Với điều kiện địa hình không thuận lợi cho đi lại, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng công tác trẻ em luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ngành, đặc biệt là trong hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tỉnh Yên Bái đã tổ chức duy trì và nhân rộng các Câu lạc bộ trẻ em, giúp cho trẻ em có các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tỉnh cũng tiếp tục vận hành đường dây nóng bảo vệ trẻ em của tỉnh Yên Bái 18001776 đặt tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội, tuyên truyền tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111. Tiếp nhận và can thiệp các trường hợp trẻ em có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại kịp thời hỗ trợ tâm lý, tinh thần, thể chất và sớm hòa nhập, ổn định cuộc sống trở lại.
Tỉnh Yên Bái cũng đã có nhiều chính sách quan tâm, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua lồng ghép các hoạt động công tác xã hội góp phần đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền trẻ em; nâng cao nhận thức, cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình và xã hội trong việc thực hiện các quyền của trẻ; quan tâm, tạo điều kiện để mọi trẻ được an toàn, lành mạnh. Hiện nay, Yên Bái đang duy trì mô hình Kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại huyện Văn Yên (xã Yên Phú, An Thịnh), huyện Văn Chấn (xã Cát Thịnh, Sơn Thịnh), huyện Lục Yên (xã Minh Xuân và thị trấn Yên Thế); nhân rộng mô hình tại huyện Yên Bình. Tỉnh đã hình thành đội ngũ cộng tác viên và nhân viên công tác xã hội, ban điều phối kết nối các dịch vụ, chính sách cung cấp cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nhằm đảm bảo các nhu cầu thiết yếu và nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội Yên Bái đang triển khai dịch vụ chăm sóc, giáo dục cho trẻ em có hội chứng tự kỷ trên địa bàn tỉnh (bao gồm trẻ bị rối nhiễu tâm trí, trẻ mắc hội chứng tự kỷ, trẻ khuyết tật), hoạt động này từng bước đáp ứng nhu cầu của các gia đình và tạo môi trường phù hợp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt được phát triển. Nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động, Trung tâm đã có nhiều đổi mới, từ cơ sở vật chất đến khoa học trong phương pháp làm việc. Trung tâm không chỉ đầu tư về trang thiết bị, đồ dùng học tập, vui chơi mà các em còn được hưởng thụ sự giáo dục, chăm sóc của đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên môn sâu với chương trình giáo dục và phương pháp can thiệp đặc thù cho trẻ. Qua đó, giúp các em điều chỉnh được hành vi, nâng cao được nhận thức và sớm có sự tiến bộ. Tại đây, các em được sắp xếp, bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt phù hợp; các cán bộ trung tâm tư vấn, hỗ trợ cho gia đình trong việc phối hợp chăm sóc, giáo dục con cái; cùng với đó, trung tâm thực hiện các hoạt động can thiệp, trị liệu theo phương pháp giáo dục đặc biệt, phù hợp với từng trẻ.
Song song với hoạt động nuôi dưỡng tập trung, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh còn đẩy mạnh, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động CTXH, quản lý, trợ giúp các trường hợp tại cộng đồng để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, xác định khó khăn, nhu cầu để xây dựng kế hoạch giải quyết từng vướng mắc của những người yếu thế. Đồng thời, chủ động tiếp cận để động viên, sẻ chia về tinh thần cũng như kết nối tới các tổ chức thiện nguyện giúp những hoàn cảnh khó khăn. Riêng mô hình dưỡng lão tự nguyện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc người cao tuổi của tỉnh do Trung tâm thực hiện. Việc quản lý, trợ giúp các trường hợp tại cộng đồng là một trong những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh tỉnh, giúp phát hiện và hỗ trợ những cá nhân, gia đình, nhóm người gặp khó khăn, yếu thế trong xã hội. Đồng thời, kết nối với các nguồn lực từ địa phương và các tổ chức xã hội để giúp đỡ đối tượng./.
Nguyễn Đăng Doanh