Tuyệt đối không để người dân vùng bão lũ bị đói
(LĐXH)- Đây là một trong những nội dung tại Công điện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc ứng phó, khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra.
Ngày 10/9, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đã ký Công điện số 4206/BLĐTBXH-CBTXH về việc ứng phó, khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hà Nam và Vĩnh Phúc nêu:
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với cơn bão số 3 năm 2024 (Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024, Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024, Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 06/9/2024, Công điện số 89/CĐ-TTg ngày 09/9/2024; kết luận tại cuộc họp đánh giá tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 ngày 08/9/2024), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người còn mất tích, di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ vỡ đê, sạt lở, ngập lụt, mất an toàn; phong toả, đặt biển cảnh báo tại các tuyến đường giao thông, cầu nguy cơ sập, sạt lở và khắc phục hậu quả thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo rà soát, nắm bắt chính xác các hộ gia đình bị thiệt hại, bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3; kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ dân, các gia đình có nguy cơ bị thiếu đói, các hộ gia đình phải di dời khẩn cấp; hỗ trợ lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ, nhất là các hộ có nhà bị đổ, sập, trôi, các hộ ở vùng bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt, tuyệt đối không được để người dân bị đói, không có chỗ ở hoặc thiếu các vật dụng thiết yếu; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở do bão; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.
Các tỉnh thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của hoàn lưu sau cơn bão số 3, tình hình mưa lũ, ngập lụt để triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hiệu quả, kịp thời.
Chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng phòng, chống thiên tai tăng cường kiểm tra, rà soát, kịp thời có phương án khẩn cấp trợ giúp người dân, chủ động tổ chức sơ tán người dân tại khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu. Chủ động chuẩn bị các phương án bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, thiên tai.
Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để kịp thời hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Trường hợp thiếu nguồn lực đề nghị UBND các tỉnh, thành phố bị thiệt hại có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kịp thời.
Các tỉnh thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại, kết quả hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Bảo trợ xã hội).
Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chiều ngày 10/9, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ, mỗi người ủng hộ ít nhất 01 ngày lương.
Chí Tâm
TAG: