An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều phù hợp với giai đoạn mới
04:03 PM 12/06/2020
(LĐXH) - Ngày 12/6 tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 và Đề xuất xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 dưới sự góp mặt và chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Văn Thanh.
Bất cập của các yếu tố “chuẩn nghèo” cũ
Tại Việt Nam, từ năm 2015 trở về trước, hộ nghèo được xác định là hộ gia đình có mức thu nhập (bình quân đầu người) thấp hơn hoặc bằng chuẩn nghèo. Tuy nhiên, từ giai đoạn 2016-2020, người nghèo, hộ nghèo đã được xác định dựa trên cả tiêu chí về thu nhập và mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, ngoài tiêu chí thu nhập, còn có nhóm tiêu chí về các dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm năm dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Việc áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg đã nhận diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo thu nhập và từng chiều, chỉ số thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đây là cơ sở để địa phương xác định đối tượng thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, triển khai các chương trình, cơ chế đặc thù nhằm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cả nước.
Tuy nhiên, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 đã bộc lộ nhiều nội dung lạc hậu, bất cập sẽ không còn phù hợp với việc triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội của giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết: Tiếp cận chuẩn nghèo là căn cứ đo lường, giám sát mức độ thiếu hụt thu nhập và các dịch vụ xã hội của người dân một cách khách quan, cùng với việc thực hiện đồng bộ các chính sách khác để giảm nghèo hiệu quả trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong các tiêu chuẩn đánh giá như: chỉ số thu nhập, một số tiêu chuẩn đo lường về y tế, giáo dục người lớn, nước sinh hoạt, vệ sinh,… Chỉ số giá trong giai đoạn 2016 – 2020 tại thời điểm hiện nay được đánh giá là thấp, không phản ánh khách quan thực trạng nghèo theo thời gian.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại hội nghị 
Trong bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam có nhiều thay đổi, chuẩn nghèo đa chiều cần được xem xét, đánh giá sự phù hợp, tính khách quan và bền vững trong việc xác định hộ nghèo ở địa phương. Việc xây dựng các tiêu chí mới trên cơ sở kế thừa, và khắc phục những hạn chế, giải quyết những vấn đề phát sinh, nhận diện mới để phù hợp với thực tế. Mục tiêu hướng tới hỗ trợ toàn diện người nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân.
Sự cần thiết ban hành chuẩn nghèo đa chiều mới
Trước yêu cầu xây dựng và triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới của giai đoạn 2021 - 2025, cần thiết phải xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới theo hướng kế thừa những điểm tích cực, thành công; khắc phục những nội dung lạc hậu, tồn tại, vướng mắc của chuẩn nghèo hiện nay và giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc mới được nhận diện.
Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo lý giải sự cần thiết ban hành chuẩn nghèo đa chiều mới
Trong đó, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới tập trung điều chỉnh, nâng tiêu chí về thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu tính tại thời điểm năm 2020; bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm; sửa đổi, bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong hộ gia đình; hộ nghèo phải đáp ứng cả 02 tiêu chí thiếu hụt về thu nhập và các chiều dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm phù hợp với phương pháp luận, bản chất nghèo đa chiều. Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng dựa trên cách tiếp cận đảm bảo quyền con người, đặc biệt là quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân; hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm, bền vững người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, được đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh hội nghị
Do vậy, việc xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 là hết sức cấp thiết, là cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành và địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững giai đoạn tới.

Hà Giang

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24