Trung tâm Điều dưỡng người có công số 1 Hà Nội: Nâng cao chất lượng điều dưỡng gắn với cảnh quan môi trường
(LĐXH)- Đến nay, Trung tâm đã đón nhận và điều dưỡng cho hơn 50 nghìn lượt người có công trên địa bàn thành phố.
Trung tâm Điều dưỡng người có công số 1 Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 3088/QĐ-UB ngày 21/5/2004 của UBND thành phố Hà Nội, với tên ban đầu là Trung tâm Điều dưỡng người có công thành phố Hà Nội.
Sau thời gian hoạt động, Trung tâm được đổi tên là Trung tâm Điều dưỡng người có công số 1 Hà Nội và xác định lại chức năng nhiệm vụ theo Quyết định số 3178/QĐ-UBND ngày 13/8/2007 của UBND thành phố Hà Nội.
Trung tâm có nhiệm vụ tập trung, nuôi dưỡng, điều dưỡng chăm sóc sức khỏe người có công và người già hưu trí cô đơn của Thành phố Hà Nội.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong thăm bếp ăn của Trung tâm Điều dưỡng người có công số 1 Hà Nội (tháng 7/2022)Đón tiếp, tổ chức nuôi dưỡng và điều dưỡng luân phiên người có công với cách mạng (các Mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng, bố, mẹ, vợ liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày…) và người già hưu trí cô đơn của thành phố Hà Nội.
Tổ chức khám, chữa bệnh, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, tham quan ngoại khóa nâng cao sức khỏe của người có công và người già hưu trí cô đơn điều dưỡng tại Trung tâm.
Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức quản lý, bảo vệ, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trung khu vực Trung tâm đóng trụ sở.
Quản lý và sử dụng có hiệu quả, đúng pháp luật các nguồn kinh phí của Nhà nước và của các tổ chức hỗ trợ; tổ chức đào tạo tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao năng lực cán bộ, viên chức.
Tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân ở trong và nước ngoài để đầu tư xây dựng Trung tâm; quản lý đội ngũ cán bộ, người lao động và quản lý đất đai, nhà xưởng, tài sản, trang thiết bị của trung tâm theo đúng quy định của Nhà nước và thành phố; thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội và thành phố giao.
Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công số 1 Hà Nội Lê Thành Biên cho biết, trong năm 2022, Trung tâm được giao thực hiện 1.883 chỉ tiêu điều dưỡng tập trung (cả nguồn kinh phí trung ương và thành phố) và 1.494 chỉ tiêu điều dưỡng tại gia đình theo nguồn thành phố của 6 đơn vị quận, huyện.
Tính đến ngày 29/6/2022, Trung tâm đã phối hợp tổ chức được 12 đợt điều dưỡng tập trung, trong đó có 7 đợt điều dưỡng tại Trung tâm với 769 lượt người, điều dưỡng tại Sầm Sơn - Thanh Hóa 5 đợt với 614 lượt người...
Công tác chăm sóc sức khỏe cho người đến điều dưỡng được các bác sĩ, y tá của Trung tâm được thực hiện rất tận tình chu đáo. Người đến điều dưỡng được khám sức khỏe, phát thuốc điều trị theo bệnh án; hàng ngày được tắm nước khoáng nóng, ngâm chân thuốc bắc, máy matxa vật lý trị liệu, tham gia tập thể thao...
Thực đơn trong mỗi bữa ăn được xây dựng đa dạng, không trùng lặp trong các bữa; thực phẩm để chế biến món ăn luôn tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy trình kiểm thực 3 bước (trước khi chế biến thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn, kiểm tra trước khi ăn) đều có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của các cán bộ y tế, những mẫu thực phẩm đều được lưu giữ đúng quy trình.
Chế độ dinh dưỡng được thực hiện theo quy trình một chiều; thực đơn luôn được thay đổi cho phù hợp với từng mùa và từng đối tượng nên nhận được nhiều lời khen ngợi, cảm ơn về tinh thần phục vụ hết mình của tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên y tá.
Người điều dưỡng còn được tham gia nhiều hoạt động giải trí như cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, tham quan các danh lam thắng cảnh, giao lưu văn nghệ.
Mặc dù thời gian qua gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng Trung tâm Điều dưỡng người có công số 1 Hà Nội vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cả về các chỉ tiêu cơ bản và chất lượng phục vụ đối với người có công.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng điều dưỡng cho các đối tượng, Trung tâm cũng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Từng khu sinh hoạt như: nhà bếp; phòng ăn; khu vệ sinh, tắm giặt; phòng sinh hoạt chung; phòng điều dưỡng; phòng nghỉ... đều được bố trí một khoa học, đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ, thoáng đãng đủ ánh sáng.
Cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân và sự cố gắng của tập thể cán bộ công nhân viên còn tổ chức trang trí lại cảnh quan khuôn viên sân vườn đặc biệt là "Con đường trải sỏi" dành tặng cho người có công luyện tập, phục hồi sức khỏe mỗi khi các cụ, các bác đến điều dưỡng tại Trung tâm.
Trong quá trình điều dưỡng tại Trung tâm, hàng ngày các điều dưỡng được cán bộ hướng dẫn, tham gia các hoạt động như: Thăm quan các khu di tích lịch sử, khám sức khỏe tổng thể, uống thuốc bổ đông y, kết hợp ngâm chân thuốc bắc, chạy máy vật lý trị liệu, luyện tập thể dục tại nhà tập đa năng, đọc sách báo, giao lưu cờ tướng, thể thao, văn hóa văn nghệ..
Cảnh quan môi trường tại Trung tâm luôn đảm bảo “sáng, xanh – sạch – đẹp”Đặc biệt, Trung tâm đóng trên địa bàn, là nơi có nguồn nước khoáng nóng tự nhiên, do thiên nhiên ban tặng vô cùng quý giá, hàng ngày các cụ ngâm mình từ một đến hai lần giúp cho tinh thần được sảng khoái, sức khỏe có phần tăng lên, có thể chữa khỏi và làm giảm một số bệnh như: bệnh ngoài da, các bệnh về xương khớp, đau dây thần kinh, suy nhược cơ thể và một số chức năng thải độc khác... rất phù hợp cho người cao tuổi. Trong suốt thời gian được điều trị tại Trung tâm các cụ rất hài lòng trong công tác phục vụ, ra về với tinh thần phấn khởi, sức khỏe được nâng lên, và mong muốn được quay lại Trung tâm
Trung tâm cũng chú trọng đến việc báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường; xây dựng phương án thu gom, xử lý nước thải bảo đảm trước khi xả thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải.
Bên cạnh đó, định kỳ hàng tuần, các phòng chuyên môn đều tổ chức vệ sinh môi trường xung quanh, chăm sóc vườn hoa cây cảnh nhằm tạo môi trường làm việc và chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng luôn sạch sẽ, văn minh, thoáng mát. Tại các phòng ở của các đối tượng cũng được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, thường xuyên khử phòng bằng đèn tia cực tím, phun thuốc diệt muỗi để phòng chống các dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm.
Sau mỗi đợt điều dưỡng, Trung tâm tổ chức tổng kết, tiếp thu ý kiến đóng góp, rút kinh nghiệm. Với sự cố gắng nỗ lực, chủ động tìm tòi, không ngừng đổi mới của tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động trong trung tâm nhằm ngày một nâng cao chất lượng công tác điều dưỡng.
Kết thúc mỗi đợt điều dưỡng các đại biểu đều cảm thấy hài lòng, phấn khởi, khi nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội và Trung tâm./.
Nguyễn Lại Thìn