An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Triển khai Luật ATVSLĐ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ
11:05 AM 29/06/2017
(LĐXH) - Thời gian qua, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có những chuyển biến tích cực, nhiều doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy chế được quy định; Các máy, thiết bị, dụng cụ lao động cũng được quan tâm, đầu tư...
Trong 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp của tư nhân và hộ sản xuất cá thể tiểu thủ công nghiệp đã có sự chuyển biến đáng kể trong sử dụng các máy, thiết bị và dụng cụ lao động. Tỷ lệ máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được sử dụng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ khá cao, chiếm 31,4% tổng số máy, thiết bị được thống kê, chủ yếu là nồi hơi (8.17%) và máy nén khí (5.48%).
Trong giai đoạn 2011-2015, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức 198 khóa tập huấn ATVSLĐ cho 14.850 lượt lao động trong các doanh nghiệp; đã có 9.103 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ với hiệu quả từ thay đổi bộ máy tổ chức nhân sự đến áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật để cải thiện điều kiện lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm công tác đảm bảo ATVSLĐ, cụ thể như: Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tư nhân vi phạm các quy định pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: kéo dài ca làm việc quá 8 giờ không cần thoả thuận, giảm giờ nghỉ giữa ca; huy động công nhân làm việc cả 7 ngày trong tuần. Một số doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian lao động của công nhân bằng cách đưa ra định mức lao động quá cao, buộc người lao động phải làm việc từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày mới xong, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ người lao động; Tỷ lệ cơ sở có Hội đồng bảo hộ lao động, mạng lưới an toàn vệ sinh viên thấp; Người sử dụng lao động mới chỉ chú trọng đến trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, bồi dưỡng chống độc hại bằng hiện vật; Thực hiện quy định về báo cáo công tác bảo hộ lao động, tình hình TNLĐ, BNN trong doanh nghiệp không thường xuyên...
Còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chưa thực hiện nghiêm công tác ATVSLĐ
Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất - tổ chức lao động không hợp lý, công nghệ sản xuất và tổ chức lao động tại các cơ sở sản xuất tư nhân còn rất lạc hậu, đặc biệt là các cơ sở sản xuất gạch, ngói, vôi, xi măng, khai thác đá, đúc kim loại, sản xuất tàu thuyền... lao động thủ công chiếm tới 70 - 80 %, và có tới gần 80% các khâu trong dây chuyền công nghệ mà người lao động phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, vất vả; Hầu hết các cơ sở sản xuất đều không có hệ thống thông gió, hút bụi, xử lý hơi khí độc trong nhà xưởng, ngay cả các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều hoá chất, nhiều chất dễ cháy, dễ nổ (a xít, xút, cao su, xà phòng, đồ nhựa...); các cơ sở sản xuất các loại vật liệu xây dựng; Tuy tỷ lệ máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được sử dụng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ khá cao, chiếm 31,4% tổng số máy, thiết bị được thống kê, nhưng có tới 21,59% các máy, thiết bị  có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ đang sử dụng nhưng chưa khai báo; 42,54% máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ chưa được kiểm định, cấp phép sử dụng... Đến nay chưa có thống kê về tình hình TNLĐ, BNN trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Triển khai Luật ATVSLĐ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ông Nguyễn Việt Đức - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ) cho biết: Trước thực trạng trên, nhằm hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp thành viên trong thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ đã lập kế hoạch để triển khai Luật ATVSLĐ cho các hoạt động trước mắt cũng như định hướng lâu dài, lồng ghép cùng các hoạt động thường xuyên liên tục của Hiệp hội. Cụ thể như sau:
Thứ nhất: Triển khai tư vấn, hỗ trợ pháp luật về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động. Mục tiêu của Hiệp hội là trong năm 2017, tại mỗi tỉnh/ thành, phải tổ chức được ít nhất 1 lớp tuyên truyền, tư vấn về pháp luật ATVSLĐ cho đối tượng là người sử dụng lao động. Và người lao động các doanh nghiệp thành viên sẽ được hỗ trợ tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ lồng ghép với các chương trình hỗ trợ khác, từ đó giúp người lao động hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình, tránh xảy ra các vụ việc đình công, lãn công... liên quan đến pháp luật về lao động nói chung và ATVSLĐ nói riêng.
Thứ hai: Triển khai hỗ trợ doanh nghiệp thành viên xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ. Hệ thống quản lý ATVSLĐ là tập hợp các yếu tố có quan hệ trong doanh nghiệp theo một quy luật, chỉnh thể nhằm phục vụ cho mục tiêu bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động. Nó chính là công cụ hữu hiệu giúp cho người sử dụng lao động và người lao động kịp thời đối phó với những thay đổi về ATVSLĐ trong thực tế sản xuất. Hay nói cách khác, hệ thống quản lý ATVSLĐ chính là công cụ, biện pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động không ngừng cải thiện điều kiện lao động và hoàn thiện công tác quản lý ATVSLĐ. Hệ thống quản lý ATVSLĐ cũng là điều kiện tất yếu giúp doanh nghiệp tham gia vào thị trường quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng chủ động các yêu cầu pháp luật về ATVSLĐ. Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ đã lập kế hoạch hỗ trợ triển khai xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ, tập trung vào hai hệ thống quản lý chính là: Hệ thống quản lý ATVSLĐ ILO-OHS 2001 và Hệ thống quản lý ATVSLĐ theo tiêu chuẩn Ohasas 18001-2007.
Thứ ba: Triển khai xây dựng bộ máy tổ chức phụ trách công tác ATVSLĐ của Hiệp hội, bao gồm các nội dung: Thành lập mới hoặc bổ sung chức năng hỗ trợ công tác ATVSLĐ cho một đơn vị mới. Đơn vị này có chức năng thay mặt, tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo Hiệp hội trong triển khai các hoạt động ATVSLĐ như: Công tác tuyên truyền, tổ chức hội nghị, hội thảo về ATVSLĐ, thông tin, hỗ trợ cho doanh nghiệp thành viên về kỹ thuật, pháp luật, xây dựng tài liệu hỗ trợ, các dịch vụ về ATVSLĐ (như cho thuê giám sát, huấn luyện ATVSLĐ, kiểm định máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, tư vấn xây dựng hệ thống quản lý...); Thành lập câu lạc bộ chuyên trách, bán chuyên trách về ATVSLĐ, giúp cho các doanh nghiệp thành viên có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau các nội dung liên quan đến công tác ATVSLĐ và cũng là một kênh để thu thập các thông tin về ATVSLĐ của Hiệp hội từ đó đưa ra các định hướng phù hợp cho các hoạt động; Xây dựng đội ngũ chuyên gia về ATVSLĐ. Với bản chất là hiệp hội đa ngành nghề nên nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật về ATVSLĐ cũng rất đa dạng. Hiện nay đội ngũ chuyên gia ATVSLĐ của Hiệp hội chủ yếu được trưng tập tại các doanh nghiệp, đơn vị thành viên nên trình độ còn hạn chế chưa có chuyên gia chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Với mạng lưới các hội thành viên rộng khắp cả nước, vì vậy rất cần thiết phải xây dựng đội ngũ chuyên gia rộng khắp và chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu của các thành viên, trong đó mục tiêu là mỗi hội viên tại các tỉnh, thành phải có ít nhất 01 chuyên gia về Luật ATVSLĐ, xây dựng đội ngũ chuyên gia về kỹ thuật ATVSLĐ với đầy đủ các ngành nghề chuyên sâu, từ đó là nòng cốt để triển khai các hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp thành viên.
Thứ tư: Triển khai các hoạt động tuyên truyền. Kế hoạch triển khai các hoạt động tuyên truyền về ATVSLĐ có các nội dung sau: Đưa nhiệm vụ tuyên truyền về ATVSLĐ vào trong các chương trình nghị sự của Trung ương Hiệp hội, các hội thành viên, có đánh giá sơ kết, tổng kết hàng năm và đưa ra kế hoạch nhiệm vụ của các kỳ tiếp theo; Giao nhiệm vụ đầu mối cho một Trung tâm với tư cách là đơn vị sự nghiệp thuộc Hiệp hội để thực hiện việc tham mưu cho Hiệp hội về công tác hỗ trợ hội viên về ATVSLĐ, đồng thời làm đầu mối huy động nguồn lực, chuyên gia triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về ATVSLĐ; Tổ chức thông tin, tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ, các điểm mới của Luật ATVSLĐ năm 2015 trên các kênh thông tin của Hiệp hội như báo điện tử, báo giấy...; Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về ATVSLĐ, từ đó chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cho các thành viên Hiệp hội; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về công tác ATVSLĐ, tạo ra sân chơi và cơ hội giao lưu cho các thành viên
Thứ năm: Tìm kiếm hỗ trợ nguồn lực để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Với đặc trưng của doanh nghiệp Nhỏ và vừa rất yếu và thiếu các nguồn lực để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, từ đó Hiệp hội rất cần các nguồn hỗ trợ để tổ chức thực hiện tốt công tác ATVSLĐ cho các hội viên, xây dựng các mô hình điểm.
Cảnh Minh
TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững