Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Việt Nam tham gia chiến dịch toàn cầu đối phó với nguy cơ lao động trẻ em tăng cao do COVID-19
01:49 PM 12/06/2020
LĐXH - Trẻ em cần được bảo vệ khỏi lao động trẻ em hơn bao giờ hết do những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Đó là thông điệp được nhấn mạnh trong cuộc tọa đàm trực tuyến sáng nay do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đồng tổ chức tại Hà Nội. Sự kiện hưởng ứng lời kêu gọi hành động toàn cầu nhân Ngày Thế giới Phòng chống Lao động Trẻ em.
Sự kiện hưởng ứng lời kêu gọi hành động toàn cầu nhân Ngày Thế giới Phòng chống Lao động Trẻ em
(Nguồn: Truyền hình Vì trẻ em)

Một báo cáo tóm tắt mới của ILO và UNICEF cho thấy đại dịch có thể khiến lao động trẻ em gia tăng sau 20 năm có những tiến bộ trong lĩnh vực này. Theo báo cáo “COVID-19 và lao động trẻ em: giai đoạn khủng hoảng - giai đoạn để hành động”, số lượng lao động trẻ em trên thế giới đã giảm tới 94 triệu trẻ kể từ năm 2020, nhưng ở thời điểm này, thành quả đó đang bị lung lay.

Tại Việt Nam, vào tháng 4 năm nay – tháng thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch, ILO ước tính từ 4,6 đến 10,3 triệu người lao động có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch, điều này sẽ làm tăng nguy cơ lao động trẻ em. Theo ước tính, có hơn một triệu trẻ em từ 5-17 tuổi đang tham gia lao động trẻ em tại Việt Nam, hơn một nửa trong số đó đang thực hiện những công việc nguy hiểm. Khi đại dịch ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, những em này thậm chí còn có nguy cơ phải làm việc nhiều giờ hơn hoặc trong điều kiện tồi tệ hơn.

“Cần hành động ngay lập tức để bảo vệ trẻ em khỏi lao động trẻ em và duy trì các nỗ lực quốc gia nhằm ngăn chặn và xóa bỏ lao động trẻ em,” TS. Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết. “An sinh xã hội có vai trò quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng vì chính hệ thống này cung cấp hỗ trợ cho những nhóm dễ bị tổn thương nhất”, theo ông Lee.

Báo cáo chung của ILO và UNICEF đã đề cập các yếu tố góp phần dẫn đến lao động trẻ em. Các nhóm dân số dễ bị tổn thương như người lao động trong nền kinh tế phi chính thức và lao động nhập cư sẽ phải hứng chịu nhiều nhất từ suy thoái kinh tế, phi chính thức hóa, gia tăng thất nghiệp, giảm mức sống nói chung, ảnh hưởng liên quan đến sức khỏe và thiếu thốn về bảo trợ xã hội. COVID-19 có thể khiến nghèo đói gia tăng, từ đó cũng sẽ dẫn tới gia tăng lao động trẻ em vì các hộ gia đình phải sử dụng mọi phương cách có thể để tồn tại. Nghiên cứu tại một số quốc gia cho thấy khi nghèo đói tăng 1 điểm phần trăm thì lao động trẻ em sẽ tăng theo ít nhất 0,7 điểm phần trăm.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF cho biết: “Trẻ em bị mắc kẹt trong lao động trẻ em bị tước mất tuổi thơ, sức khỏe và giáo dục, thì thường sẽ phải chịu một cuộc sống nghèo khổ. UNICEF tin rằng hành động hiệu quả để chống lại lao động trẻ em trong bối cảnh hiện tại đòi hỏi trẻ em phải được đặt vào trung tâm của các kế hoạch ứng phó và hồi phục COVID-19,”.

Trong những năm vừa qua, công cuộc đấu tranh phòng chống lao động trẻ em đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, cần phải thực hiện nhiều hoạt động hơn nữa để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025. Một đánh giá nhanh về tác động của COVID-19 đối với lao động trẻ em đang được thực hiện trên toàn quốc với sự hỗ trợ của ILO. Đánh giá này sẽ cung cấp thông tin cho việc xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia về Phòng ngừa và Giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025.

Các diễn giả tham gia tọa đàm (Nguồn: Truyền hình Vì trẻ em)

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) chia sẻ: “Những tác động của COVID-19 đến bảo vệ trẻ em và vấn đề lao động trẻ em sẽ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rút ra bài học để xây dựng kế hoạch tiếp tục lộ trình giảm thiểu lao động trẻ em đến năm 2025 và 2030. Chúng ta hãy cùng nỗ lực hành động, đặc biệt trong năm 2021 là năm quốc tế về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, để đại dịch COVID-19 không thể cản trở các quốc gia hướng đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đến  năm 2030, đặc biệt trong đó có mục tiêu 8.7.”

Cuộc tọa đàm trực tuyến được phát trực tiếp trên trang Facebook của ILO, UNICEF, và trang của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em, vào lúc 9h ngày 12/6/2020 từ văn phòng trụ sở Liên Hợp quốc tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện Cục Trẻ em, ILO và UNICEF.

Trần Huyền

 

 

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24