Xã Mường Men (Sơn La): Còn nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo bền vững
Những năm gần đây, xã Mường Men (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) đã thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, song chưa mang lại nhiều hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn trên 65%, Mường Men vẫn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện. Làm thế nào để giảm nghèo bền vững cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây.
Tìm hiểu được biết, có nhiều lực cản khiến kinh tế xã Mường Men chậm phát triển. Là xã vùng 3, có 4/7 bản đặc biệt khó khăn, chủ yếu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hầu hết sản phẩm nông nghiệp chỉ để phục vụ sinh hoạt của gia đình. Xã có trên 4.400 ha đất tự nhiên, trong đó chỉ có hơn 500 ha đất sản xuất nông nghiệp, phần lớn là đất đồi núi dốc, ít màu mỡ, còn lại là đất lâm nghiệp. Năm 2018, bà con bắt đầu chuyển đổi trên 20 ha trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, nhưng do thiếu nguồn nước tưới tiêu, thời tiết không thuận lợi, người dân chưa đầu tư, chăm sóc nên cây trồng phát triển chậm, trong đó, có 4 ha cây bơ tại bản Nà Pa phát triển kém, gần 1 ha trồng xoài ở bản Ui bị chết. Sản phẩm chăn nuôi chưa trở thành hàng hóa, vì vậy, thu nhập bình quân ở xã mới đạt 9 triệu đồng/người/năm. Do ảnh hưởng của mưa lũ trong năm 2019, gần 12 ha ruộng ở các bản bị ngập nặng, làm hư hỏng hoa màu của bà con; công trình thủy lợi bản Khà Nhài, bản Uông bị lũ cuốn trôi. Hiện, xã mới bê tông hóa được 1,8/22 km đường giao thông trục chính của các bản, còn lại đều là đường đất, đá, trời mưa trơn trượt, lầy lội, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại và vận chuyển hàng nông sản.
Thi công công trình kè suối khu vực bản Ui, xã Mường Men
Đến thăm một số bản ở xã Mường Men, chúng tôi chia sẻ với người dân nơi đây khi con đường dẫn vào bản đều nhỏ, hẹp, mặt đường lởm chởm đất, đá. Bản Uông cách trung tâm xã khoảng 8 km, với 36 hộ dân tộc Thái. Nói về cái nghèo của bà con trong bản, ông Vì Văn Chiên, Trưởng bản Uông cho rằng: Từ trước đến nay, người dân bản Uông vẫn chỉ thâm canh 25 ha ngô, cho năng suất thấp từ 3,5 - 4 tấn/ha, 5,3 ha lúa năng suất 4 tấn/ha. Cái nghèo đeo bám cuộc sống của bà con trong bản do điều kiện canh tác khó khăn, hệ thống kênh mương thủy lợi chưa đáp ứng đủ nguồn nước tưới; bản lại không có điện lưới quốc gia, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bà con. Vì vậy, đến nay, 35/36 hộ dân trong bản đều là hộ nghèo. Bao năm nay, nhân dân trong bản vẫn trăn trở làm thế nào để thoát nghèo, xong vẫn chưa tìm được hướng đi phù hợp. Rất mong các cấp, các ngành quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện giúp bản xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Trao đổi về việc tìm hướng thoát nghèo ở địa phương, ông Hà Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Mường Men cho biết: Để đảm bảo mức sống tối thiểu và giảm nghèo bền vững, chính quyền xã đã đề ra các giải pháp đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp canh tác không hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn như: Xoài, cam đường canh... Hiện, 4 bản Khà Nhài, Nà Pa, bản Ui và bản Cóm đã có 62 hộ đang trồng cây xoài Đài Loan trên diện tích 38 ha, nếu hiệu quả, xã sẽ tiếp tục vận động bà con nhân rộng và đề nghị cấp thẩm quyền hỗ trợ cho người dân giống để chuyển đổi một phần diện tích ngô, lúa năng suất thấp, kém hiệu quả kinh tế sang trồng giống xoài này. Đồng thời, xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể của xã tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tổ chức dạy nghề ngắn hạn gắn với xây dựng mô hình kinh tế cho người dân; phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các hộ dân vay vốn đầu tư sản xuất...
Được biết, trong chương trình xóa đói, giảm nghèo, xã Mường Men tiếp tục nhận được sự hỗ trợ khi huyện Vân Hồ đã và đang triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở cho các bản chưa có điện, đường. Đầu năm 2020, việc xây dựng, lắp đặt đường điện lưới quốc gia cho bản Uông sẽ hoàn thành, tạo điều kiện giúp người dân ổn định cuộc sống. Từ các nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình 135, tuyến đường liên bản Uông - Khà Nhài dài 1,5 km đang được đẩy nhanh tiến độ thi công; công trình kè suối khu vực bản Ui cũng đã hoàn thành, góp phần chống xói mòn tuyến đường chính dẫn vào xã. Đây là điều kiện để việc giao thương hàng hóa và đi lại của nhân dân thuận lợi hơn. Cùng với đó, xã tiếp tục triển khai đầy đủ các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo như hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo theo Chương trình 135; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Chương trình 30a...
Để xóa đói, giảm nghèo bền vững, trước hết, nhân dân xã Mường Men cần phát huy nội lực, khai thác tiềm năng lợi thế ở địa phương để phát triển kinh tế. Trong quá trình đó, xã rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ giống cây, con phù hợp với điều kiện của địa phương; quan tâm đào tạo nghề cho lao động địa phương gắn với giải quyết việc làm tại chỗ để giúp bà con nâng cao thu nhập, từng bước thoát đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.
Mạnh Hùng
TAG: