Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Tri ân người có công trên mảnh đất khởi phát ngày Thương binh – Liệt sĩ
06:15 AM 23/08/2022
(LĐXH)- Huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi chứa đựng những tình cảm sâu nặng của con người với con người khi đất nước có chiến tranh. Nơi đây chính là địa điểm công bố Ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc (27/7) tại xóm Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ luôn phát huy truyền thống đoàn kết, khí phách anh hùng cách mạng, xây dựng và phát triển Đại Từ trở thành một trong những huyện có bề dày lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Thái Nguyên. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đại Từ vừa là vùng an toàn khu, vừa là “cửa ngõ” Thủ đô kháng chiến, chở che, đưa đón cán bộ cách mạng, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng chấn động địa cầu...

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thăm và tặng quà gia đình chính sách, người có công tại xã Phục Linh (huyện Đại Từ) dịp 27/7/2022

Một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất ở Đại Từ đó là Địa điểm công bố Ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc tại xóm Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn. Tại đây, 75 năm trước, đã diễn ra một cuộc mít tinh trọng thể gồm 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ ở nước ta. Ngày 27/7/1947 đã ghi dấu một kiện quan trọng, chính thức trở thành ngày mà tất cả người dân, cơ quan, đoàn thể trong cả nước bày tỏ tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ.  
Sở dĩ Bác Hồ chọn nơi đây để tuyên bố sự ra đời ngày Thương binh - Liệt sỹ bởi huyện Đại Từ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đồng thời là nơi chứa đựng những tình cảm sâu nặng của con người với con người khi đất nước có chiến tranh, nhân dân địa phương đã dấy lên phong trào ủng hộ thương binh rất rầm rộ.
Có nhiều tấm gương sáng, điển hình như bà Nguyễn Thị Đích (thường gọi là bà Bá Huy). Cuối năm 1947, Phòng Thương binh - Cục Chính trị - Bộ Quốc phòng về đóng trụ sở ở nhà bà, quân số lên đến gần 100 người, chỗ ăn, chỗ ở, chỗ chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhận được sự khuyến khích, động viên, bà Bá Huy đã giúp thương binh 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu, vận động nhân dân trong xóm, trong làng làm 10 gian nhà tre và các nguyên vật liệu khác để lập Trại An dưỡng đường, gọi là Trại An dưỡng đường số I để nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh. Đây cũng chính là cơ sở nuôi dưỡng thương binh đầu tiên ở nước ta.
Hay như gia đình cụ Đặng Văn Ẩm (còn gọi là Tổng Ẩm), ông Ẩm là người rất cần cù lao động nên gia đình cũng khá giả. Ngoài dinh cơ ở trong làng, gia đình ông còn khai phá khu đầm Tàu Voi để chăn nuôi trâu bò và thả cá. Khi cụ Vũ Năng Tĩnh là cán bộ lên đặt vấn đề xin giúp đỡ xây dựng Trại An dưỡng đường, ông đã nhường toàn bộ khu trang trại này cho anh em thương binh. Tất cả gồm tám gian nhà, năm mẫu ruộng, bốn con bò và nhiều thóc gạo. Bà con noi theo gương ông cũng hết lòng đem công sức và của cải giúp đỡ anh em. Đó là những việc làm đầy tình nghĩa, nêu cao tinh thần yêu nước, thương nòi, tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Cũng từ đó, Đại Từ là địa danh khởi nguồn của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Và cho đến tận ngày nay, cứ mỗi dịp 27/7, cả nước lại hướng về Di tích 27/7 để tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ với lòng thành kính. Người dân Đại Từ vẫn luôn tự hào về nơi phát tích ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ở đây được đặt bát hương thờ các Anh hùng liệt sĩ toàn quốc - là nơi hội tụ những anh linh hào kiệt của dân tộc.
Đến nay, Đại Từ có tổng cộng 32 công trình tưởng niệm liệt sĩ, gồm: 1 Đài tưởng niệm Liệt sỹ của huyện, 1 Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 và 27 công trình nghĩa trang liệt sỹ, 03 đài tưởng niệm của các xã, thị trấn. Các công trình ghi công liệt sỹ cơ bản đã được nâng cấp, tu bổ.
Toàn huyện Đại Từ hiện có trên 15.000 hộ gia đình chính sách, người có công. Nhiều năm qua, phát huy đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đại Từ đã xác định công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng vừa là trách nhiệm lớn lao, vừa là tình cảm sâu sắc, đạo lý cao cả, thắm đượm nghĩa tình với những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Địa phương luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân và giáo dục truyền thống cách mạng, sự hy sinh, cống hiến to lớn của các thế hệ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, chăm sóc người có công bằng nhiều hoạt động hiệu quả và thiết thực.

Huyện Đại Từ tổ chức biểu dương, khen thưởng tập thể và cá nhân có thành tích trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công với cách mạng”, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân người có công với cách mạng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền ở Đại Từ quan tâm thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực.
Chỉ tính riêng trong 5 năm (2017-2022), toàn huyện đã hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 2.164 nhà ở cho người có công, với số tiền trên 54 tỷ đồng. Công tác thăm hỏi và tặng quà người có công nhân dịp lễ, Tết được Đại Từ đặc biệt quan tâm thực hiện. Đến cuối năm 2021, 100% hộ nghèo có thành viên thuộc là người có công đã thoát nghèo…
Điều đáng mừng là thông qua những chính sách hỗ trợ tích cực của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Thái Nguyên và địa phương, đến nay, 100% hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sỹ trên địa bàn huyện Đại Từ có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của nhân dân cùng địa bàn cư trú; 100% số xã, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Đặc biệt, điều đáng chân quý là dù bị thương tật nặng, di chứng chiến tranh hành hạ khi trái gió trở trời, song hàng trăm anh chị em thương, bệnh binh ở Đại Từ đã nêu cao truyền thống Bộ đội cụ Hồ, “tàn nhưng không phế”, nỗ lực vươn lên, góp phần xây dựng quê hương Đại Từ ngày càng giàu đẹp.
Với truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đại Từ sẽ mãi giành cho các gia đình chính sách, người có công bằng tấm lòng và trách nhiệm tri ân sâu sắc.

Nguyễn Quang Minh

TAG:
Tin khác
Phát triển năng lực trẻ em - Hành động vì tương lai
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Hỗ trợ 60 triệu đồng cho hộ người có công khi xây mới nhà ở
Hiệu quả từ Kỳ họp giả định Hội đồng nhân dân trẻ em tỉnh Yên Bái
Vĩnh Long thực hiện hiệu quả các dự án giảm nghèo
Bắc Giang: Chung tay chăm lo đời sống người có công
Quảng Ninh: Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế
Yên Bái đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát
Phụ nữ Nam Định với phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa'