Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Trường ĐH Lao động - Xã hội cơ sở II, hơn bốn thập kỷ xây dựng và phát triển
02:35 PM 21/01/2018
Trường Đại học Lao động - Xã hội Cơ sở II là một cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Với gần 7000 sinh viên đang miệt mài học tập, nghiên cứu và rèn luyện, dưới sự dạy dỗ, dìu dắt, hỗ trợ của trên 200 giảng viên, cán bộ của Nhà trường. (chị up cho em vào thời điểm trong tháng 1/2018 với ạ)
Trong hơn bốn thập kỷ qua kể từ ngày 27/12/1976, Bộ trưởng Bộ Lao động (nay là Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội) đã ký quyết định thành lập Trường Trung học Lao động - Tiền lương II. Đến nay, nhà trường đã thực hiện xuất sắc sứ mệnh đào tạo cung cấp nguồn nhân lực các trình độ: từ trung cấp đến đại học và cả trên đại học các ngành kinh tế, xã hội; nghiên cứu và ứng dụng khoa học phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía Nam.
Năm 2006, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ký quyết định sáp nhập Trường Trung học Lao động - Xã hội TP.HCM thành Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội, đặt ra những cơ hội và cả thách thức cho tập thể giảng viên và học sinh nhà trường trong việc chuyển đổi từ cơ chế hoạt động của trường trung cấp lên cơ chế của một cơ sở đại học, cần phải thay đổi toàn diện về trình độ, học vị của đội ngũ giảng viên, cán bộ, phương pháp giảng dạy đại học; tài liệu, giáo trình, bài giảng; cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy;….. Trước khó khăn này, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Lãnh đạo Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội qua các thời kỳ. Nhờ vậy, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà trường đã tập hợp, lãnh đạo tập thể sư phạm nhà trường nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 2007, nhà trường bắt đầu tuyển sinh đại học khóa đầu tiên chỉ với 75 sinh viên cho ngành quản trị nhân lực. Song tới năm 2008, đã có sự đột phá trong tuyển sinh với kết quả tuyển 618 sinh viên cho 3 ngành quản trị nhân lực, kinh tế, công tác xã hội. Từ năm 2011, trường tuyển sinh 4 ngành quản trị nhân lực, kinh tế, công tác xã hội, bảo hiểm, mỗi năm hàng ngàn sinh viên. Năm 2013 tuyển thêm ngành quản trị kinh doanh, năm 2017 tuyển sinh và đào tạo ngành luật kinh tế. Hiện nay, tổng số sinh viên nhà trường đào tạo gần 7000 (trong đó gồm hoạt động liên kết đào tạo với 10 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam).

93% sinh viên Trường ĐH Lao động - Xã hội (cơ sở II) tốt nghiệp ra trường có việc làm

Các năm qua, nhà trường đã luôn chú ý cải thiện môi trường làm việc, xây dựng văn hóa công sở và khuyến khích giảng viên của trường học tập nâng cao trình độ, đề ra chính sách thu hút tuyển dụng những người có học hàm, học vị cao, đặc biệt là những người được đào tạo ở nước ngoài để bổ sung vào đội ngũ giảng viên, cán bộ của trường. Nhờ đó, đến nay, nhà trường đã có một đội ngũ cán bộ, giảng viên 210 người, số có trình độ từ thạc sỹ trở lên là 156 người (chiếm 74,29 %), trong đó Phó Giáo sư: 3; Tiến sỹ: 14 và Thạc sỹ: 139. Riêng giảng viên cơ hữu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở các môn lý thuyết đạt 98%.
Không chỉ có bước tiến lớn trong việc tuyển sinh và cải thiện chất lượng giảng dạy, tập thể giáo viên, cán bộ Nhà trường cũng đạt được nhiều thành tích đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Cụ thể là tính riêng giai đoạn từ 2007 đến nay, nhà trường đã thực hiện hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ, 39 đề tài cấp cơ sở, 54 đề tài ứng dụng cho doanh nghiệp và địa phương; 24 giáo trình với trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học; 64 đầu mục bài giảng và tài liệu, 145 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành, 579 tham luận đăng tại kỷ yếu của các hội thảo cấp Quốc tế, Quốc gia, cấp Tỉnh và cấp cơ sở.
Nhà trường đã biên tập, xuất bản 26 Bản tin Kinh tế - Lao động - Xã hội của Cơ sở; Xây dựng và ban hành 266 đề cương học phần của 04 ngành học (quản trị nhân lực, kế toán, bảo hiểm, công tác xã hội) gồm 05 bậc đào tạo (đại học, cao đẳng, liên thông từ trung cấp lên đại học, liên thông từ cao đẳng lên đại học, liên thông từ trung cấp lên cao đẳng); Triển khai thực hiện xây dựng ngân hàng đề thi cho trên 30 học phần.

 

Nhà trường phối hợp cùng Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0

Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác quốc tế cũng luôn được nhà trường chú trọng và quan tâm một cách đặc biệt. Rất nhiều đối tác là các tổ chức quốc tế đáng tin cậy như Tổ chức Caritas-Đức, hợp tác tổ chức xây dựng xong chương trình đào tạo cán sự xã hội, chuyên ngành “Giáo dục – Chăm sóc Người khuyết tật”; Tổ chức Worldwide Orphans Foundation với dự án “Nâng cao năng lực các dịch vụ tâm lý xã hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thông qua các dịch vụ trực tiếp và công tác xã hội”; tổ chức Enfants. Et. Developpement (EED) với dự án “Phát triển gia đình” ,…. Ngoài ra, nhà trường cũng phối hợp với các trường đại học nước ngoài, các chuyên gia đến từ Anh, Mỹ, Thái Lan, Singapore, Lào, Hàn Quốc, LB Nga… để tổ chức các hội thảo, trong đó tổ chức thành công 03 hội thảo quốc tế về công tác xã hội trong năm 2015, 2016, 2017 với sự tham gia của 100 chuyên gia, học giả các nhà nghiên cứu về lĩnh vực công tác xã hôi, phúc lợi, chính sách xã hội…

Lễ ký kết hợp tác giữa Trường và Trường ĐH Sư phạm Matxcơva - LB Nga.

Đặc biệt, Nhà trường đã hợp tác với 2 trường đại học Hawaii Pacific và San Jose State của Hoa Kỳ nhằm chia sẻ kinh nghiệm và tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên. 116 cán bộ, giảng viên nhà trường đã được tiếp cận với phương pháp giảng dạy hiện đại, tiên tiến với nội dung cốt lõi là lấy người học làm trung tâm, thiết kế chương trình và nội dung bài giảng sáng tạo, đổi mới hướng vào năng lực của sinh viên.

PGS.TS. Bùi Anh Thủy, Hiệu trưởng nhà trường tham gia Hội thảo quốc tế “Nâng cao chất lượng đào tạo CTXH với chuyên nghiệp hóa dịch vụ CTXH”.

Có thể thấy, Ban giám hiệu nhà trường luôn luôn chăm lo và đưa tiêu chí nâng cao chất lượng sinh viên ra trường lên hàng đầu để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời điểm giao thoa với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi vậy, sinh viên luôn được nhà trường hỗ trợ, tư vấn để tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Nhà trường có sự liên kết, hợp tác mật thiết với gần 50 doanh nghiệp, công ty, tập đoàn. Từ năm 2009 - nay, nhà trường đã giới thiệu việc làm cho hàng trăm lượt sinh viên đại học, cao đẳng và những sinh viên đã tốt nghiệp làm việc tại các cơ quan, đơn vị, công ty. Liên hệ và giới thiệu, tạo cơ hội việc làm bán thời gian, thời vụ cho gần 1000 lượt sinh viên. Tổ chức các chuyến thăm quan thực tế cho sinh viên tại các doanh nghiệp và liên hệ mời các chuyên gia tổ chức các hội thảo, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, giúp cho SV có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mềm phục vụ học tập và công việc sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên tham gia sàn giao dịch việc làm lần thứ nhất.

Cùng với hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp trong giới thiệu việc làm cho sinh viên, các doanh nghiệp còn cấp học bổng Tài năng sinh viên ULSA2 từ năm 2009 - nay hơn 2 tỷ đồng cho hơn hơn 300 sinh viên vượt khó học tập, đạt thành tích tốt, giúp các em vững bước trên con đường học tập.
Sau 10 năm chuyển đổi hình thức, cơ chế, Nhà trường đã đào tạo hàng nghìn cử nhân ra trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhiều sinh viên của trường đã có việc làm phù hợp, có cơ hội thăng tiến và dần khẳng định được vị trí trong xã hội. Trên 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp đã có việc làm trong các cơ quan nhà nước, các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hôi, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế…

Trường Đại học LĐ-XH cơ sở II: Tổ chức thành công sàn giao dịch việc làm lần thứ nhất

Để có những thành quả giáo dục trên, ngoài sự nỗ lực của tập thể sư phạm thì vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo đơn vị là yếu tố then chốt trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt trong hơn một thập kỷ tham gia đào tạo trình độ đại học, người đứng đầu đơn vị PGS. TS Bùi Anh Thủy  - Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cơ sở II đã lãnh đạo tập thể sư phạm hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, khẳng định vị thế, uy tín và chất lượng đào tạo của nhà trường; mở rộng liên kết hợp tác, tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế; nâng cao chất lượng đội ngũ; chất lượng nghiên cứu khoa học; xây dựng và chuẩn hóa môi trường sư phạm; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ... tạo sự ổn định và phát triển mạnh mẽ của nhà trường.
Với quyết tâm chính trị cao, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ cán bộ, giảng viên; sự thay đổi lớn, tích cực về môi trường học tập; sự sáng tạo, xung kích và sức trẻ của lớp lớp sinh viên Nhà trường sẽ tạo xung lực mới trong sự phát triển của Nhà trường. Tập thể sư phạm nhà trường tự hào về những thành tích đã đạt được, quyết tâm phấn đấu, đoàn kết một lòng xây dựng nhà trường phát triển nhanh, mạnh và vững chắc, viết tiếp truyền thống của nhà trường qua từng thế hệ trong tương lai.

Minh Ngọc

TAG:
Tin khác
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
Khởi động Chương trình INTENSE:  Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ