – bà Nguyễn Thị Hằng nhần mạnh.
Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đồng ý với ý kiến trên và dẫn chứng: “Hiện nay để tìm được người chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện vừa dễ vừa khó. Khó ở chỗ người đó phải có kỹ năng, tạo được sự tin tưởng, được đào tạo bài bản về chăm sóc người bệnh, thậm chí cần chứng chỉ hành nghề. Hay như người làm công tác gia đình, CTV xử lý các vụ việc liên quan đến gia đình, bạo hành trẻ em, phụ nữ cũng rất khó tìm”. Bà Ngô Thị Minh nhấn mạnh, việc ban hành luật về nghề CTXH là rất cần thiết để chuẩn hóa nghề CTXH, để người yếu thế, cần được bảo vệ được tiếp cận dịch vụ xã hội theo đúng nghĩa.
Luật để bảo vệ người làm nghề CTXH
Là người có kinh nghiệm làm CTXH từ cơ sở, ông Đặng Hữu Bình – Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh dẫn chứng, việc thực hành nghề CTXH ở Việt Nam hiện nay cũng đang bộc lộ những tồn tại bất cập. Ông Đặng Hữu Bình cho rằng: “Chúng ta đã có văn bản quy định, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, nhưng chưa có các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý để thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm này. Về lý thuyết, hoạt động can thiệp là hoạt động nhằm loại bỏ tức thời nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, giảm thiểu những tổn thương về thực thể và tinh thần cho thân chủ. Sau khi can thiệp và loại bỏ được nguy cơ, hoạt động hỗ trợ sẽ nhằm cung cấp cho thân chủ những dịch vụ phù hợp nhằm ổn định, phục hồi và tạo điều kiện cho sự phát triển chức năng xã hội của thân chủ.
Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ can thiệp trong trường hợp khẩn cấp, ngoài việc tư vấn, kết nối với các cơ quan chức năng thì không thể làm gì hơn. Cán bộ CTXH không thể trực tiếp can thiệp để chấm dứt ngay tức thì hành vi bạo lực đang diễn ra ngoài lời nói. Cán bộ can thiệp - hỗ trợ không có quyền lực gì ngoài quyền chỉ được nói. Chúng tôi rất muốn có một quy định pháp lý đủ mạnh để nhân viên CTXH có thể ngăn chặn tức thì người gây ra bạo hành mà không cần phải “năn nỉ” với các cơ quan chức năng trong trường hợp chưa cần thiết”.
Nhân viên CTXH làm việc tại Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An
Ông Bình cũng cho rằng, việc kết nối với cơ quan chức năng và các đoàn thể cũng rất khó khăn và thiếu cơ sở pháp lý vì hiện nay chưa có văn bản nào quy định các cơ quan chức năng, các đoàn thể phải phối hợp với các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH để thực hiện các biện pháp hữu hiệu trong các trường hợp can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp. Bên cạnh đó, cán bộ CTXH ngoài hỗ trợ về tư vấn tâm lý, ổn định tinh thần và kết nối với các cơ quan chức năng thì cũng chưa có cơ sở pháp lý để có thể đưa ra quyết định cụ thể việc cung cấp dịch vụ nào phù hợp và có hiệu quả cho đối tượng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đề khẳng định sự cần thiết ban hành luật về nghề CTXH. TS.Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề CTXH Việt Nam khẳng định: “Pháp luật về CTXH là khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc phát triển nghề CTXH. Hầu hết các quốc gia có nghề CTXH phát triển họ đều có luật và có Hiệp hội của những người hành nghề CTXH và Hiệp hội các trường đào tạo về CTXH. Luật về CTXH điều chỉnh các hoạt động nghề nghiệp CTXH, bảo vệ quyền và lợi ích của người cung cấp dịch vụ (nhân viên CTXH) và bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ CTXH. Để phát triển CTXH thành một nghề chuyên nghiệp ở Việt Nam theo Đề án 32 của Chính phủ, cần thiết phải xây dựng và ban hành luật về CTXH”.
Cụ thể về luật này, TS. Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội thông tin thêm, CTXH được đưa vào các luật cụ thể theo 3 thể thức: Để xác định cụ thể nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ, nhân viên CTXH trong lĩnh vực cụ thể; để xác định vai trò và nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên CTXH cùng với các nghề khác và để xác định nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan cung cấp dịch vụ CTXH./.
Dương Thìn
TAG: