An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định: Nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường
11:21 AM 10/12/2019
Thời gian qua, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc, trợ giúp đối tượng yếu thế.
Trung tâm BTXH Bình Định được thành lập vào tháng 6/1992. Nhiệm vụ của Trung tâm là tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, gồm người cao tuổi neo đơn, người khuyết tật, người lang thang, trẻ bị bỏ rơi và trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa. Năm 2017, Trung tâm được bổ sung thêm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công tác xã hội và đổi tên thành Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh. Hiện đơn vị đang chăm sóc 102 đối tượng, trong đó có 33 người cao tuổi neo đơn, 51 người khuyết tật và 18 trẻ em mồ côi.
Tháng 6.2018, cháu Lê Trung T. (10 tuổi) bị cột tay, đứng trước cổng Trung tâm. Cán bộ Trung tâm đã tiến hành xác minh và tìm kiếm được gia đình của cháu ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Đưa cháu về với gia đình, nhiều người vỡ lẽ, vì gia cảnh quá khó khăn với chồng bị bại liệt, mẹ già yếu, 2 con lớn đang học tại TP Hồ Chí Minh, mẹ cháu T. trong một khoảnh khắc quẫn bách, đưa cháu đến trước Trung tâm với hy vọng cháu được nhận nuôi. Tuy nhiên, trường hợp của cháu T. không thuộc đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm theo quy định. Lãnh đạo Trung tâm động viên gia đình và tìm cách hỗ trợ gia đình tiếp tục nuôi dưỡng cháu.

Các đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường không gian sạch đẹp

Trong khi đó, cháu Phạm Thị Minh V. (15 tuổi, ở huyện Phù Cát) bỏ nhà đi, được người dân và chính quyền phường Đập Đá (TX An Nhơn) tìm thấy tại khu vực gần sân vận động Đập Đá, báo về Trung tâm. Ở thời điểm tiếp nhận, V. suy yếu sức khỏe, tinh thần không ổn định. Cán bộ trung tâm đưa cháu đến TTYT TX An Nhơn để khám, chăm sóc sức khỏe, dựa vào thông tin trên áo đồng phục và liên hệ nhà trường, gia đình, đưa cháu về nhà.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng kết nối được với gia đình bởi hoàn toàn mất dấu thông tin. Ví dụ như việc phối hợp với Trung tâm BTXH tỉnh Kon Tum tìm lại người thân cho bà Nguyễn Thị Nghè (80 tuổi, quê gốc ở huyện Tây Sơn) nhưng không có kết quả bởi bà Nghè lưu lạc từ khi còn rất nhỏ, hầu như không giữ thông tin chính xác nào về người thân, quê nhà.
Năm qua, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh đã khảo sát, lên kế hoạch quản lý cả đối với 40 trường hợp khó khăn đặc biệt tại cộng đồng; phối hợp cán bộ cơ sở, cộng tác viên CTXH thực hiện trợ giúp cải thiện các mối quan hệ xã hội, trợ giúp pháp lý, kết nối với các tổ chức hỗ trợ vật chất cho 18 trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng. Bé Lê Nguyễn Anh Thư (11 tuổi, ở thôn Phong An, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) đã được Trung tâm kết nối với Ngân hàng Seabank Chi nhánh Bình Định nhằm hỗ trợ bé thường xuyên với mức 1 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Xuân Bảo (53 tuổi), cậu của bé Thư, chia sẻ: “Hai anh em bé Thư mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện đang sống với bà ngoại và gia đình tôi. Hàng tháng, hai anh em được hỗ trợ hơn 800 ngàn đồng từ Nhà nước nhưng hết năm học này, cháu lớn học xong lớp 12 sẽ hết được hỗ trợ. Số tiền hỗ trợ hàng tháng dành cho cháu Thư giúp gia đình nhiều trong việc lo ăn học cho các cháu”.
Năm 2018, Trung tâm đã tổ chức 11 lớp chuyên đề về “Phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới”, 10 lớp chuyên đề về “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” và 11 lớp chuyên đề về “Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em” tại 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Thông qua hình thức sân khấu hóa, 3 lớp chuyên đề khác về “Chung tay chăm sóc, phụng dưỡng, kịp thời trợ giúp người cao tuổi” đã được thực hiện tại 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát và TX An Nhơn.
Ông Phan Tuấn Kiệt, Trưởng phòng Cứu trợ xã hội và Phát triển cộng đồng của Trung tâm cho biết: “Thời gian qua, cán bộ cơ sở và người dân địa phương chưa hiểu hết về CTXH. Phần đông mọi người đều nghĩ: CTXH đơn thuần là giúp đỡ về vật chất cho các trường hợp khó khăn. Thực chất, CTXH rộng hơn, trong đó bao gồm cả về những hỗ trợ về tâm lý, kỹ năng, kỹ thuật... đối với các đối tượng yếu thế, người cần được trợ giúp tại cộng đồng. Các buổi truyền thông trong năm 2018 vừa là nơi hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ cơ sở, người dân; vừa giúp cộng đồng hiểu thêm về lĩnh vực CTXH”.
Bên cạnh hoạt động tư vấn, can thiệp, Trung tâm cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý và bảo vệ môi trường nhằm xây dựng cảnh quan môi trường trong lành tại đơn vị. Do đặc thù các đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng phần nhiều là người già cô đơn và trẻ em nên công tác chăm sóc, vệ sinh phòng ở luôn được các bộ phận trong trung tâm chú trọng. Có những cụ từ khi vào đây đến khi chết, mấy chục năm ròng nhưng chẳng có người thân đến thăm nuôi một lần. Có nhiều cụ lúc khỏe mạnh thì con cháu thỉnh thoảng vào thăm, những lúc đổ bệnh phải nằm viện thì họ bỏ mặc, phó thác cho Trung tâm. Thậm chí, lúc mất cũng chẳng có ai bên cạnh. Chăm sóc các cụ là công việc không hề đơn giản, nhất là với những cụ lẫn tính khi về già. Lúc tỉnh táo thì không bàn đến, thỉnh thoảng thì la hét, chửi bới cả ngày, chuyện đó xảy ra như cơm bữa nhưng chẳng ai để bụng. Có nhiều hôm, cán bộ chính là nạn nhân của các cụ. Ngoài ra, người già hầu hết ai cũng mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh lây nhiễm nhưng không vì thế mà cán bộ Trung tâm hắt hủi, xa lánh các cụ.
Những năm qua, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, Trung tâm cũng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Từng khu sinh hoạt như: nhà bếp, phòng ăn, khu vệ sinh, phòng sinh hoạt chung, phòng điều dưỡng, phòng nghỉ... đều được bố trí một khoa học, đảm bảo vệ sinh. Trong quá trình thi công sửa chữa công trình, Trung tâm cũng đãm bảo bố  trí mặt bằng hạ tầng cơ sở bảo đảm không gây ra các tác động, ảnh hưởng từ khu vực phát sinh chất thải đến các khu vực khác; quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Trung tâm cũng chú trọng trồng nhiều cây xanh để lấy bóng mát và điều hòa không khí. Trong khuôn viên Trung tâm, được đặt các ghế đá để đối tượng ngồi nghỉ ngơi, hóng mát. Khu vui chơi, tập thể dục ngoài trời cũng được bố trí thoáng mát, có mái che, có cây xanh tạo bóng mát. Hai bên các lối đi cũng được trồng hoa, cây cảnh, lối đi được lát gạch đảm bảo chống trơn trượt và sạch đẹp khi trời mưa...
Hữu Bắc


TAG:
Tin khác
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025