An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Trung tâm bảo trợ và Công tác xã hội Thái Nguyên: Kết nối dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em thông qua phát triển nghề công tác xã hội
05:31 PM 26/08/2020
(LĐXH)-Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên được thành lập ngày 12/9/2018, trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm CTXH và đi vào hoạt động từ ngày 1/10/2018. Trung tâm có nhiệm vụ thực hiện tiếp nhận, quản lý chăm sóc và nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ như người cao tuổi (NCT) cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật đặc biệt nặng và trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi có HCĐB của tỉnh Thái Nguyên theo đúng quy định. Theo thống kê, số lượt đối tượng được nuôi dưỡng tại trung tâm 6 tháng đầu năm 2020 là 87 lượt người, số đối tượng đang được nuôi dưỡng là 72 người.
Tại Trung tâm, các đối tượng được thăm khám sức khỏe thường xuyên; cập nhật, ghi chép sổ sách, lập, hồ sơ bệnh án đầy đủ; điều trị kịp thời, đúng nguyên tắc và hiệu quả; đối tượng bệnh nặng được cấp cứu kịp thời và chuyển tuyến trên điều trị. Cán bộ chăm sóc, nuôi dưỡng luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đối tượng để kịp thời động viên tâm lý, đưa ra những cách thức giáo dục, nuôi dưỡng phù hợp. Đối với người, đặc biệt là các cụ già yếu, một số phải nằm bất động, nhân viên hộ lý, y tế thường trực chăm sóc, động viên, chia sẻ như người ruột thịt trong gia đình. Hay bên cạnh những trẻ em khỏe mạnh còn có những trẻ khuyết tật. Những cán bộ, nhân viên ở Trung tâm luôn cố gắng chăm nom, dành tình thương cho trẻ khuyết tật nặng, từ việc cho trẻ ăn, uống thuốc đến vệ sinh. Hầu hết, các đối tượng ở đây đều thiếu thốn tình cảm của gia đình nên mỗi nhân viên công tác xã hội luôn tìm cách tiếp cận đối tượng, đưa ra những biện pháp chăm sóc hợp lý với mỗi trường hợp để các cụ, các cháy được khỏe mạnh về thể chất và vui vẻ về tinh thần, sẵn sàng chia sẻ, tâm sự những tâm tư và vấn đề đang gặp phải.  Hàng tháng, các cụ, các cháu được tham gia các buổi sinh hoạt nhóm để giao lưu chia sẻ và tham gia trò chơi, văn nghệ, đọc báo, thể dục, thể thao… dưới nhiều hình thức, nội dung hấp dẫn. Mỗi khi hè về, các em cũng được vui chơi, sinh hoạt hè bổ ích qua nhiều hoạt động trải nghiệm, đi thăm quan… đầy ý nghĩa. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Trung tâm đều tổ chức mừng thọ cho các cụ cao tuổi, tặng quà, mừng tuổi, biểu diễn văn nghệ… cho các cháu, tạo nên bầu không khí vui tươi, thoải mái. Nhờ vậy, Trung tâm luôn trở thành địa chỉ thân thương, chốn đi về ấm áp tình thân của những con người có hoàn cảnh đặc biệt. 
Trẻ em được cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên chăm sóc và kết nối với các hoạt động vui chơi, phát triển thể chất và tinh thần
Riêng đối với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Trung tâm đặc biệt chú trọng phát triển nghề công tác xã hội, triển khai hiệu quả những hoạt động cung cấp và kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em trong tỉnh, xây dựng đội ngũ những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong đó có đội ngũ làm nghề công tác xã hội chuyên chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Trong 6 năm qua, Trung tâm đã tổ chức trên 60 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho trên 5.000 cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ về các nội dung: kỹ năng làm việc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoạt cảnh đặc biệt; hướng dẫn cộng tác viên thiết lập mạng lưới kết nối, tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ trẻ em bị XHBL, ngược đãi bỏ rơi hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi bỏ rơi; kỹ năng phòng chống xâm hại bạo lực trẻ em; kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ, chậm phát triển, trẻ bị HIV/AIDS... Qua các lớp tập huấn, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ được trao đổi, chia sẻ về những khó khăn trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong gia đình, cộng đồng... và cách giải quyết những vấn đề đó.
Để tổ chức cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, Trung tâm còn duy trì công tác truyên truyền qua tổng đài tư vấn miễn phí và trang thông tin điện tử của Trung tâm. Hoạt động tư vấn, tham vấn được thực hiện dưới 2 hình thức: Trực tiếp tại Trung tâm, cộng đồng và qua Tổng đài tư vấn miễn phí 18008080. Các trường hợp tiếp nhận đều được Trung tâm lập hồ sơ, đánh giá các nguy cơ, từ đó xây dựng kế hoạch can thiệp cho phù hợp.
Ngoài ra, Trung tâm cũng luôn duy trì các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm như: tổ chức các buổi hoạt động văn nghệ, sinh hoạt nhóm cho trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ nhiễm HIV, trẻ khuyết tật... Đồng thời, kết nối với với các Trung tâm dạy kỹ năng sống, nghệ thuật cho nhóm trẻ này để giúp các em phát triển năng khiếu tự tin hơn và tiếp cận với nhiều chính sách trợ giúp xã hội theo đúng quy định của Nhà nước.
Cũng trong giai đoạn 2016-2020, Trung tâm đã thiết lập mạng lưới kết nối thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và hoạt động cung cấp, kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em để thực hiện can thiệp, hỗ trợ cho trên 300 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ chậm phát triển, tự kỷ… như: Tiếp nhận thông tin và thực hiện can thiệp hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 38 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trợ giúp cho hơn 100 trường hợp trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm HIV, trẻ bị bỏ rơi…, tổ chức 40 buổi hoạt động nhóm cho đối tượng này. Các em đều được Trung tâm hỗ trợ tâm lý kịp thời, giúp các em vượt qua khủng hoảng và hòa nhập cộng đồng. Song song với đó là tư vấn, hỗ trợ pháp lý giúp trẻ và gia đình được bảo vệ quyền lợi và giải quyết sự việc theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã triển khai hiệu quả Mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Mô hình này hướng tới đảm bảo sự an toàn và phát triển cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, thay vì đưa vào nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng tập trung, giúp trẻ có môi trường gia đình thân thiện, nhận được sự yêu thương, chăm sóc của các thành viên trong gia đình. Ngay từ những ngày đầu triển khai đề án, Trung tâm đã xác định các đối tượng cần được nuôi dưỡng, ưu tiên các đối tượng đang sống tại cộng đồng có nguy cơ cao (trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị xâm hại, trẻ em nhiễm HIV/AIDS…). Trung tâm cũng tìm hiểu và khảo sát các đối tượng nhận nuôi, đó là các gia đình, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có điều kiện và tự nguyện nhận chăm sóc trẻ…Tại 11 xã của huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Trung tâm đã khảo sát 100 trẻ và 100 gia đình, qua đó thiết lập danh sách 25 trẻ và 25 gia đình tham gia mô hình. Song song với đó là việc tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các hội nghị truyền thông, các sản phẩm truyền thông…, để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về chăm sóc, nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Sau khi trẻ được nhận nuôi, Trung tâm đã quản lí, kiểm tra, giám sát thường xuyên; các gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ, ngoài việc được hỗ trợ kinh phí, còn được tư vấn và tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề, nâng cao kiến thức và trang bị các kỹ năng sống cho trẻ em (thực hiện 8 lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cho 240 người nhận nuôi trẻ; trưởng xóm, bí thư, cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở các xóm triển khai mô hình). Trung tâm cũng phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội tổ chức 2 lớp tập huấn cho 70 cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cấp xóm, xã; người chăm sóc trẻ tham gia mô hình về hướng dẫn nghiệp vụ chăm sóc, nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...). Qua đó, xây dựng một môi trường thân thiện để trẻ có thể hòa nhập cuộc sống mới. Đồng thời, khi triển khai mô hình, Trung tâm đã thiết lập được một đội ngũ cán bộ quản lý, cá nhân, gia đình nhận nuôi có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh.
Nhằm giúp người dân thấy rõ vai trò của nhân viên xã hội, các dịch vụ CTXH mà Trung tâm cung cấp, giúp họ có một địa chỉ tin cậy khi cần nhận được sự trợ giúp, Trung tâm đã sản xuất 48 tin, bài, phóng sự, in ấn và cấp phát trên 100.000 tờ rơi và gần 2.000 áp phích về các hoạt động can thiệp, hỗ trợ đối tượng; Phát sóng trên 12.000 lượt clip về Tổng đài điện thoại 18008080 và các hoạt động cung cấp, kết nối dịch vụ của Trung tâm phát trên Đài PTTH Thái Nguyên. Trung tâm còn Phối hợp với các trường Tiểu học, THCS tổ chức trên 80 cuộc tuyên truyền về Luật Trẻ em, phòng chống ma túy học đường, kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo lực, tự bảo vệ, về Tổng đài tư vấn miễn phí 18008080 cho trên 30.000 học sinh. Qua đó, học sinh được cung cấp thêm nhiều kiến thức bổ ích liên quan đến vấn đề xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích và cách phòng tránh những tình huống trên. Đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm hỗ trợ của cả cộng đồng, xã hội trong việc bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em; khuyến khích việc phát hiện, lên tiếng, thông báo, tố cáo hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.
Với sự tích cực xây dựng, mở rộng và phát triển nghề công tác xã hội, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội  tỉnh Thái Nguyên đã chăm lo cho các đối tượng yếu thế và nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ trên địa bàn tỉnh, cung cấp một cách đầy đủ nhất các dịch vụ xã hội đến với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cộng đồng, đặc biệt đã kết nối và tạo cho trẻ có được môi trường sống tốt hơn, có điều kiện để hoà nhập và phát triển toàn diện hơn, góp phần ngăn cản các nguy cơ đe dọa đến cuộc sống của trẻ./.

Minh Hằng
TAG:
Tin khác
Dữ liệu giám sát hành trình ôtô sẽ do Cục CSGT quản lý
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả