Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Vĩnh Phúc: Tập trung nguồn lực chăm lo cho gia đình chính sách, người có công
11:01 AM 02/10/2022
(LĐXH) - Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa, tập trung nguồn lực chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Vĩnh Phúc đã tiễn đưa hàng vạn người con ưu tú lên đường ra mặt trận, trong đó có hàng chục nghìn người con ưu tú đã chiến đấu dũng cảm, anh dũng hy sinh hoặc mang trong mình thương tật suốt đời. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất, dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Những đóng góp to lớn của quân và dân Vĩnh Phúc đã góp phần cùng cả nước viết nên những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc. Nhiều người được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được công nhận là lão thành cách mạng, gần 1.500 người được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng…
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tặng quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ
Hiện toàn tỉnh có trên 138.000 người có công, chiếm hơn 10% dân số; khoảng 18.000 người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Trong đó, có 15.925 liệt sỹ, 1.537 mẹ Việt Nam anh hùng, 1.460 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa, 12.200 thương binh, bệnh binh, 1.100 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 5.260 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 1.706 người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng và hơn 70.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng huân, huy chương kháng chiến. Để thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định đối với người có công; đồng thời hiện điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng và một lần đối với người có công. Các đối tượng chính sách được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo, chế độ trang cấp dụng cụ chỉnh hình, chế độ bảo hiểm y tế. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, cùng với quà tặng của Chủ tịch nước, tỉnh đã trích ngân sách hàng chục tỷ đồng tặng quà cho gia đình chính sách. Đặc biệt, từ năm 2020, tỉnh đã nâng mức quà tặng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ đối với đối tượng người có công với cách mạng lên gấp 2 lần so với trước đây.
Công tác hỗ trợ kinh phí làm nhà ở đối với người có công luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp. Việc làm này không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn thể hiện sự tri ân đối với người có công. Năm 2018, Vĩnh Phúc đã hoàn thành Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí hơn 86 tỷ đồng.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đến nay, 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị quân đội, công an, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp cùng các nhà hảo tâm nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Hằng năm, tỉnh phát động toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, các doanh nghiệp tích cực tham gia và vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn ơn đáp nghĩa”. Giai đoạn năm 2007 đến nay, tỉnh đã vận động ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được gần 46 tỷ đồng; xây mới và sửa chữa hơn 5.000 ngôi nhà và tặng hơn 3.000 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách với số tiền gần 2 tỷ đồng.
Các nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công khác ở các địa phương trong tỉnh được xây dựng, tu bổ đã trở thành các công trình lịch sử, văn hóa thiêng liêng. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác quy tập mộ liệt sĩ, giải quyết di dời các hài cốt liệt sĩ về quê theo nguyện vọng của gia đình. Toàn tỉnh hiện có 129 nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ đều được quan tâm xây dựng, chỉnh trang, tu sửa khang trang, sạch đẹp; đến nay, toàn tỉnh đã quy tập được hơn 8.500 hài cốt liệt sỹ về các nghĩa trang trong tỉnh.
Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ diễn ra vào tối 26/7/2022 tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tỉnh
Kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ hằng năm, cùng với các hoạt động thăm hỏi, động viên và tặng quà các gia đình chính sách, tỉnh còn tổ chức các đoàn cán bộ, lãnh đạo đi viếng mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị; các nghĩa trang liệt sĩ tại tỉnh Điện Biên và nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang… Thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân thiết thực, như: Tổ chức gặp mặt, biểu dương người có công tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Tại Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa cho các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup và Bưu điện tỉnh đã trao tặng nhiều phần quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng; Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trao 100 sổ tiết kiệm và các phần quà trị giá 220 triệu đồng cho thân nhân các liệt sĩ; Tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho các thương, bệnh binh; Tổ chức các đoàn đại biểu đến thăm, động viên người có công tiêu biểu; Thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh…
Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân trong tỉnh, đến nay, các hộ gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, không có hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo; không để tồn đọng giải quyết hồ sơ người có công.
Trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Vĩnh phúc sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào phong trào Đền ơn đáp nghĩa; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ; phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ; giúp đỡ các gia đình chính sách vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống; phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định: Đến năm 2025 bảo đảm tất cả hộ gia đình chính sách có mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; duy trì không còn hộ gia đình chính sách ở nhà tạm./.
Hưng Cảnh
TAG:
Tin khác
Quảng Ninh: Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế
Yên Bái đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát
Phụ nữ Nam Định với phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa'
Đắk Nông: Chú trọng nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá Chương trình giảm nghèo
Thành phố Phổ Yên với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Thái Nguyên: Bám sát thực tiễn, thực hiện tốt chính sách người có công
Đắk Nông: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp
Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang: Ngôi nhà ấp áp nghĩa tình
Quảng Ninh tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật