UBND thị xã Sơn Tây: Vốn tín dụng chính sách giúp hàng ngàn hộ nghèo vượt qua khó khăn
(LĐXH) - Trong năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã tích cực triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về chính sách ưu đãi tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu về giảm nghèo, giải quyết việc làm bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thị xã.
Với sự tích cực, kịp thời của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị - xã hội, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ trên địa bàn thị xã đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn, ổn định xã hội, kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Tính đến ngày 31/5/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý và huy động đạt 363 tỷ 754 triệu đồng, gấp 23,2 lần so với thời điểm nhận bàn giao, tăng 348 tỷ 043 triệu đồng so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,6%. Tổng dư nợ cho vay ủy thác qua các Hội đoàn thể đến 31/5/2022 là 337 tỷ 540 triệu đồng, chiếm 93% tổng dư nợ các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Sơn Tây quản lý, tăng 324 tỷ 513 triệu đồng so với thời điểm nhận bàn giao, với 7.756 khách hàng còn dư nợ.
Doanh số cho vay trong 20 năm là 936 tỷ 604 triệu đồng, doanh số thu nợ trong 20 năm là 598 tỷ 687 triệu đồng. Tổng dư nợ cho vay 9 chương trình đến 31/5/2022 là 362 tỷ 557 triệu đồng, tăng 346 tỷ 917 triệu đồng so với năm 2003, gấp 23,2 lần so với ngày đầu mới thành lập, đạt 93,4% kế hoạch năm 2022, với 9.564 khách hàng còn dư nợ.
Nhờ triển khai các chính sách vay vốn tín dụng trong 20 năm qua đã giúp hàng ngàn hộ dân vượt qua được khó khăn, mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, ổn định cuộc sống; nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho 6.457 hộ trên địa bàn thị xã thoát nghèo, tạo điều kiện cho 11.564 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo có vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện được cuộc sống, tạo việc làm mới cho 17.427 lao động tại chỗ, hỗ trợ cho 4.537 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để chi phí học tập, giúp cho các hộ ở nông thôn xây dựng và sửa chữa được 22.777 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, tạo điều kiện cho 163 hộ nghèo được vay vốn để xây 163 ngôi nhà mới, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt, góp phần ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã giai đoạn 2011 - 2015 từ 9,36% xuống 2,24% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015); tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn (2016-2020) giảm từ 4,04% (năm 2016) xuống còn 0,17% (năm 2020).
Đặc biệt, tại Lễ “Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác” 10 tập thể, 36 cá nhân có nhiều thành tích trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ được Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam và UBND thị xã khen thưởng.
Về mục tiêu đến năm 2030, thị xã Sơn Tây phấn đấu tốc độ tăng trưởng dư nợ hàng năm đạt 6-8%. Chất lượng hoạt động giao dịch xã xếp loại tốt đạt trên 95% các Điểm giao dịch xã. Tổng giá trị giao dịch tại các Điểm giao dịch xã đạt trên 95%; 100% các phiên giao dịch xã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, an toàn tài sản. Tỷ lệ nợ quá hạn, giữ ở mức dưới 0,1% trong tổng dư nợ cho vay các chương trình. Phấn đấu 100% các xã, phường có chất lượng tín dụng đạt loại tốt…
Trong thời gian tới, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thị xã Sơn Tây tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố về tín dụng chính sách xã hội; quan tâm dành nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đưa việc bố trí ngân sách chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH thị xã hằng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đối tượng chính sách trên địa bàn vào chương trình, kế hoạch của thị xã... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; quan tâm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp các ngành, của mọi tầng lớp nhân dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội./.
Nguyễn Hoàng