Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương: Cầu nối cho người lao động
(LĐXH) - Không chỉ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương còn là cầu nối giúp doanh nghiệp đang có nhu cầu tìm lao động.
Bình Dương là một trong những tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp nhất cả nước, do đó thị trường lao động tại đây rất sôi động. Ngoài lao động trên địa bàn tỉnh, Bình Dương còn thu hút rất nhiều người lao động từ khắp nơi trên cả nước, chủ yếu là lao động phổ thông tập trung tại các khu công nghiệp. Với đặc trưng đó, thị trường lao động tại Bình Dương luôn có những biến động lớn về cung, cầu lao động.
Trước những nhu cầu ngày càng cao về lao động, việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động như: đổi mới, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác tư vấn giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm và sàn giao dịch việc làm trực tuyến,…
Tính đến hết tháng 4/2018, Bình Dương đã tổ chức 06 sàn giao dịch việc làm (đạt 22,2% kế hoạch) với 1.212 lượt doanh nghiệp tham gia trực tiếp và trực tuyến, với nhu cầu tuyển dụng là 65.116 lao động, tập trung chủ yếu là nhu cầu về lao động phổ thông; Tổ chức 04 sàn Online lồng ghép với sàn GDVL trực tiếp. Cùng với đó là tư vấn, giới thiệu việc làm cho 23.323 người, trong đó giới thiệu việc làm cho 13.411 người lao động, 8.389 người nhận được việc làm (đạt tỉ lệ 62,5% so với tổng số người được giới thiệu việc làm).
Hàng năm, Trung tâm xây dựng kế hoạch thành lập bảng tin về thông tin thị trường lao động của tỉnh mục đích giúp cho NLĐ nắm bắt được kịp thời, nhanh chóng các thông tin tuyển dụng của DN; còn DN biết được nguồn lao động để có hướng tuyển dụng phù hợp. Xây dựng dữ liệu ngân hàng lao động, quản lý mã vạch của người lao động đến tìm việc đối với tất cả các đối tượng lao động kể cả bảo hiểm thất nghiệp, người tìm việc, doanh nghiệp và người học nghề. Trung tâm hướng tới xây dựng hệ thống giao dịch qua Website, email, yahoo, sàn online, ... bằng ngân hàng mã số (cụ thể mỗi DN hoặc NLĐ khi đến Trung tâm sẽ được cấp 01 mã số duy nhất và kể từ đó Trung tâm sẽ giao dịch với các đối tác thông qua mã số đã cấp cho DN và NLĐ để tránh tình trạng giả mạo tư cách pháp nhân của Trung tâm cũng như việc lấy cắp thông tin từ các luồng thông tin của Trung tâm).
Trong năm 2018, Trung tâm đăng ký danh mục đào tạo nghề tổng cộng tất cả là 22 nghề với hơn 8 nghề mới phù hợp với thị trường lao động. Số lượng học viên học nghề thuộc đối tượng hưởng BHTN tăng dần đều …. Kết quả: chỉ trong 04 tháng đầu năm 2018, Trung tâm đã và đang đào tạo cho: 1.902 HV, trong tổng số học viên học nghề thì số lượng học viên học nghề thuộc đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 1.444 chiếm gần 76% HV học nghề tại Trung tâm và các cơ sở đào tạo nghề. Đặc biệt, Trung tâm chú trọng đến việc đào tạo cho đối tượng là thanh niên nông thôn, nâng cao kiến thức tin học, kiến thức nghề nghiệp giúp thanh niên các vùng nông thôn có kiến thức vững chắc về nghề nghiệp, có điều kiện tìm tòi, học hỏi nhờ các công cụ hỗ trợ như mạng internet cho ngành nghề của mình.
Công tác Truyền thông về chính sách BHTN, tư vấn GTVL, đào tạo nghề cho đối tượng hưởng BHTN luôn được Trung tâm chú trọng. Tính đến nay, đã giải quyết 14.452 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền trợ cấp là hơn 179 tỷ đồng; Số người được duyệt hỗ trợ học nghề là 759 người; 13.919 người được tư vấn giới thiệu việc làm.
Thục Quyên
TAG: