Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Trung tâm Điều dưỡng người có công số III Hà Nội: “Địa chỉ Hồng” mãi nhớ
09:14 AM 19/04/2024
(LĐXH)- Con người và tấm lòng của tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm sẽ là “Địa chỉ Hồng” mãi nhớ đối với người có công đến điều dưỡng.
Mặc dù là lần đầu được đến Trung tâm Điều dưỡng người có công số III Hà Nội, thuộc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội thành phố Hà Nội, nhưng mỗi chúng tôi trong đoàn ai ai cũng cảm thấy thực sự hài lòng trước những con người, cảnh quan môi trường nơi đây! Đặc biệt từ khâu tiếp đón, thăm hỏi đến lo toan chăm sóc mọi người trong việc ngủ nghỉ, sinh hoạt, ăn uống… tất cả đều chu đáo, chân tình, cởi mở; thấm đậm tình đời, tình người.

Thành viên đoàn người có công phường Thượng Thanh, quận Long Biên giao lưu cờ tướng trong đợt điều dưỡng tại Trung tâm

Mỗi khi gặp gỡ, tiếp xúc với cán bộ, nhân viên ở bất cứ đâu, lúc nào, tôi luôn nhận được những câu chào hỏi hết sức nền nã, quý trọng, những nụ cười trực nở trên môi đầy ắp tính thân thiện. Và cũng ít có nơi đâu mà trong mỗi buổi sinh hoạt, bữa ăn hằng ngày, Ban Giám đốc  thay nhau túc trực, chào hỏi đon đả. Đó chính là nét đẹp truyền thống văn hoá Việt mà cán bộ - nhân viên Trung tâm đã luôn nâng niu, trân trọng, giữ gìn và phát huy…
Được thành lập ngày 15 tháng 9 năm 2009 và đứng chân bên hồ Đồng Mô dưới những tán cây tươi xanh mát mẻ, mặt nước êm đềm thơ mộng, thuộc thôn Nghĩa Sơn, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, nhiệm vụ của Trung tâm là tập trung khám bệnh, điều dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng của thành phố Hà Nội, với tần suất gần đây mỗi năm khoảng 30 đến 40 đợt, số người tham gia điều dưỡng từ 3.000 đến 4.000 lượt.
Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục dưỡng sinh và các hoạt động về tinh thần như: Tổ chức đi tham quan kết hợp với du lịch tâm linh tại Khu di tích lịch sử K9, Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam, Thành cổ Sơn Tây, Đền Và, Làng cổ Đường Lâm, Lăng Ngô Quyền, Đình Phùng Hưng, Chùa Khai Nguyên, Chùa Mía, Đền Lăng Sương…
Tổ chức nói chuyện thời sự, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi, tư vấn pháp luật, hát Karaoke, đọc sách báo; giao lưu cầu lông, bóng chuyền hơi, bóng bàn, cờ tướng; luyện tập dưỡng sinh, ngâm chân thuốc Bắc, xông hơi…

Nhân viên phòng Y tế  - Điều dưỡng đo huyết áp, kiểm tra sức khoẻ người có công điều dưỡng tại Trung tâm

Để có được con người, phương tiện, cơ sở vật chất ban đầu đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu nhiệm vụ nêu trên, tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm đã nỗ lực không ngừng về mọi mặt, trong đó tích cực đề nghị cấp trên hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình, trang bị các phương tiện thiết yếu phục vụ cho ăn ở, sinh hoạt như: Khu hành chính làm việc, hội trường, nhà ở cho đối tượng tham gia điều dưỡng, nhà bếp, nhà ăn, nhà thể dục đa năng, nhà dưỡng sinh, khu vực xông hơi, ngâm chân; thư viện và các thiết bị thể dục, sinh hoạt thư giãn ngoài trời… Mặt khác tích cực khai thác, cải tạo, tận dụng những điều kiện sẵn có nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất phục vụ.

Đại biểu người có công quận Long Biên được ngâm chân thuốc Bắc 

Theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Thu, từ khi thành lập đến cuối năm 2023, Trung tâm đã tiếp nhận và thực hiện điều dưỡng được trên 28.000 lượt người có công và thân nhân của người có công trên địa bàn thành phố.
Riêng năm 2023, Trung tâm được giao chỉ tiêu và hoàn thành điều dưỡng 3.420 người ở 7 quận, huyện thuộc: Đống Đa, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Quốc Oai, Hoài Đức, Ứng Hòa. Năm 2024, cả hai nguồn Trung tâm được giao 10.186 đối tượng, trong đó điều dưỡng tại Trung tâm là 4123 người, còn lại là tại nhà. Chỉ tính từ đầu năm đến giữa tháng 4/2024, Trung tâm đã tiếp đón 7 đợt với tổng số là 747 người.
Cũng trong thời gian điều dưỡng ở Trung tâm, tôi may mắn được tiếp xúc với một số cán bộ, nhân viên thuộc các phòng chức năng như: Quản lý và Nuôi dưỡng, Y tế - Điều dưỡng… Qua trao đổi trực tiếp với Trưởng phòng Y tế - Điều dưỡng Lê Thị Hoa Lư và điều dưỡng viên Phùng Thị Thanh Ngà được biết: Toàn phòng hiện có 16 anh chị em, công việc không quá vất vả như những y, bác sĩ ở các bệnh viện, nhưng do tính chất công việc nên mỗi cán bộ còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác, bởi vậy hầu như bận rộn thường xuyên, liên tục.
Mỗi tối có 3 người thay nhau túc trực, kiểm tra theo dõi sức khoẻ của các đối tượng tham gia điều dưỡng, nhất là những người có bệnh nền về tim mạch… Ban ngày mọi người đều phải tham gia túc trực, kiểm tra sức khoẻ và cấp phát thuốc, phục vụ hoạt động ngâm chân thuốc Bắc, xông hơi và công việc tạp vụ khác. Qua đó phần nào thêm cảm thông và chia sẻ những vất vả, khó khăn của cán bộ, nhân viên Trung tâm trước nhiệm vụ được giao hiện nay.

Bữa ăn được phục vụ chu đáo, bảo đảm an toàn vệ sinh tuyệt đối

Qua trao đổi với Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Nguyễn Mạnh Bách mới thấy rõ những thành tích bằng mọi nỗ lực mà tập thể Trung tâm đã đạt được trong suốt chặng đường hơn 14 năm qua. Đó là, vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen năm 2019 nhân kỉ niệm 10 năm ngày thành lập; nhận Cờ thi đua đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội năm 2012; Cờ của Uỷ Ban nhân nhân dân thành phố Hà Nội năm 2014, 2016; Cờ của Liên đoàn Lao động Việt Nam và thành phố năm 2018, 2022 và 2023; Danh hiệu đơn vị Chuẩn văn hoá của Uỷ ban nhân dân thị xã Sơn Tây trao tặng năm 2014 - 2015…
Ngoài ra, Chi bộ cùng các tổ chức chính trị khác như Công đoàn, Đoàn thanh niên… hằng năm đều đạt đơn vị Trong sạch vững mạnh, hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được trao tặng nhiều Bằng và Giấy khen cho tập thể, cá nhân ở mỗi cấp…

Giao lưu văn nghệ giữa đoàn người có công quận Long Biên với cán bộ, nhân viên Trung tâm (trong đợt điều dưỡng từ 9 – 15/4/2024)

Những ngày tháng còn lại năm 2024, nhiệm vụ của Trung tâm hết sức nặng nề, trong đó có phần biến động về tổ chức, nhiệm vụ. Song tự hào và phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, cán bộ - nhân viên Trung tâm nhất định sẽ hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong năm và những năm tiếp theo, thực sự xứng đáng với niềm tin yêu của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, nhân dân thành phố Hà Nội, địa phương và các đối tượng chính sách được phục vụ, thiết thực chào mừng 15 năm Ngày truyền thống của Trung tâm (15/9/2009 - 15/9/2024).
Dẫu cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở, sinh hoạt có thể chưa đầy đủ, khang trang như ở một số nơi khác, nhưng con người và tấm lòng nơi đây sẽ là “Địa chỉ Hồng” mãi nhớ./.
Nguyễn Tự Lập
TAG: Trung tâm Điều dưỡng người có công số III Hà Nội
Tin khác
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
Dùng thuốc mua trên mạng, tiền mất mà tật còn nguyên
Người hâm mộ đổ ra đường, hô vang “Việt Nam vô địch!”
CSGT Diễn Châu kịp thời giúp bé 4 tuổi thoát cơn nguy kịch