Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Truyền thông có vai trò quan trọng trong việc đưa chính sách việc làm đến với người lao động
11:47 AM 15/06/2018
(LĐXH) Trong những năm qua, lĩnh vực việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của toàn xã hội. Có được kết quả đó, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng, giúp đưa chính sách pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống.
Phát biểu tại Hội nghị Truyền thông về việc làm với các cơ quan báo chí do Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm tổ chức mới đây tại Hải Dương, TS. Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động- TBXH) cho biết, hiện nay, về cơ bản, hệ thống chính sách pháp luật về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động ở nước ta tương đối hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các vấn đề về việc làm theo quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy và bảo đảm việc làm theo hướng bền vững cho người lao động.
TS. Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu tại Hội nghị
Trong giai đoạn 2008-2018, Cục Việc làm đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trình Bộ ban hành 01 Nghị quyết, 13 Nghị định, 10 Quyết định Thủ tướng Chính phủ, 21 Thông tư, 09 Thông tư liên tịch và 01 Chỉ thị của Ban Bí thư. Trong đó: Lĩnh vực việc làm có 02 Nghị định, 03 Quyết định Thủ tướng Chính phủ, 05 Thông tư, 02 Thông tư liên tịch; lĩnh vực thị trường lao động có 01 Nghị quyết, 03 Nghị định, 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 03 Thông tư; lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp có 03 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 03 Thông tư, 05 Thông tư liên tịch; lĩnh vực quản lý lao động có 01 Chỉ thị của Ban Bí thư, 05 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng, 10 Thông tư, 02 Thông tư liên tịch.
Song song với đó, Cục Việc làm cũng đã trực tiếp xây dựng và tham gia xây dựng trình Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiều Chương trình, Đề án nhằm đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động như: Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm qua các giai đoạn (giai đoạn 2006-2010, 2011-2015), Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016-2020; các Đề án hỗ trợ phụ nữ, thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015; Đề án xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế… Đồng thời triển khai thực hiện các hoạt động nhằm vận hành có hiệu quả thị trường lao động. Chú trọng phát triển hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, trở thành cầu nối tin cậy giữa người lao động, người sử dụng lao động, là kênh thông tin thị trường lao động hữu hiệu cho các cơ quan, đơn vị tổ chức, vận hành thị trường lao động. Triển khai thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý lao động nói chung và công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nói riêng...

Người lao động đăng ký làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hải Dương
Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống các chính sách về việc làm nước ta chưa thực sự đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách về việc làm còn mang tính chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể; thiếu các chính sách về việc làm bền vững; các chính sách về việc làm ở khu vực phi chính thức, khu vực nông thôn chưa được quy định cụ thể; chính sách tiền lương chưa phù hợp, chưa tạo sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; phạm vi bao phủ của các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế.
Thêm nữa, việc triển khai thực hiện các chính sách còn chậm, gặp nhiều khó khăn do số lượng đối tượng lớn, thiếu cán bộ cơ sở (cấp xã, huyện), sự phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa được chặt chẽ, chỉ đạo của địa phương còn chậm trong khi thiếu các nguồn lực bố trí cho các Chương trình, dự án lớn về việc làm. Công tác quản lý và nắm thông tin tin lao động về số lượng, cơ cấu, chất lượng, độ tuổi, giới tính còn hạn chế, chưa đầy đủ, kịp thời, chính xác, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý lao động nói chung, nhất là lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, lao động Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp; một bộ phận doanh nghiệp chưa chấp hành các quy định pháp luật về báo cáo việc tuyển, sử dụng và quản lý lao động cho các cơ quan chức năng. Hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa có sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, cả nước. Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm còn hạn chế về khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm và thu thập thông tin về cung - cầu lao động...
Cũng theo TS. Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về việc làm nói riêng có vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay, đảm bảo chính sách pháp luật của nhà nước thực sự đi vào cuộc sống. Trên cơ sở Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Luật Việc làm và các văn bản quy phạm pháp luật về việc làm, Cục Việc làm đã chủ động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về việc làm thông qua nhiều biện pháp như: Xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử về việc làm tại địa chỉ website: vieclamvietnam.gov.vn với nhiều nội dung liên quan thông tin, chủ trương, chính sách của Nhà nước về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động; thông tin thị trường lao động tại các địa phương trên cả nước, tình hình chung về lao động, việc làm, nhu cầu việc làm của người lao động, nhu cầu lao động của doanh nghiệp...; Tổ chức các Hội nghị, hội thảo tuyên truyền về lao động, việc làm, nhất là các Hội nghị tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, các cuộc thi tìm hiểu chính sách bảo hiểm thất nghiệp kết hợp tư vấn, giới thiệu việc làm giỏi. Ngoài ra, Cục còn đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (các báo đài, kênh truyền hình của Trung ương, địa phương về chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp); xuất bản các ấn phẩm, tờ rơi, sách tìm hiểu, hỏi đáp về bảo hiểm thất nghiệp; Hướng dẫn các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường phổ biến thông tin chính sách pháp luật, thông tin về lao động việc làm qua các Hội nghị, hội thảo, các buổi nói chuyện tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; các phiên giao dịch việc làm ...
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tập trung thực hiện một số giải pháp, Cục Việc làm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm./. 
Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật