An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Vốn tín dụng chính sách góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Gia Lâm
09:23 PM 08/03/2024
(LĐXH)- Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Gia Lâm, Hà Nội đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Vốn tín dụng chính sách thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Theo báo cáo, tính đến  cuối tháng 2/2024 tổng nguồn vốn cho vay của NHCSXH huyện Gia Lâm là 573,4 tỷ đồng, tăng 25,9 tỷ đồng (4,7%) so với cuối năm 2023 , gồm: Nguồn vốn Trung ương: gần 289,6 tỷ đồng, tăng 3,8 tỷ đồng; Nguồn vốn nhận uỷ thác tại địa phương là hơn 283,8 tỷ đồng, tăng 8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách huyện hơn 19,7 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với cuối năm 2023. NHCSXH huyện Gia Lâm đang cho cho 9.806 khách hàng vay vốn với dư nợ  gần 571,6 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu tập trung cho vay các chương trình: Giải quyết việc làm (GQVL), nước sạch vệ sinh môi trường (NSVSMT), cho vay hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo... Trong đó, chương trình cho vay GQVL đạt gần 413,2 tỷ đồng với 7.779 khách hàng đang dư nợ.
Phiên giao dịch của NHCSXH Huyện Gia Lâm tại Xã Phú Thị.
Có thể nói, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH cho nông dân vay đã góp phần tích cực trong việc thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển kinh tế của huyện, nhất là đầu tư phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp chuyên canh, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đặc biệt, việc vay vốn từ NHCSXH đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động nông thôn, tăng thu nhập cho các hộ nông dân, tăng hộ khá, giàu, giảm hộ cận nghèo.
Chúng tôi đến UBND xã Phú Thị, huyện Gia Lâm đúng phiên giao dịch của NHCSXH tại xã, trao đổi với chúng tôi, chị Hoàng Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Thị cho biết: Hội Phụ nữ xã có 1.629 hội viên, trong đó trên 200 hội viên được vay vốn tín dụng chính sách. Hội đã tiến hành rà soát và ưu tiên cho những hộ gia đình có khó khăn về nguồn vốn nhưng có nhu cầu phát triển kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vay. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều gia đình đã thoát nghèo. Hiện nay, Hội Phụ nữ xã không còn hội viên nào thuộc diện nghèo và cận nghèo.
Cán bộ NHCSXH kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại gia đình ông Ngô Xuân Tú ở thôn Tô Khê, xã Phú Thị.
Hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách
Theo chân cán bộ NHCSXH huyện Gia Lâm, chúng tôi đến thăm một số gia đình đang vay vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất ở xã Phú Thị, Đa Tốn.
Ông Ngô Xuân Tú ở thôn Tô Khê, xã Phú Thị cho biết: Ông bắt đầu vay vốn tín dụng chính sách từ năm 2015, hiện gia đình ông đang vay 70 triệu đồng (trong đó 50 triệu từ chương trình GQVL, 20 triệu từ Chương trình NSVSMT). Gia đình ông vốn chỉ là hộ thuần nông có 2.000m2 đất vườn. Trước đây, cũng như bao gia đình khác ở Tô Khê, nhà ông chỉ trồng lúa, trồng ngô, thu nhập thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhờ nguồn vốn được vay của NHCSXH cộng thêm tiền tích góp của gia đình, ông đã thuê thêm ruộng, cải tạo đất, mua cây giống để mở rộng diện tích trồng chuối. Từ khi chuyển sang trồng chuối, cuộc sống của gia đình ông được cải thiện rõ rệt.
Hiện nay, với 5 mẫu đất đang trồng gần 5.000 gốc chuối, trừ chi phí mỗi năm gia đình có thu nhập hơn 400 triệu đồng, đủ tiền nuôi 4 người con ăn học, xây dựng được căn nhà khang trang và mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.  
Trong không gian ngào ngạt hương hoa bưởi, ông Trần Chí Nguyện ở thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi đang vay 170 triệu đồng, trong đó 70 triệu đồng của NHCSXH và 100 triệu từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân của thành phố Hà Nội để canh tác 3 mẫu vườn bưởi. Với diện tích canh tác lớn như gia đình tôi, nếu không được vay vốn từ NHCSXH thì sẽ rất khó khăn trong đầu tư, phát triển sản xuất, phải đi vay ngoài với lãi suất cao hơn, do đó thu nhập chắc chắn sẽ giảm đi. Các hộ dân ở thôn có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện đều được NHCSXH huyện cho vay vốn. Người dân dùng nguồn vốn vay không chỉ để làm vườn, trồng cây ăn quả mà còn mở rộng ra nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh khác”.
Ông Trần Chí Nguyện ở thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm vay 70 triệu đồng
từ NHCSXH huyện Gia Lâm để góp phần đầu tư vườn bưởi rộng 3 ha.
So với trồng ngô, trồng lúa trước đây thu nhập từ trồng bưởi cao hơn hẳn, trong khi trồng lúa chỉ thu nhập 3 triệu/sào thì trồng bưởi trừ chi phí cho thu nhập khoảng 10 triệu/sào. Mỗi năm, nguồn thu từ vườn bưởi mang lại cho gia đình ông Nguyện cũng gần 400 triệu đồng. Hơn chục năm trồng bưởi, năm 2022, gia đình ông mới xây được căn nhà 3 tầng trên diện tích 400m2 đất với tổng chi phí hàng tỷ đồng.
Ông Nguyện cho biết thêm, để gia đình ông có cuộc sống như ngày hôm nay ngoài sự hỗ trợ vốn của NHCSXH, của Quỹ Hỗ trợ Nông dân, không thể không kể tới sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đường xá, kênh mương, hệ thống điện, nước của thành phố, của huyện Gia Lâm, sự quan tâm sao sát, động viên, hỗ trợ kịp thời của các cán bộ xã, hội đoàn thể, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm vay vốn.
Cùng với việc cho vay vốn, Hội Nông dân xã và Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp còn mời các giảng viên, chuyên gia từ Học viện Nông nghiệp về phổ biến kiến thức và hướng dẫn bà con kinh nghiệm trồng trọt; hoặc tập hợp những hộ gia đình trồng bưởi lại để cùng trao đổi, chia sẻ kiến thức canh tác. Nhờ đó, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp của người dân trong huyện ngày một nâng cao, đời sống, thu nhập được cải thiện rõ rệt.
Theo ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm: Từ năm 2021 đến nay, huyện Gia Lâm đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 304,13ha, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất rau, hoa, quả tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5-10 lần so với trồng lúa, đạt trung bình từ 350 đến 400 triệu đồng/ha/năm, một số mô hình doanh thu hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.
Năm 2024, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng kế hoạch định hướng phát triển nông nghiệp tập trung tại 6 xã có vùng phát triển nông nghiệp ổn định như: Kim Sơn, Văn Đức, Lệ Chi, Dương Quang…; tiếp tục duy trì, phát triển 1.693,5ha diện tích rau, quả an toàn tại các vùng sản xuất chuyên canh… Định hướng đến năm 2025, toàn huyện có diện tích trồng rau, cây ăn quả an toàn, VietGAP hơn 1.860 ha; hoa, cây cảnh hơn 372 ha, góp phần nâng cao chất lượng nông sản cho người tiêu dùng và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Với hiệu quả rõ rệt từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Gia Lâm và định hướng của huyện, nguồn vốn tín dụng chính sách vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra của huyện, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, khẳng định bước đi vững chắc trên chặng đường xây dựng huyện Gia Lâm thành quận trong thời gian không xa ./.
Thảo Lan
 

 

 

 

TAG: chuyển đổi cơ cấu cây trồng Ngân hàng chính sách xã hội Gia Lâm
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa