An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
05:27 PM 12/11/2024
(LĐXH) - Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long cũng đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp... thông qua Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.
Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan tập trung khảo sát, thống kê, dự báo, nắm bắt nhu cầu học nghề; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt, công tác dạy nghề phải gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương. Phối hợp triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ thanh niên nông thôn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có công với cách mạng, bộ đội xuất ngũ, lao động nữ bị mất việc làm... tham gia học nghề.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến; xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm để người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Vĩnh Long quan tâm đào tạo nghề cho người lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người – người tìm việc; tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại trung tâm và tại các huyện, thị xã, thành phố để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, giúp cho người lao động nâng cao hiểu biết về quy trình, điều kiện tuyển dụng của các doanh nghiệp giúp người lao động định hướng, chuẩn bị kiến thức về nghề nghiệp, việc làm trước khi tham gia thị trường lao động. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề giúp người lao động thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức các hoạt động tuyên truyền như tờ rơi, băng rôn, báo, đài và thu thập thông tin người lao động giúp cho người lao động tiếp cận được thông tin, có cơ hội tìm kiếm việc làm một cách nhanh nhất.
Trong gần 4 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện đặt hàng, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp cho lao động của tỉnh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… ước kinh phí thực hiện đến ngày 31/12/2024 là hơn 2 tỷ đồng.
Cùng với đó, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin cho Trung tâm Dịch vụ việc làm để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu (Đầu tư mua sắm mới 39 thiết bị công nghệ thông tin, gồm: 30 máy tính, 08 camera, 01 màn hình led trong nhà và phụ kiện kèm theo); nâng cấp phân mềm trang thiết bị công nghệ thông tin cho Trung tâm Dịch vụ việc làm…, ước kinh phí thực hiện đến ngày 31/12/2024 gần 9,2 tỷ đồng.
Triển khai thu thập, cập nhật, tổng hợp thông tin và nhập tin 477.246 người lao động của 107 xã, phường, thị trấn; tổ chức 14 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, thu hút 218 lượt đơn vị, công ty, doanh nghiệp và trên 7.600 học sinh, sinh viên và người lao động tham dự; tổ chức thu thập 626.026 phiếu thông tin người lao động theo Thông tư số 11/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2022; xây dựng 12.880 quyền cẩm nang, sổ tay… về việc làm, thị trường lao động; tuyên truyền trên đài phát thanh, truyền hình, báo lao động, Báo Vĩnh Long..., ước kinh phí thực hiện đến ngày 31/12/2024 gần 13,8 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo nghề theo hướng hiện đại hóa, linh hoạt nhằm nâng cao kỹ năng, năng lực thực hành, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, đẩy tư vấn nghề nghiệp, việc làm để thu hút người lao động chủ động tham gia học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp.../.
Cảnh Hưng
TAG: giài quyết việc làm
Tin khác
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật