An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tiếp cận giáo trình giáo dục chuyên biệt - Mở rộng cơ hội cho trẻ khuyết tật
09:38 AM 09/11/2017
(LĐXH) - Thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật, thời gian qua Tây Ninh đã triển khai nhiều chế độ, chính sách liên quan. Toàn tỉnh hiện có trên 16.000 người khuyết tật, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng được thực hiện ở 7 cơ sở bảo trợ xã hội, bao gồm 02 cơ sở công lập là Trung tâm Bảo trợ xã hội Tây Ninh và Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh; 5 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập tại 3 huyện Gò Dầu, Châu Thành và Hòa Thành.

Riêng tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị đang quản lý 55 trẻ khiếm thị, có 18 cháu đã được học hòa nhập từ lớp 6 đến lớp 12, ngoài dạy văn hóa, chăm sóc sức khỏe, Trung tâm còn tổ chức dạy nghề cho các cháu. Tháng 4/2017, Trung tâm tiếp nhận thêm 22 trẻ chậm phát triển-tự kỷ-dow trên địa bàn tỉnh, hoạt động này nằm trong khuôn khổ hợp tác Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) với Trung tâm. Trên thực tế, từ năm 2014 VNAH cũng đã hỗ trợ 24 trường hợp trẻ tại Trung tâm.

Ngoài 55 trẻ khiếm thị, Trung tâm được bổ sung nhiệm vụ tiếp nhận các cháu chậm phát triển trên địa bàn

Theo thỏa thuận, VNAH đã mời chuyên gia triển khai hoạt động khám, đánh giá và can thiệp trị liệu và âm ngữ trị liệu; tập huấn cho giáo viên cách đánh giá trẻ chậm phát triển, trẻ tự kỷ trên cơ sở điều chỉnh bảng đánh giá trẻ đầu vào; trang bị mua sắm học cụ trực quan, sinh động và phù hợp cho các cháu; hỗ trợ tiền ăn...

Công tác giáo dục trẻ khuyết tật được xác định là nhu cầu bức thiết trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Là giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy và làm công tác chuyên môn, chuyên gia Nguyễn Thị Thanh đã có thời gian gắn bó với trung tâm từ năm 2003. Cô Thanh cho biết, tình trạng trẻ mắc chứng tự kỷ ngày càng nhiều nhưng nhiều bậc phụ huynh lại né tránh, không nhìn nhận. Cũng chính từ việc không hiểu rõ về tự kỷ nên việc điều trị cũng gặp bất đồng, không tìm được tiếng nói chung giữa gia đình với các bác sĩ, các chuyên gia. Lộ trình điều trị theo phương pháp âm ngữ trị liệu khá phức tạp, mỗi trẻ sẽ phải trải qua một lộ trình khác nhau bởi với mỗi trẻ tự kỷ thì biểu hiện và mức độ bệnh hoàn toàn khác nhau. Giáo viên có thể lựa chọn phác đồ bằng hình ảnh dựa trên sở thích của các cháu để thu hút sự tập trung chú ý. Đối với 22 trường hợp trẻ nhận được sự hỗ trợ của VNAH đa số đã tham gia học tập đợt 1 (năm 2014), nên dù có rất nhiều khó khăn, nhất là đội ngũ giáo viên còn mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm nhưng đến nay, các cháu có nhiều tiến bộ vượt bậc, kết quả này cũng được chính phụ huynh ghi nhận.

Giám đốc đại diện VNAH tại Việt Nam: "Mô hình cần có sự ủng hộ về chủ trương, nhận thức của gia đình và huy động được nguồn lực xã hội"

Ông Bùi Văn Toàn, giám đốc đại diện VNAH tại Việt Nam đánh giá quá trình phối hợp của Trung tâm với sự hỗ trợ tích cực của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như các đơn vị liên quan. VNAH cam kết sẽ theo sát các hoạt động của Trung tâm trong thời gian thỏa thuận 06 tháng bao gồm hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn chuyên môn, đảm bảo tài chính. Nếu đơn vị chủ động bố trí đủ nhân sự, VNAH sẽ mở rộng hỗ trợ như trang bị phòng tập, dụng cụ hỗ trợ. VNAH nỗ lực tăng cường các nguồn lực và dịch vụ cho người khuyết tật thông qua việc thực thi và phối hợp các chính sách khuyết tật, các kế hoạch trợ giúp người khuyết tật, và hệ thống quản lý thông tin khuyết tật. Đây là một trong các mục tiêu chính VNAH hướng tới khi triển khai Dự án Hỗ trợ thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật (Dự án Direct) tại Tây Ninh. Tuy nhiên, về lâu dài, việc duy trì mô hình đang thực hiện phải có sự ủng hộ về chủ trương của địa phương, nhận thức của phụ huynh, tiến tới xã hội hóa nguồn lực thực hiện.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Quá khẳng định tại Quyết định số 2692/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 của UBND tỉnh về Kiện toàn Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm; Quyết định 2227 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về Ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm; Sở cũng có công văn về Kế hoạch mở lớp học dành cho trẻ chậm phát triển, trẻ tự kỷ tại Trung tâm. Riêng 22 trường hợp trẻ tại Trung tâm đều thuộc diện nhận trợ cấp theo Nghị định 136, do đó, gia đình phải nhận thức được vấn đề của con em và có sự chung tay, phối hợp với Trung tâm, có thể thông qua việc chuyển trực tiếp trợ cấp của trẻ thành chi phí ăn học tại Trung tâm.

Niềm tin của mẹ bé Huy (11 tuổi) trước những tiến triển tích cực của con

Mặc dù quy định chức năng, nhiệm vụ đã đã được phê duyệt nhưng tới thời điểm này, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh vẫn chưa có quyết định công nhận trẻ chậm phát triển, tự kỷ là đối tượng của trung tâm, do đó Trung tâm không có chế độ thu. Đây cũng là một vướng mắc trong quá trình hoạt động của Trung tâm cần sớm được giải quyết để thúc đẩy hơn nữa kết quả thực hiện dự án lớp học dành cho trẻ chậm phát triển và tự kỷ của Trung tâm, có hướng mở rộng tiếp tục sau khi VNAH đóng dự án./.

 Đăng Doanh

 

TAG:
Tin khác
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10
Ủy ban quốc gia về trẻ em làm việc với tỉnh Sơn La về thực hiện công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em
Huyện Can Lộc huy động hệ thống chính trị thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Chăm lo chu đáo cho người có công trên mảnh đất Hà Tĩnh