Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội Hưng Yên: Ngôi nhà xanh của các đối tượng yếu thế
(LĐXH) - Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội Hưng Yên đóng chân tại thôn Nam Trì, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi với nhiệm vụ chính là tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, tổ chức học văn hóa, học nghề, phục hồi chức năng cho các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc. Trong nhiều năm qua, Trung tâm đã xây dựng được mội trường cảnh quan xanh – sạch – đẹp cùng sự hết lòng chăm lo cho các đối tượng yếu thế của đội ngũ cán bộ, nhân viên.
Ông Đoàn Văn Hưng, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội Hưng Yên cho biết, trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm luôn là mái nhà chung cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp họ vươn lên và ổn định cuộc sống, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, với tổng số 29 cán bộ viên chức và người lao động, Trung tâm đang quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng 105 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 06 trẻ em mồ côi, 45 người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, 54 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Do nuôi dưỡng nhiều đối tượng khác nhau, lại chênh lệch về độ tuổi, mắc nhiều bệnh tật, số đối tượng phải chăm sóc, phục vụ tại chỗ ngày càng nhiều.
Để quản lý tốt đối tượng, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác sàng lọc, phân loại từng đối tượng theo lứa tuổi, bệnh tật, tâm sinh lý, sắp xếp nơi ăn, ở để trợ giúp, chăm sóc, phục vụ, tư vấn, hướng dẫn đối tượng thích nghi môi trường sống trong trung tâm. Cán bộ nhân viên đơn vị luôn quản lý chặt chẽ các đối tượng, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng gây gổ, cãi nhau. Công tác chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho các đối tượng luôn được coi trọng. Trung tâm đã thường xuyên cải thiện món ăn, ăn đúng giờ, đúng tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đầy đủ chất dinh dưỡng. Đơn vị cũng mở sổ theo dõi sức khỏe từng đối tượng; hàng ngày có cán bộ y tế đến kiểm tra, theo dõi, chăm sóc sức khỏe để kịp thời phát hiện các chứng bệnh và có hướng điều trị phù hợp.
Trung tâm cũng đặc biệt quan tâm chú trọng đến đời sống tinh thần cho đối tượng như: Thường xuyên tổ chức các hoạt động, văn hóa, văn nghệ; các buổi sinh hoạt câu lạc bộ người cao tuổi, khuyết tật; tổ chức sinh nhật quý cho các cháu... nhằm tạo không khí vui tươi, lành mạnh, tạo sự đoàn kết, gắn bó, nâng cao thể lực, thể chất, tinh thần cho họ, giúp họ vững tin hơn trong cuộc sống.
Ngoài ra, đơn vị còn thường xuyên đầu tư sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; bổ sung, mua sắm trang bị các đồ dùng phương tiện, nhất là đồ dùng như chăn màn, quần áo phải thay thế do đối tượng xé rách và trang bị thêm các đồ dùng chống rét và đồ dùng sinh hoạt khác. Phối hợp với các cấp, các ngành, tổ chức xã hội trong, ngoài tỉnh và các tổ chức nhân đạo thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện mà pháp luật cho phép để phục vụ cho đối tượng cũng như tăng cường cơ sở vật chất của Trung tâm.
Bên cạnh quản lý, chăm sóc tốt các đối tượng, Trung tâm cũng đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Cán bộ, nhân viên trung tâm cùng các đối tượng thường xuyên vệ sinh phòng ở, khu vực ở, vệ sinh thân thể; cắt tóc, cạo râu, tắm giặt thưỡng xuyên cho những đối tượng không tự sinh hoạt cá nhân được; sắp xếp đồ dùng sinh hoạt hợp lý, gọn gàng tại phòng ở, khu vực ở; tuân thủ, chấp hành các quy định, nội quy của Trung tâm, tôn trọng không gian chung, hình thành nếp sống văn minh, mang lại giá trị tốt đẹp cho đơn vị.
Trung tâm cũng thường xuyên tuyên truyền cho đối tượng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh nơi ở, tạo không gian sống sạch sẽ, thoáng mát. Đặc biệt, Trung tâm luôn chú trọng việc trồng cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, cây cảnh, tạo bóng mát trong khuôn viên đơn vị; thường xuyên duy trì triển khai hoạt động “Ngày Chủ nhật Xanh”, làm sạch đường phố từ cổng khu vực dân cư vào Trung tâm; bố trí thùng đựng rác thải phân khu theo từng khu vực; thường xuyên xử lý khuôn viên đơn vị bằng chất khử khuẩn clomin B, dung dịch khử côn trùng, ruồi muỗi; tích cực kiểm soát ô nhiễm, cải thiện và phục hồi môi trường; xử lý rác thải và nước thải đúng quy định.
Xác định rõ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ môi trường, tạo môi trường sống an toàn, sạch đẹp có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trong thời gian tới, Trung tâm Bảo trợ xã hội và công tác xã hội Hưng Yên sẽ tiếp tục chú trọng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, phát động phong trào thi đua yêu nước; xây dựng các mô hình trị liệu và triển khai dịch vụ tự nguyện tại chỗ, đồng thời triển khai các hoạt động cụ thể trong việc tiếp nhận những đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp gồm: người rối nhiễu tâm trí và người tâm thần; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhạn bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động… Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn thể cán bộ nhân viên và các đối tượng về công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan ngày càng tốt hơn, xây dựng Trung tâm thành ngôi nhà xanh, mái ấm tình thương cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh./.
Đức Dương