Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định thực hiện tốt chính sách về trợ giúp xã hội
Chiều 18-10, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Mai Thanh Long, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kiêm Trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội.
Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định quản lý, nuôi dưỡng và dạy nghề, phục hồi chức năng cho 764 đối tượng bảo trợ xã hội; trong đó có 433 đối tượng hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 57 đối tượng diện cần bảo vệ khẩn cấp; 274 trẻ em tuổi từ 12 đến 16 khuyết tật học nghề. Mặc dù đối tượng quản lý đa dạng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác quản lý và sử dụng kinh phí phục vụ công tác bảo trợ xã hội, công tác huy động và sử dụng nguồn lực trợ giúp xã hội được thực hiện công khai minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Việc quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng được duy trì đều đặn 24/24 giờ trong ngày, chế độ ăn uống 3 bữa/ngày có thực đơn cho từng diện đối tượng, đảm bảo tiêu chuẩn, định lượng quy định. Việc chăm sóc các đối tượng thuộc diện đặc biệt như đối với người già, người tàn tật không tự phục vụ trong sinh hoạt của bản thân đều được cán bộ chăm sóc; đối tượng là người tâm thần, được cấp thuốc hướng thần theo tuyến quy định; trẻ mồ côi đang đi học tại địa phương, Trung tâm cử cán bộ đưa đón và hướng dẫn, giúp đỡ các cháu trong học tập. Công tác dạy nghề và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật có chuyển biến tích cực. Trung tâm luôn duy trì dạy các nghề may và nghề mộc, phục hồi chức năng ngôn ngữ, văn hóa, khả năng giao tiếp và thể chất và tổ chức tư vấn tìm việc làm cho đối tượng hết thời hạn ra khỏi Trung tâm.
Tuy nhiên quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội tại Trung tâm vẫn còn những hạn chế nhất định, như: Diện đối tượng quản lý rộng; đa số các đối tượng mắc bệnh tâm thần, người khuyết tật khi được tiếp nhận vào Trung tâm đều ở tình trạng bệnh lý nặng, không ổn định; mất khả năng lao động; người già neo đơn tuổi cao sức yếu không tự phục vụ được. Trẻ em khuyết tật vào học nghề nhiều dạng tật khác nhau nhận thức hạn chế. Cơ sở vật chất mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng quy mô còn nhỏ đặc biệt là khu quản lý, nuôi dưỡng người tâm thần. Đồ dùng, trang thiết bị phục vụ nhất là trang thiết bị y tế, thiết bị phục hồi chức năng phục vụ cho việc chăm sóc, điều trị đối tượng còn thiếu. Chế độ nuôi dưỡng, trang cấp đồ dùng phục vụ đối tượng tuy được nâng lên nhưng nhìn chung vẫn còn thấp trong khi giá cả lương thực, thực phẩm ngày một tăng cao. Cán bộ cán bộ, viên chức còn thiếu, đặc biệt là bác sĩ và cán bộ dạy nghề phục hồi chức năng.
Tại buổi làm việc, Trung tâm đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí để xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; bổ sung biên chế và tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác trợ giúp xã hội cho đội ngũ cán bộ để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho các đối tượng.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thanh Long ghi nhận nỗ lực của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội. Thời gian tới Trung tâm cần tiếp tục khắc phục khó khăn về biên chế; cơ sở vật chất; rà soát định mức phù hợp, cụ thể đảm bảo cho việc chăm sóc đối tượng bảo trợ để kiến nghị các cấp, các ngành chức năng xem xét giải quyết nhằm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đối với các kiến nghị của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, Đoàn ghi nhận và sẽ chuyển đến cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết./.
PV
TAG: