Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Nơi tình người lan tỏa yêu thương
12:58 PM 06/12/2016
LĐXH - Trong chuyến đi thực tế ở Hải Phòng, chúng tôi có dịp đến thăm Trung tâm Bảo trợ Trẻ em thuộc Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân (phường Thành Tô, quận Hải An) vào một chiều giữa ngày đông giá lạnh. Nơi đây đang nuôi dưỡng, chăm sóc những trẻ em mồ côi, bị nhiễm HIV...
Giám đốc Phạm Thị Thu Hiền trao đổi với các PV

Tổ ấm của những “cánh chim” bơ vơ
Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân (Trường Thanh Xuân) là cơ sở bảo trợ xã hội với chức năng quản lý, điều trị cho đối tượng cai nghiện bắt buộc và tự nguyện cho cả nam và nữ, người lang thang xin ăn... Từ năm 2009, Trường được giao thêm nhiệm vụ nuôi dưỡng trẻ mồ côi nhiễm H và điều trị Methadone cho người tự nguyện cai nghiện ma túy.
Chị Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Trường Thanh Xuân cho biết, hiện Trung tâm Bảo trợ Trẻ em của Trường đang nuôi dưỡng và điều trị ARV cho 30 trẻ (16 nam, 14 nữ) từ vài tháng tuổi đến 18 tuổi. Mỗi cháu vào đây đều có một hoàn cảnh rất đáng thương: cháu thì bị bỏ rơi ngay ở cổng Trung tâm, cháu thì bị mẹ bỏ lại trong bệnh viện, có cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ... Công tác tiếp nhận và chăm sóc trẻ nhiễm H được lãnh đạo Trường đặc biệt quan tâm vì các cháu đều có hoàn cảnh gia đình phức tạp, thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục của người thân. Ngoài việc phục hồi sức khỏe, ổn định tinh thần và uống thuốc điều trị, các cháu còn được trang bị các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng sống, đi học hòa nhập ở cộng đồng...
Theo chân chị Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Trẻ em, tôi xuống thăm nơi ăn ở, sinh hoạt của các cháu. Tại đây, tôi gặp cháu Vũ Thị Thúy Hằng khi cháu đang kèm cặp mấy em nhỏ học bài. Gặp người lạ, cháu không tỏ ra ngại ngùng mà trái lại rất tự nhiên trong khi trò chuyện. Qua lời cháu kể, tôi được biết quê cháu ở xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng. Trước đây, cháu cũng có một gia đình hạnh phúc như bao đứa trẻ khác, năm cháu 4 tuổi thì mẹ mất, sau đó 3 năm, bố cháu cũng qua đời. Cháu được ông bà nội cưu mang nuôi nấng nhưng do tuổi cao, sức yếu, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bản thân cháu lại nhiễm căn bệnh thế kỷ nên ông bà đành gạt nước mắt gửi vào Trung tâm với hi vọng kéo dài cuộc sống cho cháu...
Hằng kể hồn nhiên: “Cháu biết mình bị nhiễm H từ mẹ sang. Lúc vào đây cháu lên 9 tuổi, đang học lớp 3, đó là năm 2009. Năm nay cháu học lớp 8, cháu học muộn vì còn phải chữa bệnh nữa...”. Nói về việc ăn, ở, học tập và điều trị, Hằng cho biết, ở Trung tâm cháu và các bạn được ăn uống điều độ, hợp vệ sinh, các cô bác gần gũi chăm sóc, yêu thương như con cái trong gia đình. Cháu được uống ARV đúng liều, đúng thời gian. Buổi sáng thức dậy, cháu ăn sáng và uống thuốc sau đó đi học. Trưa về ăn cơm cùng các bạn, các em. Buổi chiều đi học hoặc tự ôn bài, chiều và tối vui chơi, uống thuốc, học bài và đi ngủ. Cháu cảm thấy rất thoải mái. Thỉnh thoảng cháu còn được về thăm gia đình... Hiện, tình hình sức khỏe của cháu vẫn tốt. Ở trường, cháu tham gia vào các hoạt động, được chơi  cùng các bạn như nhảy dây, nô đùa, TDTT... Thày cô và bè bạn đều hòa đồng với cháu. Cô giáo biết cháu có bệnh nhưng vẫn giấu cho cháu và chưa bao giờ nói trước lớp, còn các bạn trong lớp ai cũng biết nhưng không xa lánh cháu. Các bạn biết là do cháu nói và các bạn cũng tự tìm hiểu...
Cháu Vũ Thị Thúy Hằng đang ôn bài
Nói về mong muốn của mình, Hằng chia sẻ: “Cháu muốn được sống hòa đồng và khỏe mạnh. Lớn lên cháu xin ở lại Trung tâm để giúp các em như các cô, các bác ở đây...”. Chỉ khi tôi hỏi về cha mẹ, gương mặt hồn nhiên của cháu bỗng chùng lại: “Điều nhớ nhất là khi cháu vào Trung tâm được khoảng 1 năm, đến ngày giỗ mẹ, người nhà nhắn về nhưng cháu không về được, cháu thấy tủi, nhớ mẹ khóc suốt đêm”. Tôi hỏi, nếu bây giờ có một điều ước, cháu sẽ ước điều gì, không đợi suy nghĩ, cháu trả lời ngay: “Cháu ước bố mẹ sống lại!”... Và tôi đã thấy những giọt nước mắt đọng lại nơi khóe mắt của cháu.
Tôi động viên, như vậy vẫn còn là hạnh phúc vì cháu còn biết cội nguồn, quê hương, còn người thân chứ nhiều bạn không được may mắn như cháu, từ lúc lọt lòng đã bị bỏ rơi, không bao giờ biết tới cha mẹ. Song, tôi hiểu, trong sâu thẳm trái tim non nớt của cháu đang rung lên và điều mơ ước của cháu thì trên đời này chẳng có phép mầu nào có thể biến thành hiện thực. Nhưng có sao đâu, không một ai có thể tước bỏ mơ ước tự nhiên về máu thịt của cháu. Và tự trong lòng, tôi cầu chúc cho cháu với kí ức về cha mẹ sẽ “sống mãi” trong những giấc mơ đẹp. Như nhà văn Lỗ Tấn đã viết: “Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kì thực, trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”.
Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Nguyễn Thị Thúy chia sẻ về
công việc chăm sóc trẻ bị nhiễm H

Những “người mẹ” có trái tim yêu trẻ
Xuống tới sân, tôi gặp một chị đang nô đùa vui vẻ cùng với cháu nhỏ khoảng hơn 2 tuổi. Tôi hỏi chị Thúy, liệu các chị có sợ bị lây nhiễm không? Chị cười: “Chúng tôi vừa là người nuôi dưỡng, vừa là “bác sỹ” chăm sóc các cháu bằng kinh nghiệm của người mẹ và trái tim yêu trẻ. Đối với chị em chúng tôi đã coi các cháu như con của mình thì không có gì ngăn cách. Một khi trái tim của con người đã xác định như vậy thì cảm nhận sẽ có sự giao thoa với nhau, rất hòa đồng...”.
Tâm sự về công việc đang làm, chị Thúy chia sẻ thêm, chúng tôi làm nghề này trước hết phải xuất phát từ cái tâm của mình thì mới làm được. Bởi lẽ, dư luận xã hội kì thị với những người có H chưa hẳn đã hết. Trong khi đó, chị em còn có người thân, chồng con có thể thông cảm nhưng hàng xóm, bạn bè, người quen, họ hàng... thì chưa cảm thông hết. Đến Trung tâm làm việc, chúng tôi xác định đây là cái nghề của mình, ở ngoài cộng đồng mọi người còn đi làm từ thiện huống chi chúng tôi đang làm nghề thì đây là cơ hội làm từ thiện tốt nhất. Đặc biệt những người phụ nữ như chúng tôi đã xác định như vậy nên tâm lí rất thoải mái. Hằng ngày, suốt 24/24h, chị em gắn bó cùng ăn, cùng ở với các cháu...  
Nữ nhân viên của Trung tâm Thanh Xuân đang chăm sóc trẻ bị nhiễm H
Trao đổi về công tác trợ giúp trẻ em thiệt thòi, chị Thúy cho biết, hiện nay điều kiện cơ sở vật chất của Trung tâm còn khó khăn, chúng tôi mong muốn có thêm phòng ăn, phòng ở và sinh hoạt cho các cháu... Đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây có 10 nữ, chủ yếu là chuyển nghề, chưa được đào tạo bài bản, mới chỉ được bồi dưỡng qua lớp tập huấn. Vì vậy, rất cần có cán bộ chuyên môn và bác sỹ tâm lý để hỗ trợ cho trẻ nhiễm H được tốt hơn. Hơn nữa, tất cả mọi người ở ngoài cộng đồng hãy tích cực làm tốt công tác xã hội hóa, cùng chung sức với chúng tôi để cho những trẻ em thiệt thòi được đến trường đi học, sống hòa nhập với cộng đồng...
Tôi hiểu điều chị Thúy muốn nói. Có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực, cố gắng và cả sự hi sinh của cán bộ, giáo viên Trường Thanh Xuân đã chăm sóc, điều trị, giúp các cháu duy trì sức khoẻ, sống hòa nhập, phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, được sinh hoạt, vui chơi, học tập như những trẻ em bình thường cùng trang lứa.
Bịn rịn hồi lâu, chúng tôi chia tay chị Thúy và cháu Hằng và nhận ra rằng, trong cuộc sống, tình yêu thương đã làm cho mỗi người trong chúng ta “lớn lên từng chút”. Và những vĩ nhân đâu cần phải làm những công việc vĩ đại, chẳng hạn như các cô, các chị ở Trường Thanh Xuân - những “người mẹ” có trái tim yêu trẻ đã làm cho tình yêu thương lan tỏa trong cuộc đời này./.  
Diệu Anh
TAG:
Tin khác
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái