An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác với Hàn Quốc để đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề
11:17 AM 29/03/2022
Ngày 25/3/2022, tại Thanh hoá, đã diễn ra Hội nghị Gặp gỡ Hàn Quốc 2022. Hội nghị có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan và hơn 600 đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành liên quan; Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, các cơ quan đại diện Hàn Quốc tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo, doanh nghiệp một số tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, khu vực miền Bắc; các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động và có nhu cầu tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tại tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.
Thông tin tại phiên thảo luận “Hợp tác văn hóa, du lịch và phát triển nguồn nhân lực” trong khuôn khổ chương trình hội , ông Cho Hyun Woo, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: Hợp tác địa phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã diễn ra sôi động thời gian qua, đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Trong đó, hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân cũng đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác giữa địa phương hai bên. Phát triển nguồn nhân lực đang là một trụ cột trong hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc. Các lao động Việt Nam với sự hợp tác, hỗ trợ của Hàn Quốc đã được đào tạo để nâng cao trình độ và ngôn ngữ Hàn Quốc, đáp ứng tốt các yêu cầu làm việc tại các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam và dự báo số lượng lao động Việt Nam tại đây sẽ tiếp tục tăng nhanh khi Hàn Quốc thực hiện chính sách nhập cảnh mới từ ngày 1/4/2022.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho biết: “Việc hợp tác quốc tế mạnh mẽ đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc hoàn thiện chất lượng nguồn nhân lực theo các tiêu chuẩn tiến bộ trên thế giới. Đến tháng 4/2020, Việt Nam đã ký kết và tham gia 13 Hiệp định thương mại tự do và hiện đang đàm phán 3 hiệp định. Trong đó, Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết rất cao về lao động - việc làm, đặt ra những yêu cầu rất cao về chất lượng nguồn nhân lực. Hai Hiệp định này với những tiêu chuẩn quy định về lao động trong thương mại đã đảm bảo được các quyền và lợi ích của người lao động, trong đó có quyền được đào tạo nâng cao năng lực tại nơi làm việc và như vậy là người lao động đã có thể chủ động và có ý kiến đóng góp cho quá trình phát triển nguồn nhân lực”.
“Việc tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do đặt ra 3 yêu cầu đối với Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực: Thứ nhất là để cung cấp nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp Việt Nam để các doanh nghiệp có thể tận dụng các ưu đãi của Hiệp định, vươn ra đầu tư, kinh doanh ở các nước. Thứ hai là để cung cấp đủ về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đến từ những nước đối tác trong Hiệp định mà theo dự báo lượng đầu tư từ những nước này sẽ tăng lên nhanh chóng. Thứ ba là để có đủ nguồn nhân lực có chất lượng dành lợi thế so sánh về năng lực cạnh tranh, năng suất lao động quốc gia”- Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin.
“Việt Nam luôn coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề thời gian qua đã và đang thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ và đồng bộ; chất lượng và hiệu quả với nhiều chuyển biến tích cực; kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên. Quy mô đào tạo nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề tăng nhanh đã góp phần khắc phục tình trạng “hình chóp ngược” trong cơ cấu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam. Chất lượng đào tạo nghề tại một số ngành đã đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp với công nghệ hiện đại và nhất là ở một số ngành lao động Việt Nam đã dần đảm nhận thay thế được một số vị trí mà trước đây cần có chuyên gia và lao động kỹ thuật nước ngoài. Mặt khác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng đã gắn với yêu cầu của thị trường lao động, nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp nhất là thất nghiệp”- Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan chia sẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cũng cho biết, trong những năm qua, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã hỗ trợ công tác huấn luyện thí sinh và chuyên gia của Việt Nam tham gia Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới đang mang về cho Việt Nam nhưng huy chương thế giới đầu tiên; tăng cường hỗ trờ kỹ thuật, các điều kiện đảm bảo cho hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia Việt Nam thông qua dự án “tăng cường năng lực hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề Việt Nam” do KOICA tài trợ. Chương trình cấp phép việc làm (EPS) từ năm 2004, đến nay có hơn 110.000 lượt lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Hiện nay, tổng số lao động ta đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này là 28.500 người. Ngày 1/2/2021, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã ký gia hạn Bản ghi nhớ về Chương trình EPS với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc. Trên cơ sở đó, hai bên đang tích cực tháo gỡ các vướng mắc để đưa gần 6.500 lao động được chọn từ năm 2020 đi làm việc tại Hàn Quốc và giới thiệu 5.416 hồ sơ đã thi từ năm 2019 - 2020 nhưng chưa được lựa chọn…
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh: “Để thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong phát triển nguồn nhân lực và góp phần phần phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác với Hàn Quốc trong triển khai các dự án ODA để đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ đầu tư nước ngoài và hướng tới chuyển đổi lao động tự do trong khu vực và nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ Việt Nam đang điều chỉnh các chính sách liên quan nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư này. Thông qua các cơ chế hợp tác đó, công tác phát triển kỹ năng nghề và giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã xây dựng các chính sách mở hơn nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, liên kết công tác chuẩn hóa, phát triển kỹ năng nghề và đào tạo với nước ngoài; chuyển giao mô hình quản lý trình độ kỹ năng nghề và đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề của Hàn Quốc, các bộ chương trình đào tạo từ các nước phát triển và tổ chức đào tạo thí điểm theo tiêu chuẩn của nước chuyển giao và được tổ chức kiểm định quốc tế công nhận trình độ kỹ năng; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý tại nước ngoài; thúc đẩy, thực hiện các hoạt động hợp tác về phát triển kỹ năng nghề, đào tạo nghề hướng tới việc tham chiếu, công nhận lẫn nhau về trình độ kỹ năng nghề giữa Việt Nam và các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc; xây dựng hệ thống mạng lưới các đối tác phát triển đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật vốn ODA từ các đối tác phát triển...”
Phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ Hàn Quốc năm 2022, ông Park Noh-wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã bày tỏ sự phấn khởi với sự thành công trong các phiên thảo luận hoạt động chính thức cũng như bên lề hội nghị. Hội nghị đã có những trao đổi hết sức cởi mở của cả hai phía về một số lĩnh vực hợp tác cơ bản giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc. Đồng thời hai bên cũng bày tỏ hi vọng trong tương lai, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sẽ phát triển không ngừng. Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược phát triển mạnh mẽ và đạt những thành quả to lớn hơn nữa trong thời gian tới...
Mỹ Hạnh
TAG:
Tin khác
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa