Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Việt Nam nghiên cứu xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em một cửa
10:37 AM 10/07/2021
LĐXH- Ngày 9/7, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp tổ chức Good Neighbors Vietnam (GNI) đồng tổ chức hội thảo Tham vấn đề xuất xây dựng mô hình một cửa bảo vệ trẻ em tại Việt Nam.
Cục trưởng Cục trẻ em và Trưởng đại diện GNI đồng chủ trì hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, Việt Nam ngày càng hoàn thiện thể chế về bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên Việt Nam vẫn còn hạn chế và thách thức trong công tác bảo vệ trẻ em. Ông Nam cho rằng, hiện nay, số lượng và chất lượng các cơ sở ung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em còn thiếu. Do đó dẫn đến tình trạng hạn chế trong khắc phục, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực và xâm hại. Hội thảo chính là cơ hội để Việt Nam tham khảo, học hỏi kinh nghiệm bảo vệ trẻ em của Hàn Quốc, đặc biệt là xây dựng mô hình một cửa bảo vệ trẻ em.

Đến nay, Việt Nam đã xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) đảm bảo tính hệ thống, liên tục, có sự phối hợp. Bảo vệ trẻ em phải tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình, tiêu chuẩn. Trong đó, ưu tiên bảo vệ trẻ em tại gia đình; cha mẹ, người chăm sóc và trẻ em được cung cấp thông tin và và tham ga ý kiến. Đặc biệt, hệ thống bảo vệ trẻ em coi trọng công tác phòng ngừa.Theo  quy định, hiện nay có 2 loại hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em là cơ sở công lập và cơ sở ngoài công lập gồm cơ sở có chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cơ sở có một phần chức năng nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Pháp luật quy định rõ, khi tiếp nhận thông tin, thông báo các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em phải đảm bảo nguyên tắc bảo mật thông tin. Mọi thông tin, thông báo, tố giác trong quá trình tiếp nhận, xác minh phải được đảm bảo vì lợi ích, sự an toàn của người cung cấp thông tin và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em có liên quan. Quá trình cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ cho việc bảo vệ trẻ em giữa nơi tiếp nhận thông tin và cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em phải được bảo mật.

Cục trưởng Đặng Hoa Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Các kênh tiếp nhận thông tin tố giác bạo lực, xâm hại trẻ em gồm: Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111); Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp; Cơ quan công an các cấp  và UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc. Khi tiếp nhận thông tin tố giác bạo lực, xâm hại trẻ em phải nhanh chóng phối hợp xử lý thông tin; Đánh giá ban đầu mức độ tổn hại của trẻ em; Xác định nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp của trẻ em  để xây dựng, phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp; Thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp và rà soát, đánh giá sau khi thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

"Các cơ quan chức năng sẽ tiến hành can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp khi trẻ em đang bị đe dọa hoặc bị gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em chính là người gây tổn hại cho trẻ em. Việc can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp phải được thực hiện trong thời gian nhanh nhất có thể và không quá 12 giờ từ khi nhận được thông tin", bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết khẳng định.

Điều phối viên quốc gia tổ chức GNI chia sẻ một số điểm trong mô hình bảo vệ trẻ em một cửa của Hàn Quốc

Đối với pháp luật tại Hàn Quốc, theo chia sẻ của bà Jinny, Điều phối viên quốc gia tổ chức GNI, Luật về các trường hợp đặc biệt liên quan đến Xử phạt tội phạm xâm hại trẻ em ra đời từ năm 2014. Mô hình một cửa bảo vệ trẻ em thành lập từ 1 cơ quan trở lên về chuyên trách bảo vệ trẻ em tại huyện. Chủ tịch huyện có thể lựa chọn một số tổ chức phi lợi nhuận để ủy thác việc quản lý. Chi phí quản lý chia theo tỷ lệ 50% chính quyền trung ương, 50% chính quyền địa phương. Thông tin xâm hại trẻ em quốc gia được hợp nhất (data base): Lịch sử tiếp nhận khai báo, điều tra xâm hại trẻ em, dịch vụ cung cấp, kết thúc ca; thống kê chính sách và phòng tránh bị bỏ sót qua hệ thống hợp nhất cơ quan chuyên trách bảo vệ trẻ em, công an… Khi điều tra các vụ xâm hại trẻ em ưu tiên cảnh sát/cán bộ chuyên trách về xâm hại trẻ em tham gia điều tra. Khi điều tra hiện trường phát sinh vụ việc và các điểm liên quan: Bắt buộc điều tra (đối mặt, nguyên tắc cách ly) trẻ bị hại. Điều tra người khai báo, người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng/ giáo dục, người chứng kiến, hàng xóm.

Bình luận về vấn đề này, tư vấn độc lập – TS. Nguyễn Hải Hữu cho rằng: Cần nghiên cứu rà soát hệ thống luật pháp, chính sách, cơ chế, thủ tục hành chính liên quan đến cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính về bảo vệ trẻ em và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Tiến tới, tạo khung pháp lý hoàn chỉnh cho việc xây dựng và phát triển mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em một cửa ở cấp xã, hình thành trung tâm cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em một cửa cấp huyện/quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố.

Đăng Doanh

 

 

TAG:
Tin khác
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
Dùng thuốc mua trên mạng, tiền mất mà tật còn nguyên
Người hâm mộ đổ ra đường, hô vang “Việt Nam vô địch!”
CSGT Diễn Châu kịp thời giúp bé 4 tuổi thoát cơn nguy kịch