Vĩnh Long: Nỗ lực hồi sinh những vùng “đất chết”
(LĐXH) – Tỉnh Vĩnh Long đã và đang đẩy nhanh tiến độ rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, để trả lại những vùng đất sạch, an toàn cho nhân dân sinh sống. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp và các tầng lớp nhân dân về sự nguy hiểm của bom, mìn và ý nghĩa của công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn
Tỉnh Vĩnh Long là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh qua các thời kỳ. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh hàng năm thu gom được khoảng 1,5 tấn, diện tích ô nhiễm dàn trải trên cả tỉnh. Bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh đe dọa tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến sinh kế của họ nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của các cấp, ngành, các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện nhiều hoạt động khắc phục hậu quả của bom mìn. Trong giai đoạn 2006- 2022, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành rà phá, làm sạch, thu gom bom mìn trên diện tích 208,85 ha đất phục vụ cho xây dựng các khu công nghiệp, các dự án, công trình xây dựng; qua đó, đã phát hiện và thu gom, xử lý được hơn 17.800 quả bom, mìn các loại (tổng khối lượng khoảng 8,6 tấn) góp phần tạo môi trường an toàn cho Nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bom mìn, vật nổ và những biện pháp phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ cũng được chú trọng. Các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền cho người dân đặc biệt là các em học sinh về cách nhận biết và phòng tránh tai nạn bom mìn. Cách thức tuyên truyền gần gũi, dễ hiểu giúp người dân và các em học sinh chủ động tham gia và có nhận thức tốt hơn đối với hậu quả của bom mìn cũng như cách nhận biết một số loại mìn, vật nổ thường gặp và cách xử lý khi phát hiện các vật nghi là bom, mìn, vật nổ.
Những năm qua, tỉnh cũng quan tâm rà soát chế độ, chính sách nhằm hỗ trợ tối đa cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn, như: Hỗ trợ chăm sóc y tế khi bị tai nạn, hỗ trợ mua BHYT và được hưởng chính sách BHYT theo quy định về BHYT; hỗ trợ về chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm; hỗ trợ sinh kế và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội; hỗ trợ tái định cư và phát triển kinh tế cho dân cư thuộc khu vực ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh; hỗ trợ học tập đối với con của nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện lồng ghép, huy động tối đa các nguồn lực phục vụ công tác phòng tránh tai nạn bom mìn, khắc phục hậu quả bom mìn; chủ động vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, chăm sóc cho nạn nhân bom mìn sau chiến tranh gắn với tạo sinh kế cho người dân để ổn định và đảm bảo đời sống.
Tích cực hồi sinh những vùng “đất chết”
Để tiếp tục hồi sinh những vùng “đất chết”, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (KPHQBMSCT) giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung hoàn thiện và kiện toàn hệ thống cơ cấu tổ chức ở địa phương cho phù hợp nhằm phát huy khả năng huy động, sử dụng tổng hợp các nguồn lực của địa phương để thực hiện Chương trình hành động quốc gia KPHQBMSCT (Chương trình 504. Nghiên cứu, lồng ghép các mục tiêu rà phá bom mìn vào các dự án đầu tư xây dựng có vốn ngân sách nhà nước ngoài đầu tư công, đảm bảo phù hợp theo quy định; tăng cường đào tạo lực lượng cán bộ quản lý, nhân viên thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý bom mìn còn sót lại sau chiến tranh; cập nhật và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu công nghệ, trang thiết bị phục vụ thu gom và xử lý bom mìn vật nổ; triển khai phối hợp với các đơn vị đảm nhiệm hoạt động điều tra, khảo sát ô nhiễm bom mìn (giai đoạn 2) và thu thập thông tin, dữ liệu để báo cáo, bổ sung cơ sở dữ liệu quốc gia về các vùng ô nhiễm, các khu vực đã dò tìm xử lý bom mìn, dữ liệu nạn nhân bom mìn và các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn trên phạm vi toàn tỉnh khi có chủ trương của bộ, ngành Trung ương.
Đồng thời, triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án RPBM; đưa hạng mục RPBMVN tập trung vào các địa phương có mức độ ô nhiễm bom mìn, vật nổ cao, các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm của tỉnh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an toàn cho Nhân dân. Tích cực triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho Nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025 không còn xảy ra các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra trên phạm vi toàn tỉnh. Thực hiện Chiến lược quốc gia về giáo dục nguy cơ bom mìn thống nhất và hiệu quả phù hợp với thực tế địa phương.
Bên cạnh đó, cụ thể hoá các cơ chế chính sách, dịch vụ công về công tác xã hội và trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bom mìn; cập nhật, sử dụng có hiệu quả phần mềm đăng ký và quản lý thông tin nạn nhân bom mìn, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nạn nhân bom mìn; hỗ trợ các địa phương triển khai mô hình sinh kế, đào tạo nghề, việc làm cho nạn nhân bom mìn và gia đình nạn nhân bom mìn.../.
Hưng Minh