Cụ thể, về phương diện bạo lực với trẻ nhỏ ngay trong gia đình, UNICEF cho biết có 3/4 trẻ em trong độ tuổi 2-4 trên toàn thế giới (khoảng 300 triệu em) đã phải hứng chịu các hành vi gây sức ép về tâm lý và/hoặc bị trừng phạt về thể xác. Tại 30 quốc gia thu thập được dữ liệu điều tra, khoảng 6/10 trẻ 1 tuổi thường xuyên bị kỷ luật bằng bạo lực. Gần 1/4 trẻ 1 tuổi bị lắc người để trừng phạt và gần 1/10 em bị đánh hoặc tát vào mặt, đầu hoặc tai. Trên toàn thế giới, 1/4 trẻ dưới 5 tuổi (khoảng 176 triệu em) đang sống với mẹ đã bị bạn tình của mẹ hành hạ.
Bên cạnh đó, về phương diện bạo lực tình dục với trẻ em gái và trẻ em trai cũng ghi nhận thực trạng trên toàn thế giới, khoảng 15 triệu em gái vị thành niên trong độ tuổi 15-19 từng bị ép quan hệ tình dục hoặc bị ép tham gia hành vi tình dục. Trong khi đó, chỉ 1% trẻ em gái vị thành niên từng bị bạo lực tình dục cho biết các em đã tìm tới các dịch vụ chuyên nghiệp để nhờ giúp đỡ.
Tại 28 quốc gia có dữ liệu điều tra, trung bình 90% trẻ em gái vị thành niên từng bị ép quan hệ tình dục nói rằng thủ phạm xâm hại tình dục là người quen của các em. Dữ liệu từ 6 quốc gia cho thấy thủ phạm xâm hại tình dục với các trẻ em trai vị thành niên thường là bạn bè, bạn cùng lớp và bạn tình.
Nổi đau của trẻ qua những bức vẽ của chính các em (Ảnh minh họa)
Cũng từ báo cáo này, một tỉ lệ giật mình khác nữa là cứ 7 phút trên toàn cầu lại có 1 trẻ vị thành niên tử vong do bạo lực.
Tại Việt Nam, khoảng 20% trẻ em gái và trẻ em trai 8 tuổi nói rằng các em bị trừng phạt thân thể ở trường. Khoảng 16% (tương đương 1,7 triệu) trẻ em độ tuổi 5-17 được coi là lao động trẻ em. Trong đó có 7,8% làm việc trong các điều kiện nguy hiểm. Theo UNICEF, trong giai đoạn 2011-2015 ở Việt Nam đã ghi nhận 5.300 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, chủ yếu là trẻ em gái.
Ông Cornelius Williams, Trưởng Ban Bảo vệ Trẻ em của UNICEF cho biết: "Tổn hại với trẻ em trên toàn thế giới thực sự rất đáng lo ngại. Trẻ nhỏ bị tát vào mặt; trẻ em gái và trẻ em trai bị ép tham gia các hành vi tình dục; trẻ vị thành niên bị giết hại tại chính cộng đồng của các em - bạo lực với trẻ em không chừa một ai và không có ranh giới nào".
Để chấm dứt bạo lực đối với trẻ em, UNICEF đang kêu gọi các chính phủ khẩn trương hành động và hỗ trợ thực hiện Bảy chiến lược nhằm chấm dứt bạo lực với trẻ em, UNICEF và Nhóm Cộng tác Toàn cầu Chấm dứt Bạo lực đối với Trẻ em thống nhất và thúc đẩy.
Theo UNICEF, Việt Nam đã có tiến bộ trong thay đổi quan niệm và thực hành chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhiều hình thức bạo lực đối với trẻ em như bạo lực thân thể, xâm hại tình dục và lạm dụng lao động vẫn phổ biến. Luật Trẻ em mới ban hành (2016) là cơ hội để cải thiện tình hình trẻ em bị ảnh hưởng bởi bạo lực. UNICEF Việt Nam cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình thực hiện Luật Trẻ em và Chương trình Bảo vệ Trẻ em giai đoạn 2016-2020. UNICEF ưu tiên các nỗ lực nhằm củng cố các hệ thống bảo vệ trẻ em về phúc lợi, giáo dục, y tế, tư pháp và tình huống khẩn cấp để phòng ngừa và ứng phó với tất cả các hình thức bạo lực đối với trẻ em./.
Đăng Doanh