Trẻ học được gì qua những truyện kể dân gian?
(LĐXH)-Không chỉ là bộ truyện kể đơn thuần, “Ươm mầm tư duy qua truyện kể dân gian” còn là “liều thuốc bổ” cho tâm hồn thiếu nhi, giúp các em lớn lên với bao điều tốt đẹp.
Kho tàng truyện kể dân gian từ bao đời nay đã là mạch suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng thuộc lòng những câu chuyện cổ tích hay ngụ ngôn qua lời kể của bà, của mẹ; để rồi từ đó ấp ủ mong muốn khi trưởng thành và làm cha mẹ, sẽ được kể lại những câu chuyện đó cho các con của mình.
Thế nhưng các bậc phụ huynh thời nay, với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, thật khó có thể lên kế hoạch để kể chuyện cho con nghe mỗi tối. Thấu hiểu được điều đó, bộ sách “Ươm mầm tư duy cho thiếu nhi” được biên soạn với mục đích trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ cha mẹ hiện đại trong việc truyền đạt những câu chuyện cổ tích, sự tích và ngụ ngôn cho các con.
Ngày nay, trẻ em tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá nhiều, hình thức giải trí chủ yếu của trẻ là các trò chơi công nghệ và vận động. Đó cũng là lý do trẻ nhỏ dần xa rời những hoạt động bổ ích và nhẹ nhàng như đọc sách, kể chuyện, vẽ tranh.
Do đó, bộ sách “Ươm mầm tư duy qua truyện kể dân gian” còn được biên soạn với mục đích từng bước đưa trẻ quay trở lại với thói quen đọc sách thông qua việc khơi gợi niềm hứng thú của các em đối với từng câu chuyện dân gian.
Bộ sách gồm 5 cuốn. Mỗi cuốn gồm 5 câu chuyện thuộc các thể loại như truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, sự tích. Đó đều là các câu chuyện chứa đựng những bài học sâu sắc của cha ông đúc kết lại. Vì thế, khi trẻ đọc bộ sách này, hoặc cha mẹ đọc cho con nghe, các bé có thể vừa hòa mình vào câu chuyện, vừa rút ra được những bài học về triết lý sống cho bản thân mình.
Theo các chuyên gia nghiên cứu khoa học, việc đọc sách cho trẻ từ sớm còn giúp gieo mầm và hình thành những đức tính tốt cho trẻ. Một đứa trẻ nếu có thói quen đọc sách, khi lớn lên sẽ chủ động tìm đến sách, ham học hỏi và có tư duy tích cực hơn trong cuộc sống.
Không chỉ là bộ sách kể chuyện dân gian, “Ươm mầm tư duy qua truyện kể dân gian” còn được biên soạn đan xen với những trò chơi khoa học giúp bé rèn luyện trí thông minh toàn diện về logic - toán học, hình ảnh và cảm xúc. Mỗi cuốn sách gồm 10 hoạt động trò chơi đa dạng. Nhờ thế mà trẻ sẽ hứng thú hơn trong mỗi giờ đọc sách.
Một đứa trẻ được cha mẹ đọc cho nghe cuốn sách chứa nhiều tranh minh họa sinh động, hấp dẫn và các trò chơi đan xen thì trẻ dễ dàng tìm thấy niềm vui qua mỗi trang sách. Trong bộ sách này có những hoạt động trò chơi như: nối tranh, tìm bóng của các con vật, thoát khỏi mê cung, tìm điểm khác nhau giữa hai hình vẽ, tư duy logic, tập đếm, tô màu theo hình mẫu,…
Điểm hấp dẫn của bộ sách này còn nằm ở phần tranh minh họa đậm chất dân gian. Cuốn thứ nhất được biên soạn gồm các câu chuyện Tích Chu, Nàng tiên Ốc, Sự tích Đèn Trung thu, Gà ông Đồ và gà ông Nghè, Sự tích hạt lúa. Cuốn thứ hai gồm Mưu chú sẻ, Đàn vịt trời, Cóc kiện Trời, Con trâu ghen với con chó, Bác nông dân và con lừa.
Con lợn ăn no lại nằm, Chim công kiêu ngạo, Mười voi, Sự tích con trâu, Há miệng chờ sung. Là những câu chuyện nằm trong cuốn thứ ba.
Cuốn thứ tư gồm: Đẽo cày giữa đường, Nịnh đời, Truyện về các loài chim học xây tổ, Ếch ngồi đáy giếng, Thầy bói xem voi.
Và cuốn cuối cùng gồm các câu chuyện như: Vì sao gà trống lại gáy sáng, Chân - Tay - Tai - Mắt - Miệng, Mèo ăn chay, Phú ông chôn vàng, Mèo lại hoàn mèo.
Với mỗi câu chuyện, cha mẹ đều có thể vừa đọc, vừa rèn luyện tư duy của các con bằng cách đặt ra các câu hỏi sau mỗi tình tiết. Chẳng hạn, khi đọc câu chuyện Đẽo cày giữa đường, cha mẹ có thể kết thúc truyện bằng câu hỏi: “Nếu là con thì con có nghe lời tất cả những người đi qua đường không nhỉ?”, “Câu chuyện này dạy cho con bài học gì nào?”.
Nghe kể chuyện - luyện tư duy, còn gì thú vị và bổ ích hơn khi bé vừa được nghe kể chuyện, vừa được chơi vui để thông minh hơn mỗi ngày. Hơn thế nữa, trẻ còn được rèn luyện song song giữa phát triển ngôn ngữ, cảm xúc và năng lực tư duy./.
PV