Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bình Định: Không gian xanh góp phần nâng cao chất lượng điều dưỡng người có công
11:49 AM 21/11/2022
(LĐXH) - Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, những năm qua, việc chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công trên địa bàn tỉnh Bình Định đã nhận được sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công
Tỉnh Bình Định hiện có trên 180.000 đối tượng chính sách, trong đó có trên 32.000 liệt sĩ, hơn 26.000 thương binh, gần 2.000 bệnh binh, khoảng 3.500 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.... Đặc biệt, cả tỉnh có 5.366 Bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Xác định công tác điều dưỡng phục hồi sức khoẻ đối với người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều năm qua, các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, địa phương tỉnh Bình Định đã duy trì và tổ chức hàng chục đợt khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà… cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn vào các dịp lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ… Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt việc ưu tiên, các chế độ dành cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng khi đến khám và điều trị, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho người có công và thân nhân của họ.    

Lễ khánh thành Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Bình Định
Tại tỉnh Bình Định, Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh) có chức năng tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh nặng và đặc biệt nặng chưa có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc tại gia đình; tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, phục hồi sức khỏe, đưa đón người có công đến điều dưỡng tại trung tâm theo kế hoạch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh giao hàng năm… Ông Châu Đình Phước, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh Bình Định cho biết:  Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch giao và tình hình thực tế, trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch điều dưỡng chi tiết; chuẩn bị đầy đủ điều kiện các nguồn lực bảo đảm tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc về thể chất, nâng cao đời sống tinh thần phù hợp với sức khỏe của người có công đến điều dưỡng tại trung tâm… Trung tâm phối hợp với phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp đưa đón người có công đến điều dưỡng; tổ chức họp đoàn điều dưỡng phổ biến chính sách, chế độ, nội quy, quy trình một đợt điều dưỡng; cấp phát đồ dùng sinh hoạt gồm khăn mặt, xà phòng, bàn chải đánh răng; tư vấn sức khoẻ, phục hồi chức năng; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao và các khoản chi phí khác phục vụ các đối tượng đến điều dưỡng. Ngoài ra, Trung tâm còn giới thiệu cho người có công những điểm du lịch nổi tiếng của Bình Định để người có công có nhu cầu và đảm bảo sức khoẻ đến tham quan; tổ chức đi tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Ghềnh Ráng Tiên Sa, Bãi tắm Hoàng Hậu, Tịnh xá Ngọc Hoà, Eo gió… Cuối đợt điều dưỡng, tổ chức họp toàn đoàn điều dưỡng, tổng kết rút kinh nghiệm và trao quà người có công đến điều dưỡng bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chế độ quy định. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã hoàn thành 100% kế hoạch điều dưỡng luân phiên và tại gia đình cho người có công với cách mạng. Trong đó: điều dưỡng tại gia đình: 6.678 đối tượng; Điều dưỡng tập trung 535 đối tượng (điều dưỡng trong tỉnh: 171 lượt người; ngoài tỉnh 364 lượt người)        
Không gian xanh mát của Trung tâm Điều đưỡng người có công tỉnh Bình Định
Hiện nay, ngoài việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe phục vụ 24/24 giờ cho người có công, Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công đã được trang bị thêm các trang thiết bị vật lý trị liệu phục hồi chức năng hiện đại như: Ghế massage toàn thân, massage tập dưỡng sinh trên máy đa năng, máy vật lý trị liệu cơ học, chiếu tia hồng ngoại, xông hơi, ngâm chân thảo dược, hát Karaoke… Cùng với đó, trung tâm chú trọng xây dựng thực đơn với nhiều món ăn phong phú, đa dạng, thường xuyên thay đổi các món ăn phù hợp với khẩu vị nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, số lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể nói, những hoạt động chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người đã góp một phần xương máu, tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do của dân tộc. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội tiếp tục chung tay thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực hơn để chăm sóc sức khỏe cho người có công …
Một góc khác của Trung tâm
Không gian nghỉ dưỡng xanh
Để có được những kết quả tích cực trong quá trình hoạt động, thời gian qua, Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh đã được đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác điều dưỡng. Từ thực tế cơ sở vật chất và nhu cầu điều dưỡng, năm 2016, từ nguồn ngân sách của Trung ương đầu tư tập trung, công trình Trung tâm Điều dưỡng Người có công đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt đầu tư xây dựng mới tại số nhà 7/14 Bế Văn Đàn, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Với diện tích đất 8.809,3 m2, diện tích xây dựng 700,7m­2, tổng diện tích sàn 5.702 m­2, chiều cao công trình 30m., đến nay đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Cùng với hệ thống cấp điện, cấp và thoát nước, phòng cháy chữa cháy, điều hòa, thông gió và trang thiết bị đồng bộ, tiến độ thực hiện từ năm 2016-2021(Từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến lúc kết thúc dự án) với tổng mức đầu tư là 68.723.314.000 đồng. Với cơ sở vật chất được đầu tư đạt tiêu chuẩn khách sạn 4 sao cùng đội ngũ viên chức, người lao động nhiệt huyết, ân cần, chu đáo, tận tình và tổ chức phục vụ bữa ăn linh hoạt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đầy đủ chất dinh dưỡng cùng với cơ sở vật chất được đầu tư khang trang với toà nhà 8 tầng, 52 phòng cùng 100 giường đầy đủ tiện nghi, dự kiến hàng năm Trung tâm sẽ đón khoảng 1.000  lượt người có công trong và ngoài tỉnh về điều dưỡng.
Đặc biệt, từ giữa tháng 5.2022, sau khi nhận bàn giao khu nhà mới và khởi động lại hoạt động điều dưỡng bị tạm hoãn do dịch Covid-19, Trung tâm Chăm sóc và điều dưỡng người có công tỉnh đã tích cực “làm mới” mình với mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động. Thương binh Nguyễn Văn Câu (phường Hoài Xuân, TX Hoài Nhơn) chia sẻ: “Lúc mới tới, nhìn thấy khu nhà mới, tôi và nhiều thành viên trong đoàn ngỡ ngàng lắm. Lên phòng ở thì thấy không thua gì khách sạn, với những trang thiết bị hiện đại”.
Theo ông Châu Đình Phước, một trong những điều đơn vị luôn chú trọng là tiếp thu phản hồi của các thành viên. Buổi họp đoàn đầu tiên luôn có phần bầu 1 trưởng đoàn và 2 phó trưởng đoàn, làm cầu nối giữa các thành viên và Trung tâm. Kết thúc đợt điều dưỡng, mỗi thành viên nhận một phiếu thăm dò, thu thập mức độ hài lòng và những góp ý. Đa số NCC cho biết họ rất thích sự ân cần, nhiệt tình phục vụ từ ban giám đốc đến từng cán bộ, nhân viên Trung tâm.
Hướng nhìn ra biển đứng từ Trung tâm
Tại một nơi nghỉ dưỡng với bãi biển lý tưởng và phong cảnh hùng vĩ cùng nhiều địa danh nổi tiếng, người có công thực sự đã thực sự được sống trong môi trường khí hậu mát mẻ, nhiều cây xanh, không khí trong lành, thoáng mát. Hàng ngày, các bộ phận tự lau chùi, dọn dẹp phòng điều dưỡng, khu nhà bếp và khu nhà làm việc; công tác vệ sinh buồng phòng, trang cấp vật phẩm, trang bị chăn ga gối, giường ngủ luôn được đảm bảo sạch sẽ. Trong đó, môi trường sống an toàn, sạch sẽ, có cây xanh, thoáng mát và ngày càng đẹp hơn là tiêu chí mà đơn vị đưa ra, Chính vì vậy, Trung tâm đã xây dựng nội quy về vệ sinh môi trường đối với tất cả các phòng chức năng, cán bộ công nhân viên chức, người lao động và khách nghỉ dưỡng; Hưởng ứng, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên địa bàn; Thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đối tượng về việc bảo vệ môi trường, xây dựng trung tâm xanh, sạch, đẹp; trồng thêm một số cây xanh, cải tạo bổ sung bồn hoa, cây cảnh, vườn rau… “Với tôi, trong lần trở lại này vẫn rất thích các món ăn ở đây và muốn quay lại lần nữa”, thương binh Nguyễn Chí Dũng (ở phường 10, TP Đà Lạt) cho hay.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Phụ nữ Nam Định với phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa'
Đắk Nông: Chú trọng nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá Chương trình giảm nghèo
Thành phố Phổ Yên với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Thái Nguyên: Bám sát thực tiễn, thực hiện tốt chính sách người có công
Đắk Nông: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp
Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang: Ngôi nhà ấp áp nghĩa tình
Quảng Ninh tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật
Lạng Sơn: Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)