An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Về với ngôi nhà ấm áp tình người
03:10 PM 28/09/2018
(LĐXH) – Trung tâm công tác xã hội tỉnh Hòa Bình từ lâu được biết đến là nơi cưu mang, nuôi dưỡng người tâm thần, tàn tật, trẻ mồ côi, người già neo đơn… bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Sống tại Trung tâm, những số phận không may mắn ấy đã và đang được chăm lo và nhận được sự thương yêu, sẻ chia của cộng đồng xã hội.
Mái ấm chan chứa tình thương yêu…
Trung tâm CTXH tỉnh Hòa Bình hiện đang thực hiện chăm sóc, quản lý, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho 200 đối tượng, bao gồm người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, tâm thần, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng cần bảo trợ khẩn cấp... Xác định tầm quan trọng của công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người tâm thần cũng như giáo dục và giải quyết việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong những năm qua, đơn vị đã cưu mang và nuôi dưỡng những số phận không may mắn, trao cơ hội học tập, định hướng nghề nghiệp phù hợp để họ có thể tự mình vươn lên trong cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng.
Đến thăm Trung tâm, người gây ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là anh Đỗ Anh Chiến, Giám đốc Trung tâm, mặc dù đã gần đến giờ nghỉ trưa, anh vẫn phân công các cán bộ nơi đây tiếp đón đoàn một cách nhiệt tình, chu đáo. Sau khi giới thiệu qua quá trình hoạt động của đơn vị, anh cùng các cán bộ Trung tâm lần lượt dắt chúng tôi đi đến từng khu nhà dành cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng. Lúc này, một nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vừa tan lớp về, trên gương mặt chúng vẫn hiện rõ nét vui tươi, ríu rít nói cười. Có lẽ trong tiềm thức của lũ trẻ giờ đây chưa thể hình dung được số phận bị bỏ rơi của mình khi phải lớn lên và nương tựa vào những tấm lòng bao dung của các cô chú nơi đây, nơi mà họ vừa phải đóng vai là người con, vừa là những ông bố, bà mẹ thứ  hai trong đời của chúng, giúp cho chúng nguôi đi nỗi khát khao cháy bỏng về một gia đình có đủ đầy tình thương yêu của cha mẹ.
Đồng chí Đỗ Anh Chiến chia sẻ về những khó khăn thuận lợi trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại trung tâm
Chia sẻ với phóng viên, ông Chiến cho biết: Phần lớn các đối tượng đang sinh sống tại Trung tâm đều không có gia đình, con cái, không nơi nương tựa và đều là hộ nghèo. Quá trình tiếp nhận, Trung tâm luôn theo dõi quá trình sinh hoạt, tình hình sức khỏe để đưa ra những biện pháp chăm sóc hợp lý. “Đặc biệt, các cán bộ trung tâm luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đối tượng để kịp thời động viên tâm lý, đưa ra những cách thức giáo dục, nuôi dưỡng phù hợp. Thực tế cho thấy, các đối tượng người cao tuổi, đặc biệt là các cụ già yếu, một số phải nằm bất động, nhân viên hộ lý, y tế thường trực chăm sóc, động viên, chia sẻ như người thân ruột thịt trong gia đình. Riêng đối với trẻ em bị bỏ rơi, nhiều em không được chăm sóc, tất cả được các mẹ nuôi chăm sóc như con đẻ của mình. Tuy tính chất công việc khó khăn, vất vả, nhưng các cán bộ nhân viên ở Trung tâm vẫn không quản ngại khó khăn phục vụ bằng tình yêu thương nhân ái”.
… và thế giới của những mảnh đời bất hạnh
Ghé qua dãy nhà dành cho người cao tuổi không nơi nương tựa, tôi có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với bà Hà Thị Niềng, người huyện Tân Lạc. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe ngày càng yếu dần, mọi sinh hoạt cá nhân phải dựa vào cán bộ trung tâm. Không chồng, không con cái, bà sống cùng gia đình của em gái và cậu em trai, tuy nhiên do hoàn cảnh quá khó khăn, gia đình đã gửi bà vào đây để các cán bộ trung tâm tiện bề chăm sóc. Với bà, đến nay đã 14 cái tết trôi qua, 4 năm trở lại đây, bà bỗng trở tai biến nặng, mọi sinh hoạt đều dựa vào các cán bộ nơi đây. Nhờ sự chăm sóc tận tình, chu đáo, đến nay bà đã tự ngồi dậy, vận động và tự sinh hoạt cá nhân mặc dù không còn nhanh nhẹn, minh mẫn như xưa. Lúc chúng tôi ghé thăm, chiếc giường nơi hàng ngày bà vẫn ngồi một chỗ nhìn ra khoảng sân trống xem các em tại trung tâm vui đùa, đôi tay run rẩy già nua cầm lấy tay tôi, bà vui mừng khôn xiết như gặp được người thân đi xa trở về, bà tâm sự: Bao năm năm rồi, bà coi nơi đây là nhà, cán bộ là con cháu. Với những người có hoàn cảnh như bà, trung tâm CTXH tỉnh Hòa Bình như một gia đình ấm áp, nơi bà có thể lấy tinh thần làm niềm vui và gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ để sẻ chia những vui buồn của tuổi già và không còn cảm thấy cô đơn mỗi khi đau ốm, bệnh tật. Với bà, được sống trong sự thương yêu, quan tâm chăm sóc của các cán bộ Trung tâm, được vui đùa cùng với lũ trẻ vốn thiếu vắng tình yêu thương cha mẹ mỗi ngày và thưởng thức các chương trình văn nghệ, đọc báo, xem tivi… thực sự là nguồn an ủi lớn lao để bà vượt qua cùng với những tháng ngày cuối đời còn lại.
Bà Hà Thị Niềng, 75 tuổi, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình tại Trung tâm CTXH tỉnh Hòa Bình
Kế bên khu nhà của bà Niềng đang ở cùng với những người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa khác là những tiếng hò hét la mắng. Ở đây , có đến 116 người từ tâm thần  từ nhẹ đến đặc biệt nặng, mỗi người trong số họ lại mang những số phận và hoàn cảnh khác nhau. Những hôm thời tiết thay đổi, họ thường lên cơn la hét, đập phá do không tự chủ được hành vi của mình. Trao đổi với chị Phạm Thị Loan- Phó Giám đốc Trung tâm được biết, số người bị tâm thần tại đây tương đối đông, việc chăm sóc rất khó khăn và nguy hiểm. Mọi sinh hoạt cá nhân của các đối tượng này đều do cán bộ nhân viên thực hiện.
Vốn sống và làm việc trong môi trường rất đặc thù, gắn bó với công việc chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần, đội ngũ cán bộ của Trung tâm như những người thầy thuốc, những người thân thấu hiểu được nỗi bất hạnh của những mảnh đời kém may mắn mà người tâm thần phải trải qua. Đặc điểm nổi bật của họ là ốm yếu, nhiều bệnh nhân còn khuyết tật không thể tự đi lại, không tự xúc ăn, không tự mặc quần áo, không tự vệ sinh thân thể của mình, không nhận thức được mọi thứ xung quanh… Nhưng với tấm lòng của người thầy thuốc, họ đã không ngại khó khăn, sự nguy hiểm của công việc, giúp cho người bệnh bằng tất cả tình cảm của mình để người bệnh luôn sạch sẽ, ăn uống đầy đủ, được quan tâm giúp đỡ phục hồi tình trạng bệnh tật, được ở và sinh hoạt trong môi trường thoáng mát.
Được biết, trong năm 2017, đơn vị đã tổ chức tư vấn, tham vấn cho 834 lượt người đến trung tâm, qua điện thoại và ngoài cộng đồng về các vấn đề trợ giúp xã hội, chế độ, chính sách, thủ tục tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội và thủ tục, hồ sơ xin con nuôi. Tổ chức tiếp đón 50 lượt đoàn khách trong nước đến thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng bảo trợ xã hội và tổ chức các chương trình giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao và 08 lượt đoàn khách nước ngoài; 05 buổi truyền thông về kỹ năng cho người cao tuổi cô đơn, các cháu là đối tượng bảo trợ xã hội 200 lượt người tham gia với các chủ đề “phòng chống tệ nạn xã hội”, “phòng chống nạn xâm hại tình dục trẻ em”, “tư vấn hướng nghiệp cho trẻ em”, “kỹ năng sống cho trẻ” và “công tác xã hội với người cao tuổi tại trung tâm”…
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm CTXH tỉnh Hòa Bình
Riêng trong 8 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã tổ chức tư vấn, tham vấn cho 703 lượt người về các vấn đề trợ giúp xã hội, chế độ, chính sách, thủ tục tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội và hồ sơ thủ tục liên quan. Cùng với đó, tổ chức Lớp dạy nghề mây tre đan cho 20 học viên là đối tượng khuyết tật tại Trung tâm; Tổ chức truyền thông ngoài cộng đồng với chủ đề “Phòng chống tai nạn đuối nước và Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em” trên địa bàn thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn và xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình cho trên 200 phụ huynh và các em học sinh; Phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội tổ chức 02 lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ chăm sóc, nhận nuôi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 01 lớp tập huấn triển khai thí điểm mô hình trợ giúp xã hội đối với bệnh nhân lao phổi kháng thuốc giai đoạn 2018 – 2020. Triển khai mô hình trợ giúp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bóc lột, bạo lực, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng bằng nhiều hoạt động thiết thực, từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức thăm khám chuyên khoa tim mạch cho 170 đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức khám sàng lọc định kỳ cho 117 đối tượng tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn; lập hồ sơ bệnh án cho 71 bệnh nhân tâm thần; tổ chức phục hồi chức năng cho người  khuyết tật; tiến hành Text nhanh cho 33 lượt người. Riêng trong 8 tháng đầu năm, đơn vị đã tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho 274 lượt người; làm test nhanh HIV, HbsAg (viêm gan B) cho 13 lượt đối tượng; lập hồ sơ bệnh án cho 09 bệnh nhân tâm thần; tổ chức thăm khám sức khỏe, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho 100 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người cao tuổi thuộc thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn.
Đặc biệt, nhằm đem lại các chương trình vui tươi, bổ ích, đầm ấm cho các đối tượng, Trung tâm còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ, ngâm thơ, đọc báo, thể dục dưới nhiều hình thức, nội dung hấp dẫn. Hàng năm, Trung tâm đều tổ chức cho đối tượng đón Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, mừng thọ cho các cụ cao tuổi chu đáo, đầm ấm, an toàn. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm đã tổ chức “Đêm hôi trăng rằm” cho 400 lượt trẻ em; tô chức trao học bổng “Ương mầm tương lai” do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với nhóm thiện nguyện chùa Thịnh Đại trao cho 02 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học. Đến nay, đã có nhiều em nhỏ được nuôi dưỡng tại đây đươc học hành đầy đủ và trở thành những học sinh ưu tú. Năm học 2016 – 2017, Trung tâm có 18 em đi học đều được lên lớp, trong đó, có 02 em đạt học sinh giỏi; 04 em đạt học sinh tiên tiến, 01 cháu được khen thưởng có tiến bộ vượt bậc về tự phục vụ và tự quản và 01 em đạt học sinh giỏi cấp huyện môn Tiếng Việt. Riêng trong năm học 2017 – 2018, có 23 em đi học cũng đã được Trung tâm chuẩn bị đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập để các em bước vào năm học mới.
Có thể nói, mặc dù cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt nơi đây còn nhiều thiếu thốn nhưng bằng sự tận tâm, tình cảm chân thành và một lòng yêu nghề vô bờ bến, các cán CCVC tại Trung tâm CTXH tỉnh Hòa Bình luôn coi đây là mái ấm, là chỗ dựa tinh thần cho những số phận kém may mắn trong xã hội, là điểm tựa để họ tự tin vượt qua số phận để trở thành những người có ích cho xã hội.

Hà Giang

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
‘Biển người’ đổ về hồ Tây xem 2.025 drone trình diễn ánh sáng
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội nhân dịp Tết Ất Tỵ
Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên vùng đất Thép Thái Nguyên
Du khách mang thuốc lá điện tử vào Việt Nam có thể bị xử tù
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi kèm mảnh giấy: ‘Em là sinh viên, không nuôi được con’
Thị trường bưởi, quất cảnh 'vỉa hè' ảm đạm
Đọ dáng linh vật Tết Ất Tỵ: “Bé Na” nào sẽ đăng quang?