Thời gian gần đây, các trường hợp người có tiền sử tâm thần gây án có chiều hướng gia tăng, gây hoang mang cho xã hội. Gần đây nhất, ngày 1/12, Phù Minh T. (SN 1984) xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình – Hà Giang đã ra tay sát hại 4 người, trong đó có cả bố đẻ.
Thông tin từ chính quyền địa phương cho biết, Phù Minh T. có tiền sử mắc bệnh tâm thần, bị bắt buộc đưa đi chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương, mới được về nhà. Trước đó, tháng 1/2015, T. đã chém tử vong con đẻ của mình.
Theo các chuyên gia, việc trang bị kiến thức cho người thân của người mắc bệnh tâm thần là rất quan trọng. Từ đó giúp phát hiện, ngăn ngừa hành hành vi nguy hiểm, cũng như quản lý tốt đối tượng này tại gia đình.
Hiện trường vụ án mạng do người có tiền sử tâm thần gây ra, khiến 4 người tử vong tại Hà Giang
“Quản” người tâm thần ở cộng đồng như thế nào?
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, người bị bệnh tâm thần gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Trong khi đó hệ thống các trung tâm có thể thu nhận, chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho họ còn hạn chế.
Do đó, phần lớn những người bị tâm thần sống với gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là gia đình và cộng đồng không được trang bị các kiến thức, kỹ năng để phục vụ, chăm sóc và giúp đỡ người tâm thần trong cuộc sống; cũng như không hiểu biết về những thể, dạng tâm thần khác nhau.
Cho nên, nhiều trường hợp tâm thần phân liệt đã gây nguy hiểm cho gia đình và cộng đồng, thậm chí gây án mạng như thời gian qua, do chúng ta chưa có giải pháp phòng ngừa. Đây là điều cần phải nhìn nhận và có những giải pháp để khắc phục và giảm thiểu trong thời gian tới.
“Điều quan trọng là cần trang bị cho người thân của bệnh nhân tâm thần phương pháp chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ ngay từ trong gia đình. Người thân, cộng đồng phải nhận biết được những dấu hiệu nguy hiểm khi bệnh gia tăng, hoặc tái phát. Điều này cần được tập huấn, hướng dẫn, phổ biến cho người dân. Từ đó giúp giảm thiểu hậu quả xấu do hành vi vô thức của người tâm thần gây nên” – ông Nguyễn Trọng Đàm nói.
Ông Phạm Công Thành, Phó Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì cũng khuyến cáo: “Đối với người bệnh tâm thần sau khi được điều trị tại các trung tâm, bệnh viện trở về, gia đình phải nắm được những kiến thức cơ bản về chăm sóc, cách quản lý người bệnh.
Cần nhận biết được những biểu hiện khi người bệnh chuẩn bị tái phát hoặc có biểu hiện khác thường để có hướng xử lý. Nếu nhẹ thì cho uống thuốc theo chỉ dẫn; trường hợp người bệnh lên cơn kích động, cần phải đưa đến trung tâm hoặc bệnh viện để điều trị, tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra”.
Nhiều nguy cơ khi sống cùng người tâm thần
Bà Trần Bảo Khánh, Trưởng phòng Can thiệp hỗ trợ – Trung tâm Công tác xã hội Thái Nguyên cho biết, số lượng người bị các chứng rối nhiễu tâm trí, có các biểu hiện của tâm thần đang gia tăng trong xã hội, nhưng nhiều người không thừa nhận bị bệnh.
Việc phát hiện, can thiệp sớm ngay tại cộng đồng là rất quan trọng. Tuy nhiên, người dân, kể cả lực lượng chức năng, không được trang bị kiến thức cần thiết về lĩnh vực này. Cán bộ địa phương chưa được sự quan tâm đúng mức tới sức khỏe tâm thần, thậm chí cố tình không thừa nhận trên địa bàn có người mắc bệnh vì sợ bị ảnh hưởng.
Cũng theo bà Trần Bảo Khánh, việc xác định và đưa người tâm thần vào các trung tâm hoặc bệnh viện để điều trị là rất khó khăn, vì hầu hết rơi vào những gia đình nghèo.
“Chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp người tâm thần có hành vi gây nguy hiểm cho người khác, như cầm dao đứng giữa đường, ai đi qua cũng giơ ra dọa. Có trường hợp bắt vợ con phải ăn thịt sống, nếu không sẽ đánh đập. Song để đưa những người này vào tập trung nuôi dưỡng là rất nan giải, bởi vì gia đình họ rất nghèo, không thể một tháng có đôi ba triệu đồng. Trong khi không có một cơ chế nào để hỗ trợ đưa họ vào cả” – bà Bảo Khánh nói.
Trong khi đó, theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH), rất nhiều người bị tâm thần phân liệt tại địa phương không được đưa vào các cơ sở tập trung để nuôi dưỡng. Nguyên nhân do các trung tâm hạn chế số lượng người được nuôi dưỡng miễn phí; còn đưa vào những cơ sở mất tiền thì gia đình không có điều kiện.
Do đó, việc phát triển các dịch vụ chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí cần được đẩy mạnh tại các địa phương./.
Định hướng 2016 – 2020 của Đề án Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí có mục tiêu: - 90% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số người lang thang được phục hồi luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội. - 90% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác. - Hình thành các nhóm cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội cùng trợ giúp phục hồi chức năng cho người tâm thần tại xã, phường… |
Lại Thìn/VOV.VN