Kinh tế
Trang chủ / Kinh tế / Kinh tế
Việt Nam trước cơ hội vàng trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu
01:54 PM 13/11/2024
(LĐXH)- Những tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới đang triển khai những dự án tỷ USD ở Việt Nam. Sản xuất chip bán dẫn được định vị là động lực mới đưa Việt Nam thành quốc gia thịnh vượng.
Những dự án tỷ USD độ bộ vào Việt Nam
Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn toàn cầu (SEMI), với việc thực hiện hàng loạt chiến lược tăng tốc ngành bán dẫn trong thời gian qua của các cường quốc bán dẫn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Ấn Độ… và sự chuyển hướng đầu tư sang khu vực Đông Nam Á, chi tiêu hàng năm cho thiết bị bán dẫn tại khu vực này cũng gia tăng đáng kể. Trong bối cảnh này, các nhà sản xuất bán dẫn tại Việt Nam được dự báo cũng sẽ gia tăng chi tiêu ngân sách cho các thiết bị bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường bán dẫn toàn cầu cũng như mở rộng cơ sở sản xuất mới.
Được hưởng lợi từ những thay đổi toàn cầu, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội. Những tập đoàn bán dẫn hàng đầu trên thế giới, gồm: Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor... đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD. Theo Savills, dự báo đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Hiện nay, nhiều công ty thiết kế bán dẫn hàng đầu như: Renesas (Nhật Bản), Global Unichip Corporation (GUC) và Faraday Technology của Đài Loan (Trung Quốc); Microchip, Marvell, Synopsys, Qorvo… của Mỹ đều đã hiện diện tại Việt Nam.
Gia công linh kiện tại Công ty TNHH Sankoh Việt Nam (Nhật Bản). Ảnh: Tuấn Anh
Cụ thể, Samsung đang đầu tư trung tâm phát triển sản phẩm lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn từ Hà Lan cũng đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan đã nhận giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM, với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD) trong giai đoạn đầu, để đầu tư thuê nhà xưởng, sản xuất. Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý I/2025.
Tập đoàn Foxconn của Đài Loan (TQ), nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, chuyên lắp ráp sản phẩm cho Apple và nhiều thương hiệu lớn khác, hiện đã đầu tư hơn 3 tỷ USD để xây dựng nhiều nhà máy sản xuất điện tử tại Việt Nam.
Đầu tháng 7/2024, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor tại KCN Yên Phong II-C (Bắc Ninh) điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 1,07 tỷ USD. Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm. Trước đó, Amkor dự kiến phân kỳ đầu tư đến năm 2035 mới đầu tư đủ 1,6 tỷ USD, tuy nhiên sau khi khánh thành nhà máy vào tháng 10/2023, tập đoàn này đã quyết định đầu tư sớm 11 năm so với dự kiến.
Trước đó, tháng 6/2024, tỉnh Bắc Ninh cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh. Dự án được đầu tư với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công bảng mạch in PCB (bo mạch in) với tổng công suất là 2.793.000 sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 383,33 triệu USD.
Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước thách thức về cơ sở hạ tầng và logistics để hỗ trợ các ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, nhóm chỉ số cơ sở hạ tầng tại Việt Nam chỉ đứng thứ 71/132 quốc gia.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam cũng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo Báo cáo từ Bộ Thông tin - Truyền thông, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40-50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn chỉ đáp ứng khoảng 20%.
Trở thành trung tâm hàng đầu về bán dẫn
Để đạt mục tiêu đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với cơ chế, chính sách phù hợp; Bộ Giáo dục và Đào tạo lên kế hoạch đào tạo nhân lực bán dẫn, xây dựng phương án hợp tác, chương trình, giáo trình, hướng dẫn các cơ sở đào tạo, nghiên cứu mở thêm chuyên ngành; Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách giấy phép lao động cho người nước ngoài nhằm tạo điều kiện thu hút chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc trong ngành bán dẫn; nghiên cứu thúc đẩy hình thành thị trường lao động bán dẫn...
Doanh thu thị trường bán dẫn trong nước dự kiến sẽ đạt 18,23 tỷ USD trong năm nay
Với quyết tâm đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về lĩnh vực bán dẫn trong khu vực và trên thế giới, mới đây Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, cùng nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong ngành công nghiệp bán dẫn. Những nỗ lực này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước mà còn thu hút các nhà đầu tư quốc tế, mở ra cơ hội phát triển sôi động cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Với tầm nhìn dài hạn và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như hợp tác quốc tế để nắm bắt công nghệ thiết kế chip tiên tiến, dần từng bước đưa Việt Nam vào sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành bán dẫn.
Trong cuộc đua này, Viettel và FPT là hai doanh nghiệp Việt Nam tiên phong và đã đạt được những thành tựu ban đầu. FPT đã ra mắt sản phẩm IoT đầu tiên ứng dụng trong ngành y tế, trong khi Viettel đã sản xuất chip phục vụ thiết bị 5G. Không chỉ dừng lại ở thiết kế, với vai trò đầu tàu dẫn dắt ngành bán dẫn Việt Nam tiến lên, FPT và Viettel còn định hướng tự chủ sản xuất và đóng gói chip trong tương lai.
Những tín hiệu vui
Tại tọa đàm "Cơ hội của Việt Nam trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu", nằm trong khuôn khổ triển lãm “Công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024” diễn ra từ ngày 7-8/11 tại Hà Nội, ông Hans Duisters, nhà sáng lập Brainport Industries, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sioux, cho biết tập đoàn hiện đang tập trung vào các thiết bị công nghệ cao và các cơ hội hợp tác với Việt Nam rất lớn.
“Việt Nam đã đưa ra những mục tiêu, chiến lược rõ ràng để phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Thực tế Việt Nam khá thành công trong việc thực hiện mục tiêu này. Đây là lý do chúng tôi lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư trong việc phát triển mảng thiết kế phần mềm bán dẫn. Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội phát triển ở Việt Nam”, ông Hans Duisters nhấn mạnh.
Cũng tại tọa đàm này, ông Andrew Goh, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khu vực Đông Nam Á của SEMI, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lam Research, cho biết hiện nay tập đoàn có sự tham gia của hàng trăm nhà cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất các thiết bị bán dẫn. Với triển vọng và vị thế ngày càng tăng, Việt Nam đang là điểm đến được Lam Research nghiên cứu để cùng tham gia chuỗi cung ứng. “Chúng tôi đang lên kế hoạch lấy nguồn hàng từ Việt Nam để chuyển sang các quốc gia khác sản xuất. Do vậy, chúng tôi đang có nhu cầu tìm kiếm đối tác, đặc biệt là những đối tác đi theo nguyên tắc phát triển xanh và ESG, để cùng đồng hành”, ông Andrew nhấn mạnh.
Trao đổi với tạp chí VnEconomy, ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bán dẫn FPT cho biết: “Hiện, chip nguồn của FPT đã có đơn đặt hàng là 70 triệu, những công ty sản xuất máy in camera hàng đầu của Nhật Bản đã đặt hàng FPT và FPT đang trên đường ship các con chip đó vào các sản phẩm của công ty Nhật, đã đảm bảo tiêu chuẩn của Nhật và bắt đầu từ thị trường Nhật, sau đó sẽ triển khai ra thị trường các nước khác như Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, thị trường châu Âu. Tôi tin còn rất nhiều ngách như thế cho các công ty trẻ, mới của Việt Nam tham gia vào thị trường này”.
Được biết, Chính phủ và các doanh nghiệp đang phối hợp chặt chẽ để phát huy những tiềm năng hiện có, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành bán dẫn. Với những nỗ lực này, Việt Nam có thể trở thành một trong những trung tâm sản xuất bán dẫn quan trọng trên thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu./.
Lã Thị Ngọc Diệp
Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ Thuật và Công nghệ Hà Nội
TAG: chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn
Tin khác
Vinh danh 109 doanh nhân, doanh nghiệp Thăng Long tiêu biểu 2024
Mỗi năm Hà Nội tăng thêm nhu cầu nhà ở 200.000 người
Generali Việt Nam được vinh danh Top 10 Sản phẩm – Dịch vụ tin dùng Việt Nam 2024 với VITA – Sức Khỏe Vàng
Hà Nội công bố bảng giá đất, cao nhất hơn 695 triệu đồng/m2
Techfest Vĩnh Phúc 2024: Kết nối sâu rộng giữa các startup và hệ sinh thái khởi nghiệp
VRG đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 26.300 tỷ đồng
Prudential Việt Nam và HSBC Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác lấy trải nghiệm khách hàng làm trọng tâm
Prudential bế giảng khóa “Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp”, hoàn thiện hình mẫu nhà lãnh đạo đa  năng
Grab tung ưu đãi “khủng” để kết nối người dân với tuyến Metro số 1