Triển khai các giải pháp ngăn chăn tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến trẻ em
LĐXH - Ngày 8/9, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội nghị trực tuyến để đánh giá và tiếp tục triển khai các giải pháp bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, kịp thời ngăn chặn tác động tiêu cực của đại địch COVID-19 đến trẻ em. Hội nghị có sự tham gia của các bộ, ngành, tổ chức và 20 tỉnh, thành phố đang hoặc đã là điểm nóng của đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đánh giá các chính sách hỗ trợ cho trẻ em là F0, F1, phụ nữ đang mang thai, người nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Trên 108 nghìn người lớn và trẻ F1 được hỗ trợ tiền ăn với gần 116 tỷ đồng. Ngay từ tháng 4/2020, Bộ, UNICEF và các tổ chức đã xây dựng, phát hành 13 đầu tài liệu, 200 ngàn ấn phẩm truyền thông được biên soạn và phát hành đến các khu cách ly tập trung, gia đình và cộng đồng, hàng trăm bài báo, chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội; hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội cho trẻ em sớm được quan tâm triển khai… Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã ký ban hành Công điện số 04/CĐ-LĐTBXH chỉ đạo các địa phương tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch COVID-19 và phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, tính đến ngày 31/8/2021 có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334 trẻ em. Ở phạm vi rộng hơn, trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do nhiều trẻ em phải học trực tuyến dài ngày, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng, nhiều trẻ em rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân thích chăm sóc do cha, mẹ hoặc chính trẻ em phải điều trị, cách ly để phòng, chống lây nhiễm COVID-19. Đặc biệt, trong đợt dịch lần 4 này tại Thành phố Hồ Chí Minh, có gần 250 trẻ em bị mồ côi cha mẹ hoặc cha hoặc mẹ... Một số cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương bắt đầu bị dịch bệnh xâm nhập nguy, có nguy cơ lây lan sang nhiều em khác. Trong và sau đại dịch, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, lao động trẻ em, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có nguy cơ gia tăng.
Điểm từ các nguồn số liệu đáng báo động, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đề xuất UBND tỉnh, thành phố ưu tiên chăm sóc, điều trị các trường hợp trẻ em F0, F1; ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ quản lý, người chăm sóc trẻ em của các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung; sớm nghiên cứu, sản xuất vắc xin cho trẻ em.
Tại đầu cầu Đà Nẵng, ông Trần Công Nguyên, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố nhấn mạnh: “Khó khăn trong bối cảnh COVID-19 là vô cùng, nhất là khi phong tỏa nên dù cố gắng đến đâu cũng không thể đáp ứng hết tất cả các nhu cầu toàn diện cho trẻ em được mà chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản. Vì thế, Đà Nẵng đề xuất tiêm vắc xin cho trẻ em để mở cửa trường học, khu vui chơi, các dịch vụ cho trẻ em mới có điều kiện thực hiện các biện pháp tiếp theo”. Ngoài ra ông Nguyên cũng kiến nghị các bộ, ngành có giải pháp bảo vệ trẻ em khi học tập, giải trí trên Internet an toàn vì Đà Nẵng đã có trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng.
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, nơi dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp cho biết, thời gian qua, toàn thành phố đã ưu tiên mọi nguồn lực để thực hiện hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em bị ảnh hưởng COVID-19. Địa phương đã xây dựng các giải pháp, mã QR Code trên mạng xã hội để hỗ trợ trẻ em khó khăn do COVID-19, cung cấp dịch vụ bảo vệ - chăm sóc trẻ em, đưa những hộ có phụ nữ mang thai về quê sinh con… Thời gian tới, cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê và cập nhật thường xuyên các vấn đề trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19 để đánh giá tình hình và kịp thời chỉ đạo địa phương xây dựng các giải pháp can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em an toàn trong khu phong tỏa, khu cách ly tạm thời. Cùng với đó, kết nối các dịch vụ xã hội sẵn có từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố và đàm phán với các dự án để chuyển đổi hoạt động sang hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em, cho gia đình trẻ đảm bảo việc cung cấp dịch vụ kịp thời, phù hợp.
Bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện UNICEF nêu rõ, lợi ích tốt nhất, quyền và sự bảo vệ tốt nhất của trẻ em phải được ưu tiên trong mọi chính sách, quyết định và hướng dẫn liên quan đến các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 – lấy trẻ em làm trung tâm. Các chiến dịch truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng cần được tiếp tục. Cán bộ, nhân viên tuyến đầu tiếp xúc với trẻ em cần được trang bị khẩn cấp kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em.
TS. Annie Chu, tổ chức WHO cũng đưa ra lời khuyên: “Điều quan trọng vẫn là chúng ta phải dạy trẻ các biện pháp phòng ngừa cơ bản, như giữ khoảng cách an toàn, tránh đám đông và tiếp xúc gần, đeo khẩu trang đúng cách và thường xuyên rửa tay…”.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Ngọc (Bộ Y tế) cho biết, sắp tới ngành Y tế sẽ tăng cường năng lực về bảo vệ trẻ em trong các khu cách ly, hướng dẫn việc chăm sóc sức khỏe tâm thần, hạn chế bạo lực, xâm hại trẻ em.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, dịch bệnh COVID-19 đã, đang ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có trẻ em. Trẻ bị ảnh hưởng về mọi mặt đời sống, sức khỏe, tinh thần; các em dễ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt do bị cách ly, bị mất môi trường gia đình và người chăm sóc. Các vấn đề về tâm lý xã hội, gia đình và suy giảm kinh tế phát sinh do đại dịch có nguy cơ gia tăng trẻ em bị bạo lực, xâm hại và bóc lột. Các mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em trung hạn và dài hạn cũng đang bị thách thức do đại dịch COVID- 19.
Để vượt qua những thách thức, tác động tiêu cực trước mắt và lâu dài của đại dịch đến việc bảo đảm quyền trẻ em, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương quan tâm triển khai thực hiện trách nhiệm đối với trẻ em theo quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các nhóm giải pháp, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định, tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn, phòng, chống lây nhiễm Covid-19 cho trẻ em. Các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em phải xây dựng các phương án, kịch bản phòng ngừa lây nhiễm COVID- 19, ứng phó khi cơ sở có trường hợp trẻ em hoặc người chăm sóc trẻ em trở thành F0, F1.
Cần ưu tiên điều trị, chăm sóc trẻ em bị nhiễm COVID-19 tại các cơ sở y tế; trẻ em phải cách ly để phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung. Thứ trưởng chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố có số lượng lớn trẻ em không có cha, mẹ, người thân chăm sóc do dịch COVID-19 cần triển khai việc thiết lập các cơ sở bảo trợ xã hội chuyên trách tiếp nhận, chăm sóc thay thế trẻ em.
Cùng với đó, triển khai kịp thời, đơn giải hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người lao động mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi, trẻ em là F0, F1, trẻ em bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nhận được các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hỗ trợ bổ sung của địa phương.
Cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục, đặc biệt cấp tiểu học, trung học cơ sở triển khai việc lồng ghép, trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng về bảo đảm an toàn, phòng chống xâm hại, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội trong đại dịch COVID-19 vào các tiết học trực tuyến theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phát động phong trào xã hội ủng hộ mua tặng thiết bị kết nối internet cho trẻ em thiếu điều kiện học tập trực tuyến.
Hình thành và kết nối, mở rộng mạng lưới dịch vụ công lập và tình nguyện về hướng dẫn, cung cấp trực tuyến và trực tiếp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội. Xây dựng, tổ chức các chuyên mục phổ biến kiến thức, kỹ năng, các sân chơi, cuộc thi, trò chơi, bài tập rèn luyện thể chất và tình thần cho trẻ em và gia đình trên truyền hình, trên môi trường mạng.
Cập nhật, phổ biến đến từng hộ gia đình bằng mọi phương thức và trên mọi kênh truyền thông, thông tin các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội; phòng ngừa, xử trí các trường hợp bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, tai nạn, thương tích trẻ em.
Thứ trưởng đề nghị WHO và UNICEF viện trợ; Bộ Y tế nhập khẩu và nghiên cứu, sản xuất vaccine cho trẻ em; các địa phương tổ chức tiêm vaccin kịp thời ngay khi có thể.
Thực hiện việc nghiên cứu, đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến quyền trẻ em và các mục tiêu trung, dài hạn về phát triển toàn diện trẻ em để làm cơ sở xây dựng các chính sách, kế hoạch đặc thù, thực hiện giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em sau đại dịch. Chuẩn bị ban hành các quy định pháp luật, chính sách, kế hoạch tổng thể, quy trình, tiêu chuẩn ứng phó, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong tình trạng khẩn cấp, đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh./.
Đăng Doanh
TAG: