An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh hoạt động của Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau
07:19 PM 21/10/2022
(LĐXH)-Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng quan tâm, bảo vệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và thực hiện tốt những chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi; tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy vai trò trong gia đình, xã hội.
Các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại Vĩnh Phúc đã thực sự trở thành điểm tựa của
người cao tuổi 

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 190.000 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, trong đó có hơn 32.000 người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo Luật người cao tuổi. Cùng với thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi về vật chất và tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhờ đó, người cao tuổi trên địa bàn luôn được đảm bảo các quyền, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe; tạo điều kiện lao động phù hợp với sức khỏe, nghề nghiệp và tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở địa phương.

Nhằm tiếp tục chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi trên địa bàn, đầu năm 2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2030. Mục tiêu chung của Kế hoạch là phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị phù hợp; thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của người cao tuổi. Với sự quan tâm và những hành động thiết thực từ các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc là nguồn động viên quan trọng góp phần khuyến khích người cao tuổi trên địa bàn tiếp tục rèn luyện sức khỏe, tinh thần, phát huy tài năng, trí tuệ và phẩm chất tốt đẹp của người cao tuổi trong việc tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Đặc biệt, nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT trong giai đoạn mới, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch về Duy trì và nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025. Mục tiêu từ năm 2021-2025, toàn tỉnh thành lập mới 69 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, 9/9 huyện, thành phố và 50% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có CLB.
Thông qua cách tiếp cận liên thế hệ tự giúp nhau dựa vào cộng đồng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020 với nhiều hoạt động thiết thực hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho NCT.
Được sự hỗ trợ của Dự án VIE070 (dự án Hỗ trợ NCT thiệt thòi thông qua nhân rộng CLB liên thế hệ tự giúp nhau ở Việt Nam do tổ chức HelpAge International tại Việt Nam thực hiện), từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh thành lập được 15 CLB, thu hút gần 1.000 thành viên tham gia, trong đó có 70% là hội viên người cao tuổi, 30% là đoàn viên, thanh niên và hội viên phụ nữ.
Qua hơn 2 năm triển khai, hoạt động của các CLB đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát huy vai trò của NCT trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại các địa phương; huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác chăm sóc NCT, nhất là NCT neo đơn, khó khăn, thông qua cách tiếp cận liên thế hệ tự giúp nhau dựa vào cộng đồng.
Chánh Văn phòng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh Cao Duy Đạt cho biết: Hiện 15 CLB đã xây dựng được 32 đội thể dục-thể thao và 28 đội văn nghệ nhằm đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho NCT. 100% CLB xây dựng được đội tình nguyện viên chăm sóc tại nhà và đã giúp được 74 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người cao tuổi, người đau yếu, phải sống một mình không nơi nương tựa… Hằng tháng, các CLB đều tiến hành kiểm tra các chỉ số và lập sổ theo dõi sức khỏe cho các thành viên; vận động, hỗ trợ thành viên mua thẻ bảo hiểm y tế; tổ chức truyền thông về sức khỏe, dinh dưỡng đối với NCT…Cùng với hỗ trợ vốn, các CLB phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho thành viên và thành lập các đội tình nguyện viên phát triển kinh tế, nhận đỡ đầu, giúp đỡ, kèm cặp cho các thành viên khó khăn dưới các hình thức như chia sẻ kinh nghiệm; tư vấn cách làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt; cho mượn vốn; hỗ trợ cây, con giống, tiêu thụ sản phẩm….
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Hội NCT tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của các CLB. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, nội dung, hiệu quả của mô hình CLB để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng dân cư tạo điều kiện thuận lợi, huy động các nguồn lực tham gia vào việc chăm sóc, phát huy vai trò NCT thông qua mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau ở các địa phương./.

Minh Anh

TAG:
Tin khác
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo