Vĩnh Long hỗ trợ vay vốn tín dụng cho 6.127 lượt hộ chính sách nghèo
(LĐXH)- Dự ước trong năm 2021, tỉnh Vĩnh Long giải quyết cho 6.127 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo vay xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, nước sạch, về nhà ở, vệ sinh môi trường đủ điều kiện được vay vốn… với số tiền 252,297 tỷ đồng.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020, tỉnh Vĩnh Long còn 3.449 hộ nghèo, tỷ lệ 1,16% (giảm 0,6% đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra). Trong đó, có 3.152 hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập và 297 hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội; 1.227 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội; 1.797 hộ thoát nghèo và 10.463 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3.52%.
Báo cáo về kết quả công tác giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Long, dự ước trong năm 2021, toàn tỉnh giải quyết cho 6.127 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo vay xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, nước sạch, về nhà ở, vệ sinh môi trường đủ điều kiện được vay vốn… với số tiền 252,297 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 20.714 cho người cận nghèo và 6.993 người nghèo.
Hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Vĩnh Long được hỗ trợ vay vốn tín dụng để đầu tư chăn nuôi
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 662 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với kinh phí hơn 19,521 tỷ đồng. Hỗ trợ 7.496 người bán vé số trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với số tiền hơn 21,738 tỷ đồng; hỗ trợ 306 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Vĩnh Long đang cư trú trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn có nhu cầu trở về địa phương với tổng số tiền 229,5 triệu đồng; hỗ trợ 13.798 hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với số tiền 6,899 tỷ đồng. Hỗ trợ miễn, giảm phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 2.229 lượt học sinh với số tiền 782,405 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho Vĩnh Long 2.103.195kg gạo để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tỉnh đã cấp cho 73.546 nhân khẩu (người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, lao động tự do mất việc làm, người có hoàn cảnh khó khăn…).
Có thể thấy, thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, song các cấp, các ngành, địa phương ở Vĩnh Long luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, tỉnh đã có nhiều giải pháp thích hợp để tổ chức thực hiện theo chỉ tiêu của kế hoạch, huy động nhiều nguồn nhân lực để thực hiện đạt hiệu quả.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ cho người nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ. Việc sử dụng, phân bổ vốn vay kịp thời, đúng đối tượng tạo điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người nghèo, người dân tộc thiểu số. Qua đó đã góp phần cải thiện cuộc sống của người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt.
Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2022, tỉnh Vĩnh Long đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1% theo chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP. Thực hiện hỗ tợ thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Phấn đấu hỗ trợ vay vốn tín dụng cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn. 100% người nghèo trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định…
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Long sẽ thực hiện hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo. Hỗ trợ người nghèo nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.
Tiếp tục hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp năng cao kỹ năng nghề nghiệp; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm bền vững, tạo sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, hạn chế người dân rơi vào tình trạng đói nghèo, tái nghèo.
Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 03 năm kể từ thời điểm thoát nghèo) có nhu cầu, sử dụng hiệu quả dịch vụ thông tin, viễn thông, dịch vụ truy cập internet; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã họi, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Cùng với đó là nâng cao năng lực, tập huấn, bồi dưỡng, kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho độ ngũ những người làm công tác giảm nghèo để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Chí Tâm
TAG: