Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Vĩnh Phúc quan tâm quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ
05:38 PM 08/08/2024
(LĐXH)-Hiện nay, Vĩnh Phúc đang tiếp tục hướng dẫn các huyện, thành phố khảo sát thu thập, bổ sung thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ, Nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có thông tin 14.635 liệt sĩ, số mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ là 10.958 mộ, mộ liệt sĩ do gia đình quản lý là 137 mộ, trong đó có 5.359 mộ liệt sĩ có đủ thông tin và 4.679 mộ liệt sĩ có một phần thông tin.

Thực hiện công tác mộ liệt sĩ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thành triển khai thực hiện Đề án cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ; Cung cấp thông tin về trên 300 hồ sơ liệt sĩ cho các Sở Lao động ‑ Thương binh và Xã hội tỉnh ngoài để làm cơ sở đính chính sửa đổi thông tin trên bia mộ liệt sĩ theo quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ; Rà soát đối chiếu thông tin trên 3.000 hồ sơ liệt sĩ để cung cấp cho các quân khu quân đoàn binh đoàn theo quy định tại Quyết định số 1237/QĐ-TTg ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo (gọi tắt là Đề án 1237) để khớp nối thông tin hồ sơ liệt sĩ với thông tin tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ.

Đoàn cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Vĩnh Phúc

Sở cũng phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố gửi Cục Người có công mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ để giám định ADN; tổ chức giám định AND; hướng dẫn thủ tục hồ sơ cho thân nhân các liệt sĩ có nguyện vọng giám định xác định danh tính các liệt sĩ; làm tốt công tác báo tin về phần mộ các liệt sĩ đến thân nhân các của họ; hướng dẫn UBND huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Lao động ‑ Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố rà soát mộ và nghĩa trang liệt sĩ, số mộ liệt sĩ chưa biết tên đang nằm trong nghĩa trang liệt sĩ là 1.057 mộ, chủ yếu là mộ liệt sĩ thời kỳ chống Pháp. Đồng thời tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước về công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Về công tác quản lý các Nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công, Sở đã hướng dẫn các địa phương rà soát, báo cáo tình hình các nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công, đề xuất hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các công trình ghi công, nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh. Hướng dẫn Phòng Lao động ‑ Thương binh và Xã hội cấp huyện rà soát mộ liệt sĩ không có thông tin theo chỉ đạo của Bộ Lao động ‑ Thương binh và Xã hội và hướng dẫn các địa phương điều chỉnh bia mộ ghi “Liệt sĩ vô danh” hoặc “Liệt sĩ không rõ tên/họ tên” thành “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 3/6/2014 của Bộ Lao động ‑ Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.

Trong 4 năm (Từ năm 2021-2024), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ từ nguồn ngân sách Trung ương ủy quyền cho 51 nghĩa trang liệt sĩ với số tiền là 37,025 tỷ đồng. Vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) và dịp Tết Nguyên đán hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương làm sạch đẹp các Nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ, tổ chức dâng hương các nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ trong toàn tỉnh.

 Về công tác tiếp nhận và an táng hài cốt liệt sĩ, thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc tổ chức đón và lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ, Sở  Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Lễ đón, truy điệu, an táng, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ trang trọng, chu đáo. Theo tổng hợp từ BCĐ 515, đã quy tập, tổ chức an táng 2.274 liệt sĩ.

Ngày hôm nay, Vĩnh Phúc đã tôn tạo, tu bổ lại các Nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh khang trang, sạch đẹp, thể hiện tinh thần “Đền ơn đáp nghĩa”, đạo lý “Uống nước nhó nguồn”, tình cảm biết ơn sâu sắc công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc./.

Minh Hằng

 

TAG: công tác mộ liệt sĩ Vĩnh Phúc quan tâm quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
Tin khác
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái