An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam: Tổng kết hoạt động năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023
06:08 PM 29/12/2022
(LĐXH) - Ngày 29/12/2022, Ủy ban Quốc gia (UBQG) về người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại Hội nghị
Đến dự có ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch UBQG về người khuyết tật Việt Nam; ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Chánh Văn phòng UBQG về người khuyết tật; bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội Văn phòng Quốc hội; ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; cùng các đại diện là thành viên UBQG về người khuyết tật Việt Nam đến từ các bộ ngành Nội vụ, Giáo dục và đào tạo, Y tế, Xây dựng, Giao thông vận tải, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban Dân vận Trung ương và các tổ chức của và vì người khuyết tật…

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, Hội nghị là dịp để mọi người cùng nhìn nhận lại năm 2022, các cơ quan ban ngành, các tổ chức, cá nhân đã làm được những hoạt động gì đối với người khuyết tật; kết quả như thế nào; còn gặp những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động cũng như đề ra phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 2023. Thứ trưởng cũng đề nghị các đại biểu thẳng thắn trao đổi những nội dung còn chưa làm được, đưa ra những kiến nghị, đề xuất cùng những giải pháp hiệu quả để làm được những điều tốt nhất cho NKT…
 Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội báo cáo kết quả tại Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Năm 2022, các hoạt động của công tác NKT đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, chủ động với sự quan tâm và phát huy trách nhiệm của các thành viên Ủy ban, các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức hữu quan. Việc bảo vệ quyền của NKT và thực hiện các chính sách trợ giúp NKT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch trợ giúp NKT; một số chính sách trợ giúp NKT được tích cực điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Hiện nay, cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2022, đã có trên 3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Thực hiện chính sách trợ giúp đời sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho NKT, năm 2022, ngân sách Nhà nước đã bố trí 28.731 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT.
Đến nay, cả nước có trên 1,5 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 342.329 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các tổ chức của NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của NKT, điển hình như: Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được 559 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy ra tiền); Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các Hội thành viên vận động tài trợ được gần 555 tỷ đồng; Hội Người mù Việt Nam vận động hơn trên 118 tỷ đồng và nhiều phần quà có giá trị; Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam vận động được hơn 7,5  tỷ đồng (bao gồm tiền và hiện vật quy ra tiền). Các hoạt động trợ giúp NKT được triển khai rất đa dạng, đáp ứng thiết thực nhu cầu của đối tượng được trợ giúp.
Năm 2022, nhiều NKT được dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế. Điển hình như Hội người mù Việt Nam mở 66 lớp cho 850 học viên học nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học, chăn nuôi, thủ công, làm hương, đan lát. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam dạy nghề cho 900 học viên, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tổ chức 33 lớp dạy nghề cho 596 trẻ em khuyết tật...
Cùng với đó, NKT được tiếp cận giao thông, thể hiện ở các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm giá vé với mức miễn giảm từ 25% - 100% cho NKT khi tham gia giao thông công cộng. 121.624 lượt NKT được miễn giảm giá vé giao thông đường bộ; 3.992 lượt hành khách là NKT được giảm 30% giá vé đi tàu; 230 khách hàng được giảm giá vé đường hàng không. 
Đại diện Hội Người mù phát biểu ý kiến
Để tiếp tục chăm lo đời sống, sức khỏe cho người khuyết tật trong năm 2023, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Phạm Thị Hải Hà cho biết, năm 2023, Ủy ban Quốc gia về NKT đã đề đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Ủy ban Quốc gia về NKT sẽ nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến NKT để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai thực Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị, NKT không có khả năng đọc chữ in tiếp cận tác phẩm; tiếp tục rà soát, cập nhật phê duyệt danh mục nghề đào tạo, định mức kinh tế kỹ thuật và định mức chi phí đào tạo cho từng nghề làm căn cứ để tổ chức đào tạo hòa nhập và đào tạo chuyên biệt cho NKT; đào tạo nghề theo hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng, hỗ trợ đào tạo cho khoảng 20.000 NKT.
Ủy ban Quốc gia về NKT tiếp tục xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho NKT; mô hình khởi nghiệp; đào tạo nghề gắn với việc làm tại DN, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho NKT; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng...
Tại Hội nghị Tổng kết, các đại biểu tham dự về cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo, đánh giá cao những kết quả hoạt động đã đạt được. Đồng thời, Hội nghị cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự, góp phần hoàn thiện dự thảo báo cáo cũng như có những khuyến nghị, đề xuất để đảm bảo công tác tổ chức, triển khai kế hoạch nhiệm vụ 2023 cùng các chính sách hỗ trợ NKT ngày càng hiệu quả.
Tin tưởng rằng với những ý kiến góp ý, những khuyến nghị đề xuất sát thực tế, nhiều giải pháp nhằm góp phần triển khai hiệu quả được được ra, UBQG và các thành viên sẽ tiếp tục hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch đặt ra, đảm bảo thực hiện quyền của NKT./.

Hồng Phượng
 
 
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24