Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng: Ngôi nhà sưởi ấm trái tim
08:01 PM 09/12/2016
(LĐXH) - Nắng chiều dần tắt, những làn sương giá buốt bắt đầu phủ xuống từng ngọn cây, mái nhà cũng là lúc cuộc giao lưu của đoàn phóng viên chúng tôi với những bệnh nhân trong Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng kết thúc. Chiếc xe khách trở đoàn rọi đèn pha sáng quắc, rẽ bóng tối và bỏ lại phía sau Trung tâm một khoảng cách xa tít. Trong màn đêm và không gian vắng lặng của cái huyện lỵ đất liền xa nhất thành phố này, những giai điệu cách mạng hào hùng mà những bệnh nhân đã say sưa hát tặng cho đoàn chúng tôi vẫn cứ vang vọng mãi, cho chúng tôi một cảm giác ấm áp, đong đầy tình người ở một nơi đích thực là ngôi nhà thân thương của những bệnh nhân tâm thần.
Người với người sống để yêu thương
Buổi gặp mặt của đoàn phóng viên chúng tôi với Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng là một hoạt động nằm trong khuôn khổ cuộc Hội thảo "Báo chí và truyền thông về phát triển nghề công tác xã hội" do Tạp chí Lao động Xã hội và Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – TBXH) tổ chức trong hai ngày 28,29/11, tại Đồ Sơn. Do được báo trước nên Ban giám đốc và tập thể cán bộ viên chức của Trung tâm đã đón tiếp đoàn khá nhiệt tình và nồng hậu. Qua lời giới thiệu sơ lược của chị Trần Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm, chúng tôi được biết đơn vị nằm ở thôn Đan Điền, xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, được thành lập năm 1977 với tên gọi ban đầu là Trại tâm thần. Từ một quy mô nhỏ bé ngày nào, hiện Trung tâm đã có nhiều đổi thay đáng kể cả về bộ máy tổ chức đến cơ sở vật chất. Với đội ngũ cán bộ gồm 63 người, Trung tâm đang thực hiện quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc 323 đối tượng, bố trí ở 03 Khu bệnh nhân: Khu bệnh nhân Nặng- Kích động có 88 người, Khu bệnh nhân Thuyên giảm 98 người, Khu bệnh nhân Phục hồi chức năng 137 người.
Các y tá của Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng cho bệnh nhân uống thuốc
Thực sự, có trực tiếp đặt chân đến trung tâm, chúng tôi mới có thể thấu hiểu được bệnh nhân ở đây đều là đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng, gồm các loại tâm thần phân liệt hoặc rối loạn tâm thần đã được cơ quan Y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm. Đặc biệt hơn, khi tiếp xúc với chị Phan Thị Lý – một y sĩ của Khoa phục hồi chức năng, chúng tôi còn cảm nhận được rằng nghề chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần chính là một nghề công tác xã hội và là một nghề vất vả, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Chị Lý từng học trong ngành quân y, từng là một quân nhân chuyên nghiệp, song với bản chất là một người lính cụ Hồ, luôn thích đối mặt với những khó khăn, thử thách mới nên chị đã quyết định xung phong chuyển ngành và về làm việc tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng từ năm 1991. Theo lời chị kể, mỗi cán bộ, y, bác sĩ ở Trung tâm hàng ngày luôn phải đóng nhiều vai khác nhau, lúc là anh cảnh sát, lúc lại là thầy thuốc điều trị, khi lại là một cô giáo, khi thì như một người mẹ hiền và trong mỗi người đều phải luôn giữ được ngọn lửa yêu thương và chữ tâm trong lòng. Cụ thể, hàng ngày chị và các đồng nghiệp thường xuyên nhắc nhở những người bệnh dọn dẹp, vệ sinh buồng bệnh sạch sẽ. Với những bệnh nhân đặc biệt nặng, các chị tận tay dìu họ đi lại, nâng đỡ hoặc giúp họ vệ sinh thân thể như cắt tóc, gội đầu, tắm rửa, cắt móng tay móng chân, giặt giũ quần áo để họ được sạch sẽ, tránh mắc các bệnh lây nhiễm. Những đêm đông giá lạnh, các chị có thể sẵn sàng thức suốt đêm để đắp chăn cho bệnh nhân bởi các đôi tượng tâm thần thường không có giác nóng lạnh hoặc có thể bị rơi xuống khỏi giường. Những lúc người bệnh nhớ nhà, có những hành động kích động, các chị lại vỗ về an ủi, động viên lựa theo tính nết của họ, để họ bình tâm trở lại và sẻ chia tâm tư, nguyện vọng.
Tuy vất vả là vậy, song đối với chị Lý, tinh thần làm việc của chị chưa bao giờ nản. Mỗi ngày đối với chị đều là những ngày ý nghĩa vì còn rất nhiều người không may mắn đang cần lắm những người làm nghề công tác xã hội như các chị. Và những tình cảm của bệnh nhân dành cho chị cũng chính là một sợi dây tình cảm níu kéo chị ở lại trung tâm – nơi chị dành thời gian cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt cho bệnh nhân nhiều hơn là cho gia đình nhỏ bé của chị. Chúng tôi đã  vô cùng xúc động khi nghe về một kỷ niệm không bao giờ quên của chị. Đó là thời gian chị đi làm trở lại sau khi sinh con nhỏ, có một bệnh nhân trong trạng thái tâm thần sa sút mà vẫn cố gắng diễn đạt với chị từng lời hỏi thăm không được rõ ràng từ tận trong sâu thẳm của trí não và trái tim. Đối với chị, chỉ cần như vậy là đủ sức mạnh để làm việc.
Bệnh nhân Bùi Thị Lánh đã được hồi phục và chuyển sang khu Phục hồi chức năng
Sau cuộc trò chuyện, chị Lý thân chinh đưa chúng tôi đến thăm khu bệnh nhân Phục hồi chức năng và giới thiệu với chúng tôi một bệnh nhân tên Bùi Thị Lánh, sinh năm 1963, ở thôn Liêm Khê, xã Liêm Am, huyện Vĩnh Bảo. Hoàn cảnh nhà chị rất nghèo, chị đã ở và chữa trị ở đây được 13 năm kể khi mắc chứng suy nhược thần kinh do thiếu ngủ triền miên. Trong trạng thái chân tay run rẩy nhưng đầu óc vô cùng minh mẫn, tỉnh táo, chị kể cho chúng rôi biết các y, bác sĩ nơi đây vô cùng nhân hậu và họ đã từng gội đầu, tắm rửa, bón ăn và điều trị cho chị rất nhiệt tình. Từ chỗ lâm bệnh nặng, thậm chí đập phá, đánh và hành hạ người thân trong gia đình nay chị đã dần hồi phục và đã giúp đỡ, chăm sóc cho nhiều bệnh nhân khác bệnh nặng hơn mình.
Tâm sự với bác sỹ Nguyễn Đăng Dũng – Trưởng Phòng Y tế, chúng tôi còn được hiểu rõ hơn về những bệnh nhân tâm thần phân liệt mãn tính. Do phải uống thuốc duy trì hàng ngày kéo dài, một số người đã gặp phải các tác động phụ như­­: run chân tay, táo bón, quáng gà…, từ đó gặp trở ngại trong sinh hoạt và dẫn đến việc tìm mọi cách chống đối không uống thuốc. Những đợt cấp tính tái phát các biểu hiện của bệnh rất đa dạng và phức tạp, mỗi ng­ư­ời bệnh có những dấu hiệu khác nhau, có ng­ư­ời đập phá la hét, hát hò, c­­ười nói chửi bới vô cớ, tấn công lại người chăm sóc, phục vụ và người xung quanh; có bệnh nhân lại lo sợ ngư­­ời khác hại mình, có ngư­­ời lầm lì không hoạt động, không ngủ, hoặc từ chối ăn uống, do vậy công tác chăm sóc, điều trị  gặp không ít khó khăn, song bộ phận chuyên môn Y tế đã chú trọng theo dõi diễn biến bệnh lý hàng ngày của từng ng­­ười bệnh, có phác đồ điều trị hợp lý cho từng ng­­ười bệnh. Do vậy đã hạn chế bệnh nhân có diễn biến tái phát, thời gian tái phát ngắn, bệnh nhân sa sút giảm, số bệnh nhân ổn định tăng, thời gian ổn định kéo dài.
Bệnh nhân được các y, bác sĩ chăm sóc như người thân của mình
Thành quả và những bộn bề khó khăn
Có thể nói, vượt qua bao khó khăn, vất vả, mỗi năm, tập thể thể cán bộ, y bác sĩ của Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng đều có gằng hoàn thành nhiệm vụ được giao và đã phục hồi chức năng cho 10 đến 15 bệnh nhân từ tình trạng liệt, sa sút đã dần hồi phục sức khoẻ tự chủ được sinh hoạt. Cấp cứu an toàn cho từ 25 đến 30 trư­­ờng hợp, trong đó hoang tưởng tự sát: từ 10 đến 15 trường hợp, điều trị trên 200 trường hợp có đợt diễn biến tâm thần tái phát; chuyển viện từ 15 đến 20 trường hợp, điều trị bệnh thông thường về nội khoa và các chuyên khoa khác là trên 700 lượt bệnh nhân.
Nhiều bệnh nhân đã phục hồi tốt và tự chủ trong sinh hoạt, tự tin trong giao tiếp
Nói về sự đổi mới trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng, Giám đốc Trần Thị Hiền cho biết: Từ khi Trung tâm cử cán bộ tham gia những khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội, công tác chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh đã hiệu quả hơn rất nhiều. Những cán bộ đi học về đã biết áp dụng những biện pháp điều trị tâm lý vào trong khâu điều trị. Chẳng hạn như trước kia, phương pháp điều trị cho những trường hợp bệnh nhân bị kích động hoặc rối loạn cảm xúc thường là kê đơn thuốc để cắt cơn tại chỗ cho bệnh nhân thì nay các bệnh nhân sẽ được điều trị bằng cả phương pháp phục hồi chức năng, điều trị tâm lý, tư vấn, nói chuyện nhằm giúp bệnh nhân bớt sợ hãi và bình ổn nhanh hơn.
Theo chị Hiền, trong những năm qua, mặc dù luôn được thành phố, Sở LĐTBXH và Bộ Lao động – TBXH quan tâm song công việc của Trung tâm chị đang quản lý vẫn còn bộn bề nhiều khó khăn. Trước hết là hiểu biết về sức khoẻ tâm thần còn hạn chế nên người tâm thần thường bị miệt thị, coi thường, xa lánh. Việc tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng đối với bệnh nhân tâm thần mãn tính là một vấn đề hết sức khó khăn, do bệnh hay tái phát, không khỏi mà chỉ ổn định. Hàng năm, cho về gia đình tái hòa nhập cộng đồng từ 10 đến 20 bệnh nhân. Trong khi đó, gia đình người bệnh tâm thần phải chăm sóc dài ngày dẫn đến chán nản, cùng với khó khăn về kinh tế nên đã buông xuôi, nhốt người tâm thần, để đi lang thang hoặc phó mặc cho xã hội, số người mắc bệnh tâm thần có xu hướng gia tăng. Tại Trung tâm, quy mô chăm sóc chỉ đủ cho 250 người nhưng thực tế đang phải đảm nhiệm điều dưỡng cho 322 người, nhiều giường bệnh phải nằm 02 người, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của đối tượng. Năm 2016, theo Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 (Đề án 1215), Trung tâm mới đưa vào sử dụng 01 khu nhà ở của đối tượng vơi công suất là 80 giường bệnh với công xuất là 80 người, tuy nhiên khu nhà này chỉ thay thế cho khu nhà cũ do đã quá xuống cấp. Cũng theo quan sát của chúng tôi, những khó khăn về cơ sở vật chất của Trung tâm không chỉ là những biểu hiện đã xuống cấp của những dãy nhà cũ kỹ, ngả màu thời gian mà không gian nơi đây từ khu vui chơi thể thao, khu đi bộ, cảnh quan môi trường, khuôn viên cây xanh, hồ nước, nhà bếp, nhà ăn bệnh nhân, Hội trường Trung tâm còn quá thiếu thốn và nghèo nàn. Chính vì vậy, việc áp dụng những mô hình điều trị chuyên nghiệp như Đề án 32 đề ra lả rất khó khăn.
Thiết nghĩ, Trung tâm cần được quan tâm nâng cấp mở rộng, đầu tư mua sắm trang thiết bị  đảm bảo cơ sở vật chất quản lý, chăm sóc đối tượng theo Đề án 1215; tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần; xây dựng chính sách, chế độ phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội để  những cán bộ, viên chức của Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng tiếp tục yên tâm gánh vác trên vai nghề công tác xã hội cao quý – nghề chuyên chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần. Bởi không ai khác, chính họ là những người đã hy sinh và đang tích cực góp phần giảm bớt những khó khăn và gánh nặng cho cho gia đình, xã hội và cộng đồng./. 
Mỹ Hạnh
TAG:
Tin khác
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái