Trường Đại học SPKT Vĩnh Long khai giảng lớp bồi dưỡng sư phạm dạy nghề cho cán bộ và giáo viên nước bạn Lào
Sáng 09/10/2017, Trường Đại học SPKT Vĩnh Long đã tổ chức lễ khai giảng lớp đào tạo “Bồi dưỡng sư phạm dạy nghề” cho 05 cán bộ, giáo viên thuộc Bộ lao động và phúc lợi xã hội Lào.
TS. Lê Hồng Kỳ - Phó Hiệu trưởng phát biểu tại lễ khai giảng sư phạm dạy nghề cho cán bộ, giáo viên Lào. Ảnh: TV
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Lê Hồng Kỳ – Phó Hiệu trưởng nhà trường vui mừng, phấn khởi khi cán bộ, giáo viên Lào đến tham dự lớp bồi dưỡng sư phạm dạy nghề tại trường Đại học SPKT Vĩnh Long, đây được xem là một trong nội dung nhằm cụ thể hóa biên bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Việt Nam - Lào lần thứ 5 nhân kỷ niệm 55 năm ngày hai nước Việt Nam-Lào thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2017) và 40 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18/7/1977-18/7/2017).
Trong thời gian qua, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên ngày càng phát triển bền chặt, nhà trường đã tổ chức được 3 lớp bồi dưỡng giáo viên dạy nghề cho cán bộ Lào và tiếp nhận 3 sinh viên Lào đang học tập chính quy tại trường và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã hỗ trợ 3 suất học bổng học tiếng Việt cho giáo viên và cán bộ của trường Đại học SPKT Vĩnh Long và thời gian tới nhà trường mong muốn cán bộ, giáo viên và sinh viên Lào đến trường Đại học SPKT Vĩnh Long tham dự các lớp bồi dưỡng, học tập và phát triển kỹ năng nghề. Đây là cơ hội để cán bộ, giáo viên trường ĐH SPKT Vĩnh Long và giáo viên, sinh viên Lào chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy, học tập cũng như tìm hiểu văn hóa đôi bên, góp phần gắn kết thêm tình hữu nghị hai nước.
Khóa học sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 3 tháng, hoàn thành khóa học các học viên sẽ được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy nghề có giá trị ở cả hai nước Việt Nam, Lào. Người học tham gia chương trình bồi dưỡng sư phạm dạy nghề tại trường Đại học SPKT Vĩnh Long phải hoàn thành 07 mô đun: Tâm lý học nghề nghiệp; Giáo dục học nghề nghiệp; Logic học; Phương tiện dạy học; Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục nghề nghiệp; Kỹ năng – Phương pháp dạy nghề; Thực tập sư phạm….. Ngoài các buổi học trên lớp, nhà trường bố trí cho học viên đi thực tế, tham quan trường và địa phương tìm hiểu về văn hóa và phong tục tập quán Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung và nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để các học viên Lào khi tham gia học tập và sinh hoạt tại trường ĐHSPKT Vĩnh Long.
Đức Dương
TAG: