An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định: Đặt chất lượng phục vụ lên hàng đầu
03:23 PM 26/09/2022
(LĐXH) - Nằm trên địa bàn tỉnh Nam Định, nhiều năm nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định đã trở thành mái ấm cho nhiều phận đời kém may mắn, không nơi nương tựa.
Trung tâm đã trở thành mái ấm cho những mảnh đời kém may mắn
Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định có 02 trụ sở làm việc là: Trụ sở chính đặt tại Thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường và Cơ sở 2: tại Thôn Lộng Đồng, xã Lộc An, TP Nam Định. Trung tâm hiện có 58 cán bộ công nhân viên, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho hơn 200 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và điều trị cho các đối tượng tại trung tâm, cán bộ viên chức, người lao động nơi đây vẫn luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn vất vả, tận tình chăm cho các đối tượng, thắp lên ngọn lửa “sưởi ấm” cho những phận đời kém may mắn.
Ở đây, những đối tượng bảo trợ xã hội được cán bộ trung tâm tận tâm chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ. Nhiều đối tượng không hợp tác được với cán bộ, có hành vi không tự chủ được bản thân, không có khả năng tự vệ sinh cá nhân, ăn uống vẫn được các cán bộ chăm sóc tận tình mà không nề hà bất cứ điều gì, giúp những đối tượng vơi bớt nỗi đau cũng như sự cô đơn.
Các hoạt động vui chơi, văn nghệ cho trẻ em được Trung tâm tổ chức
Thời gian qua được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội; sự đoàn kết nỗ lực của tập thể cán bộ viên chức, người lao động, Trung tâm đã ngày càng khang trang, sạch sẽ, đời sống của các đối tượng không ngừng được cải thiện. Theo đó, Trung tâm  duy trì đều đặn chế độ ăn uống phục vụ các diện đối tượng, ngày ăn 3 bữa có thực đơn cho từng diện đối tượng, đảm bảo tiêu chuẩn, định lượng quy định và có phần cải thiện thêm như  rau xanh tại chỗ; Cung cấp và hỗ trợ đối tượng tiếp cận, thụ hưởng các chính sách và chương trình trợ giúp xã hội. Đối với đối tượng nuôi dưỡng tại Trụ sở chính: Trung tâm phân công cán bộ chia thành ca kíp thường thực 24/24 giờ trong ngày để quản lý, chăm sóc đối tượng. Đối với người già, người tàn tật đặc biệt nặng không tự phục vụ trong sinh hoạt của bản thân cần có người khác giúp đỡ, Trung tâm đã bố trí, sắp xếp, phân công cụ thể một số viên chức để thường xuyên chăm sóc. 100% đối tượng được chăm sóc điều trị bệnh như: Chăm sóc sức khỏe ban đầu; sử dụng thuốc để điều trị bệnh; sơ cứu khi cần thiết. Trong trường hợp vượt quá khả năng, thẩm quyền của đơn vị, Trung tâm làm các thủ tục cho đối tượng đi các tuyến bệnh viện để điều trị và cử cán bộ đi quản lý, chăm sóc. Trung tâm có cán bộ y tế, trang thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp, tủ thuốc bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu khi cần thiết; điều trị và mở sổ theo dõi; kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng và hàng năm cho từng đối tượng. Đối với đối tượng là người tâm thần, được cấp thuốc hướng thần theo tuyến theo quy định. Đối với trẻ mồ côi đang đi học tại địa phương, đơn vị  cử cán bộ đưa đón và  hướng dẫn, giúp đỡ các cháu trong học tập.
Cùng với đó, Trung tâm cũng quan tâm thực hiện các hoạt động công tác xã hội  như tư vấn đồng cảnh cho các diện đối tượng, với mục đích là hỗ trợ về mặt tâm lý giữa những người đồng cảnh với nhau để họ lắng nghe nhau và cùng nhau chia sẻ bớt đi những mặc cảm về mình; tổ chức các hoạt động như thể dục buổi sáng để nâng cao thể chất, xem ti vi. Một số đối tượng có sức khỏe, tổ chức cho đối tượng lao động liệu pháp, như trồng rau, quét dọn vệ sinh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và phát triển của đơn vị vẫn còn gặp phải một số khó khăn nhất định như: Đa số các đối tượng mắc bệnh tâm thần, người khuyết tật đặc biệt nặng khi được tiếp nhận vào Trung tâm đều ở tình trạng bệnh lý nặng, không ổn định; mất khả năng lao động; không tự chăm sóc được bản thân, hay lên cơn kích động. Việc can thiệp điều trị các bệnh tâm thần hiện nay chủ yếu can thiệp ở trị bằng thuốc thế hệ cũ và phải sử dụng thuốc hướng thần thường xuyên lên người tâm thần thường hay có những phản ứng phụ không mong muốn, như: sơ gan, lao phổi, sức khỏe giảm sút; Một số cụ già cô đơn không nơi nương tựa do tuổi cao sức yếu nên dễ xảy ra những tai biến, trí nhớ giảm sút.
Công tác quản lý, PHCN và dạy nghề cho trẻ khuyết tật cũng gặp những khó khăn do các cháu ở nhiều dạng tật khác nhau, nhận thức hạn chế, gia đình phần đa có hoàn cảnh khó khăn ít quan tâm một số cháu đang ở lứa tuổi phát triển tâm sinh lý. Địa điểm 2 cơ sở nằm cách xa nhau, cơ sở vật chất đã xuống cấp và còn thiếu. Trong công tác nuôi dưỡng, giá cả lương thực, thực phẩm thường xuyên biến động,  đội ngũ cán bộ còn thiếu đặc biệt là cán bộ y tế có trình độ cao và cán bộ có trình độ sư phạm giáo dục chuyên biệt. Do đó phần nào cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý, kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị./.
Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo