An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tỷ lệ hộ nghèo ở Bến Tre giảm còn 3%
02:28 PM 25/10/2021
(LĐXH)- Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bến Tre, đến cuối tháng 9/2021, toàn tỉnh còn 14.231 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,58% và 15.423 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,88%. Dự kiến đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3% và 2,5% hộ cận nghèo (tính theo chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020).
Đạt được kết quả nêu trên, Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp ở Bến Tre luôn coi trọng và tăng cường công tác rà soát nắm chắc thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo để có biện pháp trợ giúp phù hợp. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo theo từng nhóm nguyên nhân, tạo điều kiện cho người nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo cũng như sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người nghèo và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản… 
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ tiền điện cho 10.481 hộ nghèo và 1.460 hộ chính sách xã hội, kinh phí hơn 3,725 tỷ đồng. Hỗ trợ mua 100% mệnh giá thẻ BHYT cho 31.462 người nghèo và 221.896 người dân tại các xã bãi ngang ven biển; hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ BHYT cho 27.490 người cận nghèo. Tổng kinh phí thực hiện trên 218,56 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 1.743 lượt hộ nghèo, 2.641 lượt hộ cận nghèo, 2.422 lượt hộ mới thoát nghèo, 2.177 lượt hộ vay sản xuất kinh doanh. Cùng với nguồn vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh, thực hiện các ngành nghề dịch vụ, Ngân hàng Chính sách xã hội còn giải ngân cho 9.488 hộ vay chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường; 200 lượt hộ vay chương trình học sinh, sinh viên; 2.168 lượt hộ vay Quỹ quốc gia về việc làm; 18 lượt hộ vay xuất khẩu lao động. Tổng kinh phí thực hiện đạt 668,04 tỷ đồng.
Mô hình trồng dưa lưới đã giúp nhiều hộ dân ở Bến Tre thoát nghèo bền vững
Tiếp đến, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bến Tre còn phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Ban Chỉ huy Quân sự và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức tuyên truyền cho bộ đội xuất ngũ về tinh thần lập thân, lập nghiệp và tư vấn việc làm, học nghề, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cung cấp những thông tin về chủ trương, chính sách của Nhà nước cho 1.289 bộ đội xuất ngũ trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngoài ra, Bến Tre còn tổ chức cấp phát gạo của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tại các huyện, với tổng số gạo hỗ trợ 2.408,265 tấn. Trong đó, có 13.712 hộ nghèo, 14.978 hộ cận nghèo, 15.321 hộ bảo trợ xã hội, 3.055 hộ người có công và 24.017 hộ khó khăn khác.
Đối với việc huy động xã hội hóa thực hiện công tác giảm nghèo, từ nguồn vận động được kết hợp với các nguồn hỗ trợ khác, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tặng hơn 77.126 suất quà cho người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021; xây dựng mới 189 nhà tình thương và 07 nhà tình nghĩa, sửa chữa 21 nhà tình thương, tình nghĩa; tổ chức bàn giao và đưa vào sử dụng 254 nhà tình thương, 18 nhà tình nghĩa, 101 nhà nghĩa tình đồng đội; tặng 15.897 phần quà, 2.000 bồn chứa nước cho các hộ nghèo, cận nghèo, học sinh nghèo và gia đình chính sách khó khăn; hỗ trợ vốn cho hộ nghèo phát triển sinh kế; khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 420 người nghèo; hỗ trợ 98 hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản tại các huyện, thành phố từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh.
Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, tỉnh Bến Tre cũng đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững đã đề ra.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, năm 2022, tỉnh Bến Tre phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 1,5% trở lên. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập của hộ nghèo được ổn định, nâng cao. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.
Đồng thời, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển theo tiêu chí nông thôn mới; tạo điều kiện cho người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình để tăng thu nhập, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường.
Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo, nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho khoảng 600 hộ dân tham gia. Hỗ trợ người nghèo; người dân sinh sống ở vùng khó khăn nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.
Cùng với đó là cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em từ 0 - 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trẻ em vùng đặc biệt khó khăn.
Tiếp tục phát triển đồng bộ giáo dục nghề nghiệp ở vùng khó khăn cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm bền vững, tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo; phòng ngừa, hạn chế người dân tái nghèo, góp phần giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.
Đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động thuộc vùng khó khăn.
Cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động vùng khó khăn.
Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân; huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền các gương điển hình, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công