Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi: Cung cấp kịp thời dịch vụ trợ giúp đối tượng
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi đi vào hoạt động ngày 1/11/2017 trên cơ sở hợp nhất hai cơ sở là Trung tâm Giáo dục- Lao động xã hội và Trung tâm Bảo trợ xã hội. Dù mới sáp nhập, nhưng cơ sở 1 (Trung tâm Bảo trợ xã hội trước đây) hoạt động chăm sóc người già, trẻ em mồ côi vẫn diễn ra bình thường. Tại đây, nhờ tình yêu thương, sự sẻ chia, đồng cảm, những thành viên trong ngôi nhà ấy đã gắn kết, coi nhau như những người thân trong gia đình.
Trung tâm được đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng
Trụ sở tiếp nhận, phục hồi sức khỏe, nuôi dưỡng 11 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và 40 người cao tuổi không nơi nương tựa, 32 trẻ em mồ côi. Còn cơ sở 2 tiếp nhận, chữa bệnh, giáo dục, nuôi dưỡng 46 người lang thang, ăn xin, trong đó có 31 đối tượng tâm thần. Trước kia, đây cũng là nơi tập trung hỗ trợ cai nghiện cho hàng chục đối tượng.
Để đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh đã có các chương trình, đề án, ban hành các chính sách trợ giúp xã hội; đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ việc nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng yếu thế không nơi nương tựa tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, các hoạt động hiện tại mang nặng tính quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, hoạt động từ thiện xã hội hơn là hỗ trợ, cung cấp dịch vụ công tác xã hội nhằm can thiệp, trợ giúp các đối tượng để họ phát huy được khả năng của bản thân, tự giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình và cộng đồng một cách bền vững. Các dịch vụ trợ giúp cho đối tượng còn mang tính riêng lẻ, chưa đồng bộ, chưa gắn kết giữa hoạt động cộng đồng và hoạt động trung tâm. Trung tâm sẽ mở rộng các dịch vụ công tác xã hội, tăng cường cử cán bộ trực tiếp xuống các xã, huyện để nắm bắt thông tin và kịp thời tư vấn, giúp các đối tượng yếu thế ổn định về tâm lý. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng miễn phí để kết nối tư vấn, tham vấn cho những đối tượng cần đến sự trợ giúp của cán bộ trung tâm".
Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại trung tâm
Hiện Trung tâm có 45 cán bộ, nhân viên, nhưng chỉ có 34% người được đào tạo theo chuyên ngành công tác xã hội. Cùng với đó, cơ sở vật chất của hai cơ sở vẫn chưa được đảm bảo. Nhà ở, nhà y tế, nhà cai nghiện, nhà tiếp nhận, chăm sóc tại cơ sở 2 chưa đáp ứng yêu cầu cho đối tượng về diện tích. Một số phòng ở tại cơ sở 1 đã xây dựng từ trước năm 1975 nên xuống cấp, mất an toàn cho cán bộ, nhân viên làm việc tại đây.
Để phát triển, Trung tâm mở rộng cơ sở 2 ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) lên 48.705m2 để nâng cao hiệu quả hoạt động, tiếp nhận khoảng 300 người tâm thần và hỗ trợ người lang thang. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất đủ đáp ứng nhu cầu hiện nay. Hiện nay, việc thu hút đối tượng nghiện ma túy vào cai nghiện tại cơ sở 2 còn gặp khó khăn. “Đối với công tác cai nghiện từ chỗ khó tiếp nhận học viên, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch chăm sóc, điều trị cai nghiện theo hướng thân thiện, để thu hút người nghiện đến với trung tâm”.
Việc thành lập Trung tâm Công tác xã hội trong bối cảnh xã hội hiện nay được thực hiện đúng theo Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020” của Chính phủ đề ra. Trung tâm có chức năng quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và tổ chức các hoạt động khác cho các đối tượng xã hội trên địa bàn tỉnh đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở thuộc trung tâm theo đúng quy định Nhà nước./.
PV
TAG: