Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Việt Nam cam kết giải quyết tốt vấn đề lao động trẻ em
02:06 PM 18/12/2020
(LĐXHH)- “Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết tốt vấn đề lao động trẻ em, có quy định cụ thể về các hành vi nghiêm cấm bóc lột trẻ em, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, đoàn thể, gia đình, cộng đồng, của các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em...”. Đây là ý kiến phát biểu nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Nguyễn Thị Hà.
Sáng ngày 18/12/2020, tại Hà Nội, Bộ Lao động - TBXH phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo công bố kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em lần thứ hai.
Quang cảnh hội thảo Điều tra Quốc gia về lao động trẻ em lần thứ hai của Việt Nam
Tỷ lệ lao động trẻ em của Việt Nam thấp hơn 2%
Điều tra Quốc gia về lao động trẻ em lần thứ hai của Việt Nam đã xác định có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5 đến 17 là lao động trẻ em (LĐTE). Con số này tương đương với hơn 1 triệu trẻ, trong đó có hơn một nửa em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc độc hại nguy hiểm.
So sánh trong khu vực, tỉ lệ LĐTE tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỉ lệ trung bình của khu vực Châu Á và Thái Bình Dương. So sánh với kết quả Điều tra Quốc gia về lao động trẻ em lần thứ nhất được thực hiện vào năm 2012, số liệu gần đây cho thấy tỉ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm đi đáng kể, từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ lao động – TBXH Nguyễn Thị Hà, cho biết: LĐTE đang là vấn đề toàn cầu, hiện nay, theo ước tính của Tổ chức lao động quốc tế, có khoảng 152 triệu LĐTE. Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp; cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em, làm mất đi các quyền của trẻ và  tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai.   
Trong thời gian qua, công tác phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư. Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức LĐTE tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu làm việc.   
Ông Chang - Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo
“Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề LĐTE, cụ thể như: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Luật Lao động năm 2019 sửa đổi và được Quốc hội phê chuẩn tiếp tục quy định liên quan đến lao động chưa thành niên, Luật trẻ em năm 2016 được Quốc hội thông qua quy định cụ thể về các hành vi nghiêm cấm bóc lột trẻ em, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ ngành, đoàn thể, gia đình, cộng đồng, của các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE. Công tác phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ ngành, đoàn thể. Huy động được sự tham gia của  của các tổ chức liên quan, doanh nghiệp và toàn xã hội” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, nhấn mạnh.  
Ông Robert Gabor, Tham tán kinh tế Đại sứ quán Hoa Kỳ đánh giá cao tính công khai, minh bạch của Việt Nam trong vấn đề LĐTE
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, thông tin: Năm 2018, Bộ Lao động - TBXH chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thống kê và hỗ trợ của Bộ Lao động Hoa Kỳ, Tổ chức ILO triển khai khảo sát quốc gia lần 2 về LĐTE tại Việt Nam. Khảo sát quốc gia về LĐTE tại Viêt Nam đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật kịp thời của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các Viện khoa học, Tổng cục thống kê và đặc biệt là các chuyên gia quốc tế đến từ ILO. Kết quả khảo sát đã nhận được sự đóng góp ý kiến quý báu của các Bộ, ngành, đoàn thể, phòng thương mại công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các hiệp hội, các chuyên gia giàu kinh nghiệm về lĩnh vực LĐTE...   
Đảm bảo tương lai tươi sáng cho trẻ em Việt Nam
Theo cuộc điều tra gần đây nhất được thực hiện vào năm 2018, có 1.754.066 trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế tại Việt Nam, trong đó có 1.031.944 trẻ là LĐTE. Trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế bao gồm trẻ và người chưa thành niên từ 5 - 17 tuổi tham gia các hoạt động kinh tế ít nhất là 1 giờ vào bất kỳ ngày nào trong tuần tham chiếu, không phải tất cả trẻ em tham gia hoạt động kinh tế là lao động trẻ em.
Ông Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viên Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - TBXH) chia sẻ về cuộc điều tra LĐTE
Có 58,8% trẻ tham gia các hoạt động kinh tế tại Việt Nam là LĐTE. Các em phải làm các công việc trái pháp luật so với độ tuổi của các em, hay quá số giờ các em được phép làm hoặc do tính chất công việc các em phải thực hiện. LĐTE bao gồm các công việc gây tổn hại đến thể chất, tinh thần của trẻ, cản trở việc học hành và có tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.
Đồng nhất với xu hướng chung của toàn cầu, 84% lao động trẻ em tại Việt Nam tập trung ở vùng nông thôn và hơn một nửa số đó làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Những khu vực khác có nhiều lao động trẻ em bao gồm dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Khoảng 40,5% lao động trẻ em là các lao động trong hộ gia đình không được trả lương...
Đại diện các Hiệp hội phát biểu tại hội thảo
Ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam, trao đổi: LĐTE thường tồn tại ở các hộ kinh doanh cá thể, không chính thức, thuộc các chuỗi cung ứng nên rất khó phát hiện. Việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào thương mại toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam buộc phải đảm bảo các chuỗi cung ứng của mình không sử dụng LĐTE để hội nhập thị trường toàn cầu.
Ông Nguyễn Hải Hữu, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - TBXH) phản biện tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Robert Gabor, Tham tán kinh tế Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, khẳng định: Chưa có một quốc gia nào thực hiện được một cuộc điều tra toàn diện, số liệu đầy đủ, trung thực, minh bạch, công khai như Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo sâu sát về đề LĐTE, Bộ Lao động – TBXH cũng có rất nhiều chương trình thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa giảm thiểu LĐTE. Chính phủ Hoa Kỳ hy vọng Việt Nam tiếp tục là quốc gia đi đầu trong khu vực về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE…
Những kết quả của Điều tra Quốc gia về lao động trẻ em 2018 được công bố tại Hà Nội ngày hôm nay, cho thấy sự cần thiết của các chính sách và những can thiệp trong những năm tới nhằm giảm thiểu và hướng tới xóa bỏ lao động trẻ em để đảm bảo một tương lai tươi sáng cho trẻ em Việt Nam và tương lai phát triển bền vững, hội nhập của đất nước.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em trao đổi tại hội thảo
Cần sớm có những hành động để giảm thiểu tổn hại của đại dịch và các thảm họa thiên nhiên đang đe dọa những thành tựu đã đạt được trong công cuộc phòng ngừa, giảm lao động trẻ em và nguy cơ gia tăng số lượng các trường hợp lao động trẻ em đã xác định trong năm 2018. Vì vậy, những nỗ lực quốc gia nhằm thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức cần sớm được thực hiện. Là quốc gia tiên phong của Liên Minh Toàn Cầu 8.7, Việt Nam cam kết tiến hành các nghiên cứu, chia sẻ thông tin và thực hiện những sáng kiến nhằm hướng tới việc thực hiện mục tiêu này.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương