Doanh nghiệp
Trang chủ / Kinh tế / Doanh nghiệp
Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới
11:29 PM 28/04/2023
(LĐXH)- Đó là chủ đề Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023 diễn ra sáng ngày 28/4/2023. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tham dự và chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của hơn 300 đại biểu, trong đó có các Thương vụ Việt Nam ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ; đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và đại diện các địa phương trên cả nước.
Phát biểu dẫn đề Hội nghị, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, suy giảm tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn khiến xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Quý I/2023 chỉ đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%. Nửa đầu tháng 4/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 26 tỷ USD, giảm 15% so với nửa cuối tháng 3/2023 và giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023

Trước tình hình trên, Chính phủ đã ban hành Công điện số 238, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” tại TP. Hồ CHí Minh ngày 25/4 vừa qua. Trong đó, Bộ Công Thương đang thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu trong đó hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất nhập khẩu, khai thác các thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, khai mở thị trường mới để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu trong nước.
Trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu đến các thị trường lớn đều sụt giảm nhưng thị trường Trung Quốc 3 tháng đầu năm vẫn có tín hiệu khả quan do: Thị trường Trung Quốc mới mở cửa trở lại sau gần 3 năm gián đoạn; Thị trường này dần hồi phục và có nhu cầu lớn; Hiệp định RCEP đã bắt đầu phát huy tác dụng và Trung Quốc là thành viên có vị trí gần Việt Nam, do đó kim ngạch thương mại 2 chiều vẫn tăng trong thời gian qua.
“Hội nghị này tập trung bàn thảo giải pháp, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hoá với thị trường Trung Quốc trong bối cảnh đặc biệt hiện nay nhằm bù đắp cho các thị trường khác trên thế giới”, ông Vũ Bá Phú cho biết.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phân tích: Năm 2022, GDP của Trung Quốc đã đạt đến mức trên 135.000 tỷ Nhân dân tệ; tương đương với 19.605 tỷ USD, xếp thứ 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ đạt 23.000 tỷ USD. Hiện, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta, bởi Việt Nam nhập khẩu lớn nhất là từ Trung Quốc. Về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc xếp thứ hai; thứ nhất là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Việt Nam luôn là nước nhập siêu của Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị
Trung Quốc hiện vẫn là nước đông dân nhất thế giới, gấp hơn 14 lần dân số nước ta. Đây là nước sở hữu rất nhiều tài nguyên, khoáng sản. Trung Quốc có chung đường biên giới, cả trên bộ và trên biển và thậm chí là đường hàng không với Việt Nam. Trung Quốc có truyền thống văn hóa, tập quán tiêu dùng tương đồng với người Việt và cũng đã có quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam từ ngàn đời nay. Trung Quốc cũng đã có thỏa thuận hợp tác song phương với chúng ta và là thành viên trong các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Việt Nam - Trung Quốc, ASEAN, Trung Quốc, RCEP... Như vậy, chúng ta khẳng định rằng, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn là ưu tiên trong chính sách thương mại.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, cần lưu ý thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, không phải cái gì thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận, không phải hàng hóa nào, tiêu chuẩn nào người Trung Quốc cũng chấp nhận - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và cho biết các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, hàng hoá của chúng ta cũng đối diện với sự cạnh tranh. Đặc biệt, khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau Covid-19 thì đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức rất lớn đối với chúng ta. Như vậy, chúng ta phải nhận diện trúng, đánh giá đúng tình hình thị trường Trung Quốc hiện nay, để khai thác thế mạnh và lợi thế đối với thị trường này.

Hiệp hội ngành hàng tham gia Hội nghị chia sẻ nhận định, đánh giá, kinh nghiệm trong quá trình tham gia giao lưu thương mại với Trung Quốc

Tại Hội nghị, ông Ninh Thành Công - Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông tin: Thời gian qua hợp tác thương mại Việt Nam Trung Quốc vẫn duy trì được tăng trưởng là nhân tố quan trọng đóng góp cho quan hệ song phương. Đạt được kết quả đó có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, Bộ ngành, địa phương Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, dẫn đến nhiều khó khăn trong duy trì kim ngạch thương mại hai bên.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc nhận thấy, trong quý I/2023 tình hình hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khó khăn, suy giảm 5%. Tuy nhiên so với các đối tác khác, suy giảm của Việt Nam ở mức nhẹ.
Việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc còn nhiều tiềm năng khi thị trường này mở cửa trở lại, nội nhu cao, dư địa ở khu vực miền Tây và miền Đông của Trung Quốc chưa được khai thác hết.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc còn nhiều khó khăn do: Địa chính trị trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu tại Trung Quốc chưa thực sự khôi phục; dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Đây là những yếu tố tác động đến thương mại giữa hai nước.
Theo ông Ninh Thành Công “Hội nghị ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc trao đổi thông tin và bàn thảo giải pháp để mở rộng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đại sứ quán Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành và sẽ hết sức hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong nước chủ động triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế, quảng bá thương hiệu, mở rộng xuất khẩu, giải quyết vướng mắc đóng góp vào thương mại hai nước”./.
Thảo Lan
TAG: xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thị trường Trung Quốc giao ban xúc tiến thương mại hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023
Tin khác
Dulux Professional đánh dấu năm thứ 8 đồng hành và thúc đẩy phát triển bền vững cùng giải thưởng BĐS Việt Nam PropertyGuru
Dai-ichi Life Việt Nam vinh dự đạt danh hiệu “Doanh nghiệp vì cộng đồng - Saigon Times CSR” lần thứ 6 liên tiếp
 Tăng cường quảng bá các sản phẩm thiết kế thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Thủ đô
Việt Nam trước cơ hội vàng trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu
Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình triển khai chuyển đổi kép
Tổng cục Hải quan ban hành chỉ thị về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong khi thi hành công vụ
Gian hàng  của Liên minh châu Âu (EU) tại Triển lãm Vietnam Foodexpo 2024 trưng bày hơn 200 thực phẩm xuất sắc của EU
Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa
Mua căn hộ Sun Group tại Hà Nam, hưởng 1.001 tiện ích đẳng cấp