Nhà thơ Nguyễn Văn Á ra mắt 2 tác phẩm: Dùng văn chương để tri ân cuộc đời, tri ân người có công
(LĐXH)- Ngày 12/4, tại Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Văn Á tổ chức ra mắt hai tác phẩm, gồm tập thơ "Giọt sương bên cửa sổ" và tập truyện ký "Phía Nam sông Bến Hải" do Nhà xuất bản Văn học phát hành nhân dịp kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Nhà thơ Nguyễn Văn Á quê ở làng Văn Giang (nay là thôn Đại Thịnh), xã Sơn Thịnh (nay là An Hòa Thịnh), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Làng Văn Giang được ví như một "dòng sông văn", nên từ mảnh đất này đã sinh ra nhiều người con ưu tú là trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng đã và đang cống hiến tài năng cho đất nước. Yêu văn chương nhưng cũng là người cẩn trọng, mãi đến năm nay, tác giả mới cho xuất bản liền hai tập sách.
Ông đã được tặng 4 Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; 1 Huy chương Tuổi trẻ Anh hùng bảo vệ Tổ quốc; 2 bằng “Dũng sĩ diệt máy bay”... trong các cuộc kháng chiến.
Ông là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, từng được nhận nhiều giải thưởng tại các cuộc thi viết về đề tài chiến tranh cách mạng.

Dùng văn chương để tri ân cuộc đời, tri ân người có công với nước là nghĩa cử cao đẹp, là đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của người cầm bút. Đó là thông điệp tác giả muốn gửi tới công chúng thông qua các tác phẩm.
Chia sẻ về câu chuyện cuộc đời mình, nhà thơ Nguyễn Văn Á tâm sự, tuy quê nội ông ở làng Văn Giang, nhưng do hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp, cha mẹ ông đã lấy xóm Bồng Châu, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An để an cư lập nghiệp.
"Mẹ tôi qua đời năm 35 tuổi, để lại cho cha tôi một mình nuôi bốn con thơ khi em trai của tôi mới 3 tháng tuổi. Cảnh cha gà trống nuôi con và cuộc đời nghèo khó đã đeo đẳng tôi bằng những tháng năm cơ cực bần hàn. Cái 'nốt lặng' sẽ còn theo tôi đi suốt cuộc đời.
Ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt như thế nên ký ức tuổi thơ và biên niên sử cuộc đời đã tôi luyện tác giả thành con người sớm lập thân, lập nghiệp.
Những gì đã đến và đi qua trong cuộc đời tôi là những kỷ niệm buồn, nhưng là chất xúc tác đã định hướng cho tôi bước đi trên con đường thiện nguyện làm một người sống có ích cho đời”, tác giả xúc động chia sẻ.

Những gì tác giả viết ra trong tập thơ "Giọt sương bên cửa sổ" chính là tiếng tơ lòng và tập truyện ký "Phía Nam sông Bến Hải" là sự khởi đầu của nghiệp văn chương sau 55 năm cầm súng và cầm bút.
“Giọt sương bên cửa sổ” là tập thơ được tác giả viết từ năm 1971 đến 2024, gồm 3 phần. Phần một “Giọt sương bên cửa sổ” là những bài thơ nói về tình yêu đôi lứa, tình yêu của người lính đối với quê hương và đất nước, nguyện chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.
Phần hai “Khúc giao mùa” là những bài thơ viết về tình yêu và thế sự. Dù là tâm sự riêng nhưng cũng phản ánh được phần nào thời cuộc. Phần 3 “Hoài niệm” là những bài thơ đầy nhớ thương của tác giả với quê hương, chiến trường, đồng đội, người thân, bè bạn…
Truyện ký “Phía Nam sông Bến Hải” gồm 2 phần. Trong đó, phần 1 “Khi miền Nam vẫy gọi” gồm 19 bài viết về những trận đánh tác giả cùng đồng đội đã kinh qua, những kỷ niệm cùng đồng đội và ký ức về những người anh hùng thầm lặng chưa được vinh danh.
Phần 2 “Trầm tích” gồm 10 bài viết về hành trình hậu chiến của ông để tri ân đồng đội, trả lại tên cho liệt sĩ cùng sự quyết tâm để huy động mọi nguồn lực xây dựng nên những công trình tưởng niệm nằm bên sông Bến Hải.

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Sĩ Đại ôn lại kỷ niệm không thể nào quên: "Tôi gặp Nguyễn Văn Á khoảng đầu những năm 1980. Anh ào về Hà Nội như một cơn gió rừng Vị Xuyên, quân phục còn khét mùi bom đạn. Ngày ấy, tôi cũng vừa từ mặt trận Lạng Sơn-Cao Bằng về, làm biên tập viên văn nghệ của Báo Nhân Dân. Chuyện giữ chốt, chuyện đồng hương, chuyện thơ xoắn xuýt... Rồi năm 1988, anh lại đến 71 Hàng Trống (Hà Nội) với một tập giấy đủ kiểu, đó là bản thảo thơ chép tay, chữ to như "gà mái mạ". Nhìn vẻ ngoài, Á "quê một cục", lính thứ thiệt mà thơ thi quá dịu dàng".
Trong mắt nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Văn Á là người chân thực, giản dị và rất quyết tâm. Gia đình ông cũng đã có nhiều đóng góp với cách mạng, trong đó hai anh trai của Nguyễn Văn Á, một người là thương binh, một người là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngoài sự lôi cuốn trong tác phẩm, câu chuyện cuộc đời của tác giả Nguyễn Văn Á khiến nhiều người không nén nổi xúc động. Suốt hơn 20 năm ông đi tìm hài cốt liệt sĩ của anh trai, càng thấu hiểu nỗi đau và niềm mong mỏi của thân nhân liệt sĩ khi chưa tìm thấy mộ người thân buồn tủi đến thế nào. Ông đã khắc họa hành trình ấy trong nhiều tác phẩm của mình.
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà phê bình Văn học Nguyễn Thanh Tú chia sẻ: Đọc "Giọt sương bên cửa sổ" của tác giả Nguyễn Văn Á - người lính trọn đời vì Tổ quốc thời chống Mỹ, có cảm giác như đọc lại phần đời mình trong suy nghĩ của thế hệ đi trước. Phải chăng người ta vẫn nói thơ là tiếng nói tri âm, đồng điệu, là như thế chăng. Chỉ biết, tập thơ nói thật những nghĩ suy người lính trong lúc cầm súng và lúc buông súng - thời hòa bình".
“Xét đến cùng, thơ mới, thơ cũ cũng đều là tiếng nói tâm trạng. Qua thơ hiện lên chân dung nhân cách con người với nghĩ suy, khát khao, chiêm nghiệm... Qua thơ, còn hiện cả một thời đại, một không gian văn hóa. "Với riêng tôi, "Giọt sương bên cửa sổ" nói lên nhân cách đáng kính trọng của người lính, nói lên một thời đại văn hóa tất cả vì Tổ quốc quyết sinh. Đây là tiếng thơ đáng quý, đáng được sẻ chia, tôn vinh", Ông Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh.
Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh bày tỏ: "Không chỉ là một vùng ký ức chân thực của một cựu chiến binh đã có những tháng ngày cùng đồng đội chiến đấu kiên cường trên nhiều mặt trận để đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, "Phía Nam sông Bến Hải" còn là những trang văn học sử giá trị với nhiều biên độ cảm xúc. Những trận đánh mà tác giả đã trải qua, những người lính kiêu dũng, quả cảm mà tác giả đã cùng chung chiến hào, những câu chuyện nhân bản mang nghĩa tình đồng đội và sự gắn bó máu thịt của quân dân trong thời chiến... đã được anh tái hiện bằng giọng văn trần thuật, mang hơi thở chân thực và góc nhìn xác tín của người trong cuộc nên thực sự ấn tượng với người đọc".
Qua "Phía Nam sông Bến Hải", ta sẽ thấy nỗi đau của người lính trận trào lên trang viết, sẽ thấm thía sâu hơn về sự tàn khốc của chiến tranh và vết thương hậu chiến không thể nào lành lại. Nhưng cũng qua đó, ta thấu hiểu được cái giá của hòa bình không thể lượng hóa bằng những con số hay miêu tả bằng từ ngữ... ta tự hào biết mấy về một dân tộc Việt Nam anh hùng, với ý chí, nghị lực, sức mạnh đại đoàn kết đã làm nên những chiến công vĩ đại.
Thảo Lan
TAG:
Nhà thơ Nguyễn Văn Á
tri ân cuộc đời
tập thơ Giọt sương bên cửa sổ
tập truyện ký Phía Nam sông Bến Hải