Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Vai trò hỗ trợ của công đoàn đối với lao động nữ tại các Khu công nghiệp hiện nay
03:10 PM 16/10/2018
(LĐXH) - Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ngày càng tăng.
Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan tâm tới công nhân lao động. Theo đó, trình độ, tay nghề của người lao động từng bước được nâng cao, tác phong công nghiệp đang dần đi vào nề nếp; tiền lương, thu nhập từng bước được cải thiện…
Hiện nay, mặc dù quá trình thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu bước đầu, bản thân các doanh nghiệp đã ý thức được tầm quan trọng của lao động nữ, tuy nhiên, vấn đề bảo vệ quyền của lao động nữ tại Khu công nghiệp (KCN) trong nhiều năm trở lại đây vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Quyền của lao động nữ tại KCN bị vi phạm nhưng chưa được quan tâm, chưa có những biện pháp nhằm bảo đảm quyền của họ. Trong đó, ngoài do quy hoạch KCN không hợp lý, không tính đến các yếu tố nhà ở, trường học cho công nhân, do thiếu các quy định pháp luật cụ thể đối với nhóm lao động nữ tại KCN… thì một trong những nguyên nhân nổi cộm là do tổ chức công đoàn chưa thực hiện tốt vai trò của mình.
Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động ngày càng lớn, chiếm khoảng 48,06 % tổng số lao động trong khu vực có quan hệ lao động, đặc biệt tỷ lệ lao động nữ trong các KCN, Khu chế xuất ngày càng gia tăng.
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 12/2016, toàn quốc có 325 KCN được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố với 2.989.613 lao động, trong đó có 1.188.291 lao động nữ (chiếm 63%). Nhu cầu cao về lao động làm việc tại các KCN, Khu chế xuất dẫn tới gia tăng dân số ở các khu vực này, trong đó chủ yếu là lao động nhập cư, có nơi tỷ lệ lao động nhập cư chiếm trên 50%.
Xác định bình đẳng giới và bảo vệ quyền lao động nữ vừa là mục tiêu, vừa là trách nhiệm của các cấp công đoàn, trong nhiều năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động, Chiến lược về bình đẳng giới, như: Nghị quyết 6b ngày 29/1/2011 vể công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết 12b ngày 12/7/2017 về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Chương trình hành động của Tổng LĐLĐVN về bình đẳng giới, giai đoạn 2011-2015, 2016 -2020; Kế hoạch  triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và Chương trình hành động Quốc gia phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020.
Từ những xác định quan trọng về vai trò của công đoàn trong thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền lao động nữ, Tổng LĐLĐVN đã luôn chủ động, tích cực tham gia hiệu quả xây dựng các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp tới người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng cũng như đề xuất, phối hợp với các cơ quan nhà nước xây dựng, ban hành các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử về giới để có những chính sách ưu tiên hơn đối với lao động nữ, bảo vệ quyền của lao động nữ, hỗ trợ  các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Trong đó, có thể kế tới: Bộ luật Lao động sửa đổi (2012) đã có một số Điều, khoản quy định những nguyên tắc bình đẳng giới, cấm phân biệt đối xử về giới, hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ và dành riêng Chương X với 8 Điều quy định riêng đối với lao động nữ; Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định bình đẳng giới trong nghỉ thai sản, chăm sóc con, v.v… Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 1/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN, khu chế xuất; Chỉ thị số 52/CT- TW ngày 11/1/2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lănh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho công nhân lao động KCN, khu chế xuất…
Quyền lao động nữ vừa là mục tiêu, vừa là trách nhiệm của các cấp công đoàn
Không chỉ tham gia xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật nhà nước liên quan đến lao động nữ, Tổng LĐLĐVN đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để đẩy mạnh hoạt động bình đẳng giới và bảo vệ quyền lao động nữ. Điển hình như: tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo, diễn đàn về bình đẳng giới và chính sách lao động nữ và lồng ghép trong nội dung hoạt động công đoàn, từng bước vận dụng có hiệu quả vào hoạt động thực tế tại cơ sở. Nhiều mô hình thúc đẩy bình đẳng giới được triển khai có hiệu quả như: mô hình cabin vắt, trữ sữa cho lao động nữ tại nơi làm việc; mô hình  “Sức khỏe của bạn”, “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân” cho công nhân lao động...
Cùng với đó, các cấp công đoàn đã liên tục đẩy mạnh việc thực hiện các chế độ chính sách, thiết chế đối với lao động nữ tại các cơ quan, doanh nghiệp. Lao động nữ được quan tâm, được hưởng thụ các thiết chế như: Nhà ở, nhà trẻ, khu vệ sinh, nhà tắm đảm bảo quy định, chế độ chính sách BHXH, thai sản...
Nhìn chung, với chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng, đồng thời có nhiều giải pháp mang tính hiệu quả thiết thực chỉ đạo công đoàn các cấp triển khai nhiều hoạt động thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ của cấp mình để góp phần thực thi pháp luật lao động, đặc biệt là thực thi pháp luật về lao động nữ. Bên cạnh đó, nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật đến đội ngũ người lao động đã được tổ chức. Điển hình như thành lập tổ công nhân tự quản khu nhà trọ tuyên truyền pháp luật cho người lao động, tuyên truyền miệng trực tiếp cho người lao động trong KCN, Khu chế xuất vào giờ tan ca, giờ nghỉ giữa ca, tại khu nhà trọ. Nhiều nơi còn lồng ghép hoạt động tuyên truyền với các hoạt động văn hóa văn nghệ như Chương trình “Công nhân hát cho công nhân nghe, công nhân nói cho công nhân nghe”, đưa văn nghệ quần chúng tới KCN, Khu chế xuất, vừa biểu diễn vừa tuyên truyền pháp luật.
Được biết, tính đến tháng 8/2018, cả nước đã có 48 tỉnh, Thành phố đã có Mạng lưới công đoàn các KCN. Mạng lưới công đoàn các KCN được Tổng LĐLĐVN thành lập nhằm thúc đẩy hoạt động công đoàn thực chất, tăng cường vai trò đại diện, bảo vệ người lao động của công đoàn tại các khu vực trọng điểm về quan hệ lao động.
Mạng lưới công đoàn các KCN được thí điểm thành lập theo Quyết định Số 1151/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Đi kèm với quyết định này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng ban hành Quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của Mạng lưới. Việc hình thành Mạng lưới xuất phát từ việc trước đây các cán bộ công đoàn các KCN, Khu chế xuất, khu kinh tế nhỏ lẻ đã tự nhóm họp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm... đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, công nhân lao động.
Việc chính thức thành lập Mạng lưới Công đoàn các KCN được kỳ vọng sẽ được tạo bước đột phá trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công đoàn các KCN trên toàn quốc. Sự ra đời của Mạng lưới nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đưa ra các giải pháp công đoàn tham gia đối phó với tác động của quá trình toàn cầu hóa, cách mạng khoa học công nghệ 4.0, để bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động...
Mặc dù quá trình thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay đã đạt được nhiều thành tựu, bản thân các doanh nghiệp đã ý thức được tầm quan trọng của lao động nữ, tuy nhiên, bên cạnh lãnh đạo doanh nghiệp nói chung thì các cấp công đoàn nói riêng vẫn cần phải tăng cường truyền thông, đưa ra các biện pháp hữu hiệu và thiết thực hơn nữa để phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng.
Hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết để nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống, việc làm của nữ công nhân lao động trong các KCN. Do đó,
để phát huy hơn nữa vai trò của cán bộ nữ công trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ, các cấp công đoàn cần tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho nữ công nhân, viên chức lao động, tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra, giám sát đảm bảo việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ (về nhà ở, thai sản, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hoá, cơ sở nuôi dạy trẻ...) cũng như tập trung truyền thông; tư vấn và cung ứng dịch vụ tốt hơn nữa cho nhóm đối tượng đặc thù này.
Cùng với đó, các cấp công đoàn cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện việc lồng ghép giới trong các chủ trương, đường lối, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và trong các văn bản pháp luật, hướng tới bình đẳng giới thực chất trong lao động, việc làm và trong đời sống xã hội nhằm tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ theo tinh thần Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.

Nam Khánh

 

 

 

 

 

TAG:
Tin khác
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng