Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Vĩnh Phúc xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em
03:43 PM 08/11/2021
(LĐXH)- Những năm gần đây, chương trình xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đã được các ngành chức năng, các địa phương tỉnh Vĩnh Phúc triển khai đồng bộ, qua đó đã góp phần đảm bảo trẻ em đều được hưởng các quyền cơ bản của mình.
Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. Tỉnh có dân số 1.171.232 người, gồm 9 đơn vị hành chính (2 thành phố, 7 huyện); 136 xã, phường, thị trấn với 1.379 thôn, tổ dân phố, gần 71% dân số ở nông thôn.
Tính đến hết năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc có 317.804 trẻ em, chiếm 26,65% dân số; trong đó nam có 186.179 em (chiếm 58,6%) và nữ 131.625 em (chiếm 41,4% tổng số trẻ em). Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt toàn tỉnh là 3.675 em, chiếm 1,15 tổng số trẻ em toàn tỉnh, gồm: 3.074 trẻ em khuyết tật, 179 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, 14 trẻ em bị bỏ rơi, 23 trẻ em bị xâm hại tình dục và các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác là 385 em.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 102/136 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em

Đến nay, các quyền cơ bản của trẻ em đã được Vĩnh Phúc thực hiện rất nghiêm túc, như: quyền khai sinh, được chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ phòng ngừa rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, quyền được tham gia học tập, quyền được phát triển; các hoạt động chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, tàn tật được quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực... Đặc biệt, những năm gần đây, chương trình xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đã được các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ. Các nội dung của chương trình xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được lồng ghép với các chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em và gắn với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Tính đến thời điểm 30/9/2021, toàn tỉnh có 102/136 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em (đạt 75%); 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có đầy đủ các hạng mục như: sân tập luyện thể thao đơn giản, nhà vệ sinh, cây xanh đường đi lối lại, trang thiết bị đầy đủ phục vụ vui chơi cho trẻ em và sinh hoạt của nhân dân.
Được biết, để đẩy mạnh phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ cho trẻ em có môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện; đảm bảo tất cả trẻ em đều được hưởng các quyền cơ bản của mình, có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, chỉ thị chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh xây dựng, triển khai hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò, nhiệm vụ của công tác này đối với mỗi gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã tích cực phối hợp với các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, tổng hợp danh sách số trẻ trên địa bàn, trong đó quan tâm đặc biệt đối với số trẻ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức tập huấn về chấm điểm, đánh giá các chỉ tiêu xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em tại các địa phương. Trên cơ sở đó, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đăng ký, xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí xã, phường phù hợp với trẻ em. Đồng thời, tăng cường các hình thức tuyên truyền về lợi ích và sự cần thiết của việc xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em; tuyên truyền sâu rộng các tiêu chuẩn xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em để gia đình, cộng đồng dân cư cùng tham gia phấn đấu thực hiện.
Tiếp đến, để xây dựng các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em cũng được các địa phương trong tỉnh quan tâm đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, luyện tập thể dục, thể thao vui chơi, giải trí của trẻ em. Hiện tại, 136/136 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, khu vui chơi giải trí; 1.237/1237 thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa (đạt 100%), trong đó 105/136 xã, phường, thị trấn có sân vận động, nhà luyện tập thể dục thể thao; toàn tỉnh có 59 bể bơi lớn, nhỏ (trong đó có 15 bể bơi được cấp phép, cấp phép 6 bể bơi lắp ráp thông minh).
Ngoài ra, để hỗ trợ các địa phương xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã lắp đặt 19 bộ trang thiết bị vui chơi giải trí cho trẻ em tại 19 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và trung tâm văn hóa xã. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh tích cực vận động hỗ trợ trang thiết bị vui chơi cho 80 điểm vui chơi tại các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, kích thích sự phát triển vận động, tư duy, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các em...
Thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em thiết thực, hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ở Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể hàng năm về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chỉ đạo lồng ghép và ưu tiên giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đặc biệt là các nội dung của Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 3/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Lê Việt

TAG:
Tin khác
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa