Triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín
(LĐXH)- Từ ngày 3 - 5/11/2023, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Thường Tín (Hà Nội) tổ chức triển lãm "Các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo năm 2023".
Sự kiện thu hút sự tham gia của hàng trăm tác phẩm thủ công, mỹ nghệ độc đáo, giúp công chúng có cái nhìn mới mẻ và sâu sắc về khả năng sáng tạo và tài năng của các nghệ nhân và thợ thủ công đến từ các làng nghề truyền thống trong huyện Thường Tín, Hà Nội.
Triển lãm đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giới thiệu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của hơn 50 cơ sở sản xuất và kinh doanh thuộc huyện Thường Tín. Các sản phẩm trưng bày bao gồm đủ loại hình, từ gốm sứ, thêu thùa, điêu khắc, đúc đồng đến các loại sản phẩm làm từ gỗ và nhiều nguyên liệu khác. Điều này thể hiện sự đa dạng và phong phú trong nguồn tài nguyên và kỹ thuật truyền thống của huyện Thường Tín.
Phát biểu tại lễ khai mạc, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội đặt mục tiêu có trên 10.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ từ chương trình khuyến công, tạo việc làm cho 50.000 lao động nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng bình quân 5 - 8%/năm, đạt 550 triệu USD vào năm 2025...
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản chia sẻ: "Thường Tín là vùng đất trăm nghề, và cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện luôn coi trọng việc phát triển tiểu thủ công nghiệp và phát triển làng nghề truyền thống là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế địa phương.
Triển lãm này là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta cùng nhau tôn vinh những sản phẩm xuất sắc của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, và duy trì và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống".
Thường Tín được biết đến không chỉ là vùng đất danh hương, khoa bảng mà còn là đất trăm nghề, toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống và 1 làng nghề Hà Nội.
Trên địa bàn huyện có 4 tổ nghề (nghề thêu (Lê Công Hành); tiện gỗ (Đoàn Tài); sơn ta - sau phát triển thành sơn mài (Trần Lư); lược sừng) được thờ tại các làng nghề truyền thống; 35 nghệ nhân được nhà nước và các tổ chức phong tặng, trong đó có 3 nghệ nhân nhân dân, 5 nghệ nhân ưu tú và 27 nghệ nhân Hà Nội; có 2 Hiệp hội làng nghề và 12 Hội làng nghề.
Trong cuốn danh mục di sản văn hóa Hà Nội, Thường Tín có 129 di sản, thì 19 di sản là nghề thủ công truyền thống. Nhiều làng nghề nổi tiếng hình thành từ rất sớm mà tên làng gắn liền với sản phẩm của nghề như: Lược sừng Thụy Ứng; bánh dày Quán Gánh; sơn mài Hạ Thái; thêu Quất Động, Thắng Lợi, Dũng Tiến; tiện Nhị Khê; điêu khắc gỗ, đá Nhân Hiền; gỗ mỹ nghệ Vạn Điểm…
Đặc biệt, nghề thêu phục chế trang phục cung đình ở làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Với vị trí địa lý là cửa ngõ phía Nam của kinh thành Thăng Long xưa, những sản phẩm thủ công của Thường Tín làm ra đều được bày bán ở 36 phố phường Hà Nội như hàng tiện gỗ được bán ở phố Tô Tịch, phố Hàng Trống, các hàng thêu được bán ở các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào...
Triển lãm "Các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo năm 2023" không chỉ mang lại cơ hội cho những người yêu nghệ thuật tham quan và mua sắm các sản phẩm thủ công độc đáo mà còn giúp thúc đẩy ngành công nghiệp thủ công và nghệ thuật truyền thống trong huyện Thường Tín./.
Thảo Lan