Vĩnh Phúc: Chăm lo Tết cho đối tượng chính sách, người có công
(LĐXH) – Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngoài các phần quà của Trung ương dành cho các đối tượng chính sách, tỉnh Vĩnh Phúc dành nguồn kinh phí 38,1 tỷ đồng hỗ trợ, tặng quà cho người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, ngân sách tỉnh trích trên 28,7 tỷ đồng hỗ trợ 33.875 người có công với cách mạng; Mẹ Việt Nam Anh hùng; đảng viên được tặng huy hiệu 50 năm, 55 năm và 60 năm tuổi Đảng trở lên; thương binh, bệnh binh dưới 81%; người và gia đình có công với cách mạng; người gián tiếp hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học đang hưởng trợ cấp; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày còn sống; thân nhân cán bộ lão thành cách mạng; thân nhân cán bộ hoạt động thời kỳ Tiền khởi nghĩa; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học đang hưởng trợ cấp.
Đồng thời, dành gần 2,8 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà Tết với gần 4.601 suất quà, tổng kinh phí gần 2,8 tỷ đồng cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn khác. Ngoài ra, tỉnh trích ngân sách gần 6,7 tỷ để thăm hỏi, tặng quà các đơn vị trong và ngoài tỉnh; đối tượng thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý đề nghị thăm hỏi trong dịp Tết.
Hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc đang quản lý 183.611 hồ sơ đối tượng người có công, thân nhân của người có công với cách mạng và đối tượng khác do ngành quản lý. Ngoài việc giải quyết các chế độ trợ cấp, phụ cấp được hưởng theo quy định, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cũng quan tâm chăm lo người có công bằng các chính sách ưu đãi cụ thể, như chăm sóc sức khỏe: 100% đối tượng chính sách là người có công với cách mạng được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe ở các cơ sở y tế thuận lợi nhất; ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở điều dưỡng người có công…Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm hỗ trợ nhà ở cho các gia đình người có công khó khăn về nhà ở. Từ năm 2013 đến nay tỉnh đã hỗ trợ xây mới cho 1.239 nhà với tổng số tiền là gần 50 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa 1.826 nhà ở cho người có công với số tiền trên 36 tỷ đồng.
Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, ngoài quy định về thăm hỏi tặng quà của Chủ tịch nước theo quy định; Tỉnh Vĩnh Phúc đã trích ngân sách trên 60 tỷ đồng để tặng cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn của Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh đến thăm hỏi, động viên các gia đình người có công tiêu biểu; thăm viếng các Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia và các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh.
Những năm qua, các phong trào Đền ơn đáp nghĩa đã lan tỏa sâu rộng, thực sự trở thành phong trào quần chúng rộng khắp từ các xóm, thôn, tổ dân phố, khu dân cư, đến các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể và cá nhân. Với các hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: Ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; hỗ trợ người có công còn khó khăn về nhà ở; phong trào nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh nặng, cha, mẹ liệt sĩ neo đơn; thăm, tặng quà gia đình người có công nhân dịp lễ, Tết...
Thông qua các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đã thể hiện tình cảm và trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đối với thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần sẻ chia những hy sinh, mất mát đối với các thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; đồng thời, động viên các đối tượng vượt qua khó khăn, bệnh tật, tiếp tục cống hiến trí tuệ và sức lực để xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh./
Hưng Minh