U Minh: Tạo sinh kế bền vững cho người lao động vùng dân tộc thiểu số
(LĐXH) - Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, huyện U Minh (Cà Mau) đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực này.
Huyện U Minh hiện có 1.480 hộ dân tộc thiểu số, 6.692 người, chiếm 5,6% hộ dân toàn huyện (trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm số lượng lớn). Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề làm nông, mua bán nhỏ và lao động phổ thông ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện có 1.238 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 4,69%) và 426 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 1,61%), trong đó có 193 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời gian qua, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương không ngừng khởi sắc, phát triển toàn diện nhờ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm đẩy mạnh thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025) đã góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm cho người lao động, giúp họ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Để triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề cho người lao động, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khẩn trương tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề của các đối tượng lao động trên địa bàn; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ. Từ đó, xây dựng chương trình đào tạo các nghề phù hợp với điều kiện của địa phương, như đan lát, chế biến thủy sản, chăn nuôi thú y, trồng màu…; xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể, trong đó, ưu tiên cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Trong năm 2023, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện U Minh đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc đào tạo được 24 lớp cho 816 lao động (trong đó: 2 lớp sơ cấp có 70 lao động, 22 lớp dưới 3 tháng có 750 lao động). Bên cạnh đó, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện tập huấn, truyền nghề được 42 lớp cho 1.260 lao động. Năm 2024, huyện dự kiến tuyển sinh, đào tạo 20 lớp dạy nghề cho người lao động các xã, thị trấn. Trong 9 tháng đầu năm, huyện đã mở 2 lớp đào tạo nghề đan lát cho bà con nông dân ở 2 ấp của xã Khánh Lâm và tổ chức 29 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sản xuất nông nghiệp và tư vấn khuyến nông cho 1.030/1.330 người, đạt 77,44% kế hoạch. Hiện, Phòng đang tiếp tục phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, UBND các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ tuyển sinh và đạo tạo nghề cho người lao động.
Việc tham gia các khóa đào tạo nghề đã giúp nhiều lao động có thêm kiến thức, kỹ năng vận dụng vào thực tiễn lao động, sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, đời sống từng bước được nâng lên. Sau khi học nghề, tỷ lệ lao động có việc làm khoảng 80%, riêng chị em phụ nữ có việc làm trên 90%.
Bên cạnh công tác đào tạo nghề, huyện cũng quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đã đưa 30 lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm tham gia phiên giao dịch việc làm của tỉnh. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà mau và Ban Chỉ huy quân sự huyện tuyên truyền xuất khẩu lao động, việc làm cho 71 bộ đội xuất ngũ; tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm cho cộng tác viên làm công tác tư vấn việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với 101 người tham dự. Đồng thời, phối hợp tổ chức Ngày Hội tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề tại huyện với 300 người tham dự. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 3.719 lao động (1.583 nữ), đạt 93% chỉ tiêu kế hoạch.
Trong thời gian tới, huyện U Minh sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo nghề theo hướng hiện đại hóa, linh hoạt nhằm nâng cao kỹ năng, năng lực thực hành, năng lực tự tạo việc làm, thích ứng với yêu cầu chuyển đổi của công nghệ và sản xuất; tổ chức đào tạo nghề tạo thuận lợi cho người học; Phối hợp với các doanh nghiệp tuyên truyền, tư vấn tuyển chọn về đào tạo nghề và việc làm cho người lao động để thu hút người lao động chủ động tham gia học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp.../.
Hưng Cảnh